![]() |
Lý Tống. |
Lý Tống vốn là phi công lái máy bay cường kích A-37. Ngày 24/4/1975, trên đường lái máy bay ném bom chặn đường quân giải phóng ở Xuân Lộc, máy bay bị bắn rơi, Lý Tống bị bắt vào trại cải tạo. Năm 1981, Tống trốn trại về TP HCM, đột nhập sân bay Tân Sơn Nhất với ý định cướp một chiếc A-37, nhưng không thành và suýt bị bắn chết. Sau đó Lý Tống vượt biên sang Mỹ và bắt đầu được các nhân vật chống cộng như Lê Hữu Dân, Nguyễn Văn Hòa, Khôi Trần... đôn lên, dần dần trở thành kẻ có tiếng tăm...
Phi vụ cướp máy bay Việt Nam và bản án 20 năm tù
Ngày 12/8/1992, Lý Tống đến Thái Lan, chuẩn bị thiết bị bay, đột nhập sân bay Ubon và leo lên được một chiếc A-37. Tuy nhiên máy bay không khởi động được. Ngày 4/9 năm đó, Tống bay về Việt Nam trên chiếc máy bay A-310 của hãng Hàng không Việt Nam, với 115 hành khách, cơ trưởng người Bulgari. Hành lý của Tống là một bộ dù, dây dù, truyền đơn.
Trong bữa ăn, Lý Tống lấy cắp một con dao ăn. 18h8’, Tống xin nước uống. Khi tiếp viên Nguyễn Xuân Thủy Tiên tới, Lý Tống bất ngờ dùng dây dù quấn vào cổ rồi dùng dao uy hiếp, đẩy cô vào buồng tiếp viên, sau đó trói luôn tiếp viên nam người Bulgari. Với lời đe dọa máy bay đã bị đặt bom, Lý Tống nhảy vào buồng lái, trói kỹ sư cơ giới Stanov rồi buộc lái trưởng hạ thấp độ cao xuống 1.000 feet (330 m), lượn vòng trên khu vực cấm bay của TP HCM, mở cửa sổ buồng lái buộc phụ lái ném truyền đơn xuống. Rải xong, Lý Tống yêu cầu nâng độ cao máy bay lên 2.300 m và mở cửa lên xuống để hắn nhảy dù. Tuy nhiên cửa không mở được do chênh lệch áp suất. Lý Tống rút trong người ra tấm ảnh hắn mặc áo phi công và nói mình hiểu rõ máy bay, đồng thời đe dọa sắp đến giờ bom nổ. Tuy nhiên, lúc này, cơ trưởng đã biết chắc không có bom nên tìm cách hoãn binh để hạ cánh. Lý Tống la hét điên dại bắt cơ trưởng mở cửa sổ để Tống nhảy dù. Hắn bị rơi xuống một ao rau muống ở ngoại thành TP HCM và bị bắt ngay lập tức. Chiếc A-310 hạ cánh an toàn lúc 19h14’.
Phiên tòa ngày 28/1/1993 kết tội Lý Tống chiếm đoạt máy bay và gây thiệt hại cho Hàng không Việt Nam (máy bay bị hỏng không tiếp tục lộ trình, phải sửa chữa lại với chi phí 500.000 USD). TAND TP HCM kết án Lý Tống 20 năm tù. Tại trại cải tạo Nam Hà, gã điển trai này, có chút tài chơi guitar và hát hò, song lại thường xuyên kích động trại viên chống đối và mong ngóng được nước ngoài can thiệp vì hắn có quốc tịch Mỹ. Được đặc xá sau gần 6 năm thụ án, Lý Tống trở về Mỹ với tuyên bố sẽ tiếp tục tiến hành cuộc cách mạng từ... trên trời rơi xuống.
Ngày 3/1/2000, Lý Tống thuê một máy bay thể thao từ Florida sang Cuba và rải 50.000 truyền đơn. Khi Cuba cho máy bay Mig lên truy đuổi thì Mỹ cũng cho hai chiếc F-16 yểm trợ cho Lý Tống chạy thoát. Vụ này, Lý Tống chỉ bị tịch thu bằng lái và tuyên bố sẽ tiếp tục thực hiện cái gọi là "sứ mệnh cao cả" ở Trung Quốc, Triều Tiên và Việt Nam.
Âm mưu gây rối nhân chuyến thăm của tổng thống Bill Clinton
Ngày 17/11/2000, đúng dịp tổng thống Bill Clinton sang thăm Việt Nam, Lý Tống thuê một máy bay huấn luyện loại Casena cùng thày giáo cất cánh từ sân bay Bophai, Thái Lan. Máy bay vừa đủ độ cao, y bắt thày giáo đổi hướng bay về Việt Nam và hứa sẽ thưởng cho ông một máy camera. Người thày này chống đối vì thấy nguy hiểm và nhiên liệu không đủ, song Lý Tống đã đe dọa buộc ông lái sang Campuchia rồi theo lộ trình vạch sẵn của Lý Tống bay sang Việt Nam. Đây là loại máy bay có định vị vệ tinh (GPS) nên mặc dù thời tiết xấu, Lý Tống vẫn xác định được mục tiêu. Ở độ cao 200 m, Tống chuyển hướng Tây Ninh - Bình Dương vào TP HCM. Rải truyền đơn xong, máy bay còn kịp quay về sân bay Bophai.
Lý Tống bị bắt ngay sau đó và quan điểm của Cơ quan Công tố Thái Lan là sẽ xử nghiêm khắc, còn việc dẫn độ về Việt Nam thì phải chờ phán quyết của tòa án. Ngày 5/2, Công tố tỉnh Rayong đã hoàn tất cáo trạng đưa Lý Tống ra xét xử với tội danh chiếm đoạt, khống chế phương tiện bay trong khi đang bay, uy hiếp tinh thần người khác, điều khiển phương tiện bay ra khỏi Vương quốc Thái Lan không xin phép.
Phiên tòa khó khăn với những lý do tế nhị
Từ tháng 3, theo nhà đương cục Thái Lan, họ đã mở 3 phiên tòa xét xử song không thành. Phiên tòa thứ nhất mở ngày 24/4, Lý Tống chấp nhận một luật sư bào chữa nhưng không nhận tội chiếm đoạt hay khống chế phương tiện bay. Phiên tòa thứ hai mở ngày 16/6, Lý Tống không chấp nhận hai luật sư do tòa cử và cũng không chấp nhận cả ba tội danh theo cáo trạng. Phiên tòa mới đây, ngày 18/7 cũng vậy. Thế là tòa án Thái Lan phải ngừng xét xử để cảnh sát thu thập thêm về nhân chứng quan trọng của vụ án, phi công Thira, người thày trong chuyến bay 17/11/2000. Tòa án Thái Lan dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ mở các phiên tòa ngày 8/8, 21/8, 13 và 18/9. Riêng phiên tòa Thira, ngày 21/8, Lý Tống đề nghị được tham gia.
Tuy nhiên, mới đây, khi làm việc với phái đoàn của Việt Nam, phía Thái Lan cho hay là Thira, nhân chứng quan trọng nhất vụ án, đang đi học ở Mỹ, bao giờ về thì chưa biết. Lý do sâu xa chính là quốc tịch Mỹ của Lý Tống. Tương tự như vậy, trước đó, trùm chống cộng lưu vong Nguyễn Hữu Chánh đã dùng đất Thái Lan để tụ tập lực lượng lưu vong, chống phá Việt Nam. Thái Lan đã bắt được nhưng chỉ giam giữ ít hôm rồi thả.
Trong vụ án Lý Tống, bên Việt Nam mong sớm trao trả tên không tặc để xét xử về sự xâm phạm trái phép lãnh thổ Việt Nam, gây mất an ninh trật tự, chống lại nước Nhà nước CHXHCN Việt Nam có chủ quyền.
(Theo ANTG)