Tiến sĩ Tan Poh Lin, phó giáo sư tại trường Chính sách công Lý Quang Diệu và các đồng tác giả của nghiên cứu đã thăm dò ý kiến của 290 phụ nữ đã kết hôn và có ít nhất một con.
Nghiên cứu đã xem xét các công việc chăm sóc con cái, nội trợ... mà người chồng và người vợ đảm nhận ở nhà, trong giai đoạn đại dịch Covid-19, cũng như sự khác biệt về thời gian mà mỗi người dành cho chúng.
Kết quả, phụ nữ không hạnh phúc trong hôn nhân do trách nhiệm làm việc nhà tăng thêm trong đại dịch. Thêm vào đó, một số người mất việc làm hoặc có thu nhập thấp.
Trước đại dịch, điểm hài lòng trong hôn nhân trung bình của phụ nữ là 3,9 trên thang điểm 5. Giai đoạn từ 7/4 đến ngày 1/6/2020, tất cả các hoạt động không thiết yếu đều bị tạm dừng, nhiều người phải làm việc tại nhà. Thời điểm này, điểm hài lòng của phụ nữ giảm xuống còn 3,6.
Trước khi giãn cách xã hội, phụ nữ dành trung bình 68 phút mỗi ngày để làm việc nhà. Trong khi đó, chồng của họ dành 43 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, trong giai đoạn dịch bệnh hoành hành kéo theo thời gian ở nhà tăng lên, phụ nữ dành 112 phút để làm việc nhà. Trong khi đối với nam, con số này là 63 phút. Tiến sĩ Tam cho biết: "Điều này đã tạo ra sự gia tăng khoảng cách giới, phần lớn là vì công việc nội trợ thường được coi là công việc của phụ nữ".
Theo tiến sĩ Tam, những bất mãn trong hôn nhân hoàn toàn có thể tránh được nếu các cặp vợ chồng sẵn sàng thảo luận về cách cùng xử lý vấn đề trong gia đình.
Nhà xã hội học Tan Ern Ser chia sẻ với tờ The Straits Times: "Trong cuộc tranh luận về việc nhà, chúng ta cần xem xét nhiều yếu tố, chứ không chỉ đơn thuần là ai làm việc nhà nhiều hay ít. Các cặp vợ chồng cần phải đưa ra quyết định hợp lý, tùy thuộc vào từng hoàn cảnh gia đình".
Thùy Linh (Theo Asian Parent)