Chiều 5/6, trước thông tin virus cúm gia cầm biến đổi liên tục, có thể dẫn đến phá sản kế hoạch tiêm văcxin cúm tiêu tốn mấy chục tỷ đồng, Phó giám đốc Trung tâm chẩn đoán thú y trung ương Nguyễn Văn Cảm đã đưa ra hàng loạt dẫn chứng để bác bỏ lo ngại này.
Cuối tuần trước, trung tâm này đã thí nghiệm tiêm virus H5N1 cho 27 con gà chưa tiêm phòng thì cả 27 con chết. Tiêm virus H5N1 cực độc cho 20 con gà đã tiêm phòng, có khả năng miễn dịch thì chỉ 1 con chết, 19 con sống khỏe mạnh sau 4 ngày tiêm. "Như vậy bước đầu đánh giá văcxin bảo hộ rất tốt với virus tại Việt Nam", ông nói.
![]() |
Gia cầm ngang nhiên vào phố, bất chấp quy định nội thành, nội thị không được nuôi, buôn bán, vận chuyển gia cầm sống. Ảnh: Hoàng Hà. |
Người đồng nhiệm với ông Cảm, Phó giám đốc Tô Long Thành cho biết đã mang 6 chủng virus cúm của Việt Nam sang làm việc với bà Trần Hoa Lan, tác giả nhiều loại văcxin của Trung Quốc, trong đó có loại Việt Nam đang sử dụng. Kết quả giải trình gen cho thấy virus của Việt Nam rất gần với chủng gây bệnh ở Trung Quốc năm 2005. Vì thế, văcxin Việt Nam sử dụng từ năm 2005 đến nay vẫn phù hợp.
Ông Thành cũng dẫn lời một tiến sĩ Australia, người đầu tiên đưa văcxin phòng chống cúm gia cầm ở Hong Kong năm 1997. Ông này đã bác bỏ thông tin văcxin Trung Quốc sản xuất để chống lại tuýp Z trong khi hiện nay tuýp G phổ biến ở Việt Nam nên không tác dụng. "Phân biệt tuýp G, Z là dựa vào protein nội của virus. Nó chỉ có ý nghĩa về mặt phân loại, không có ý nghĩa về kháng nguyên", ông nói.
Có gian dối trong tiêm phòng cúm?
Từ đầu tháng 5 đến nay, dịch cúm đã tái phát tại 15 tỉnh là: Nghệ An, Nam Định, Sơn La, Hải Phòng, Quảng Ninh, Bắc Giang, Đồng Tháp, Cần Thơ, Ninh Bình, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Hà Nam, Quảng Nam, Hưng Yên và Thái Bình. Căng thẳng nhất là Nam Định với 22 xã có dịch, kế đến là Ninh Bình 6 xã, Nghệ An 5 xã. Cả nước hiện có 2 bệnh nhân cúm A H5N1 là anh Phùng Minh Phúc, 29 tuổi, ở huyện Mê Linh, Vĩnh Phúc. Anh Phúc mổ gà cho một đám cưới và có ăn thịt gà vào ngày 5/5. Bệnh nhân thứ hai là Hà Văn Nguyên, 19 tuổi, ở huyện Phổ Yên, tỉnh Thái Nguyên. Anh này đã đi giết gà thuê vào ngày 24/5 tại chợ Đông Anh, Hà Nội và tái phát bệnh sau đó 2 ngày. |
Phó giám đốc Nguyễn Văn Cảm cho biết nhiều địa phương tỷ lệ miễn dịch trên đàn gia cầm sau tiêm phòng rất thấp. Cụ thể, tại Quảng Ninh, cơ quan chức năng giám sát trên 13 đàn gà (lấy ngẫu nhiên) thì 1 đàn không có kháng thể. Cũng tại tỉnh này, giám sát 6 đàn vịt thì có 2 đàn cho tỷ lệ miễn dịch từ 0 đến 33%. Tại Hải Dương có giám sát 8 đàn vịt thì 3 đàn không hề có kháng thể.
Tại Nam Định, tỉnh được chọn thí điểm tiêm văcxin và hiện đã xong 2 mũi thì tỷ lệ miễn dịch trên đàn gia cầm vẫn thấp. 5 huyện được chọn lấy mẫu giám sát thì có huyện Trực Ninh tỷ lệ miễn dịch chỉ 6,6%, Ý Yên là 8,33%. Các huyện còn lại đều trên 70%. "Tỷ lệ miễn dịch thấp có thể do kỹ thuật tiêm phòng chưa đúng. Nhưng nếu tỷ lệ chỉ 0% thì cần xem xét lại thực sự có tiêm hay không? Nếu tiêm thì ít nhiều phải có miễn dịch, không thể nào 0%", ông Cảm đặt vấn đề.
Tại cuộc họp chiều nay của Ban chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cũng bày tỏ băn khoăn khi các tỉnh, nhất là khu vực miền Bắc, báo cáo tỷ lệ tiêm phòng cho gia cầm rất cao, nhưng cũng chính miền Bắc lại bùng phát cúm gia cầm. "Cần phải xem lại vấn đề này. Nếu tiêm phòng không đạt sẽ phải tiêm lại", ông khẳng định.
Dịch có khả năng bùng phát mạnh trên cả nước
Theo các chuyên gia thú y, mầm bệnh tồn tại rất nhiều trong môi trường. Kết quả giám sát tỷ lệ nhiễm virus trên đàn thủy cầm chưa tiêm phòng ở Bắc Giang là 8,33%, ở Bắc Ninh 46%. Hầu hết ổ dịch xuất hiện tại 15 tỉnh thành vừa qua đều trên đàn thủy cầm.
Điều này đã gây tranh cãi trong ngành nông nghiệp là có nên tiếp tục thực hiện quyết định 17 cho phép tái lập đàn thủy cầm. Cục Thú y cho rằng nên tạm ngưng nếu địa phương nào không kiểm soát tốt. Viện trưởng Thú y Trương Văn Dung còn nhấn mạnh "phải trừng phạt tỉnh nào không thực hiện nghiêm túc quyết định này". Riêng Cục Chăn nuôi nêu quan điểm: "không thể cứ không quản lý được thì cấm nuôi".
Là Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia phòng chống cúm gia cầm, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Cục Chăn nuôi phải xuống hướng dẫn địa phương thực hiện việc ấp nở, tái lập đàn thủy cầm. Nếu có sai sót phải chấn chỉnh kịp thời. Cục Thú y có xuống giúp người dân về kỹ thuật phòng chống cúm, giám sát gia cầm sau tiêm phòng. Cục quản lý thị trường cần siết chặt việc vận chuyển, buôn bán và tiêu thụ gia cầm. Trong tháng này sẽ phát động đợt khử trùng trên toàn quốc.
Ông cũng nhấn mạnh với tình hình virus tồn tại khắp nơi, nông dân lại đang có xu hướng lùa vịt ra đồng để tận dụng nguồn thóc rơi vãi sau vụ gặt thì khả năng bùng phát dịch trên cả nước và lây sang người là rất lớn. "Dịch không còn lẻ tẻ nữa. Từ sáng đến giờ, tôi gọi điện về các tỉnh và vẫn chưa thấy tỉnh nào báo cáo sắp hết dịch cả", ông nói.
Hồng Khánh