Nội dung này cũng được đưa vào chương trình làm việc của kỳ họp thứ ba, Quốc hội khóa XII.
Thủ tướng cũng giao Bộ Nội vụ cùng các cơ quan liên quan chuẩn bị Tờ trình Quốc hội cùng với Đề án kèm theo về việc mở rộng địa giới hành chính thủ đô. Các tài liệu này hiện được hoàn tất để báo cáo Chính phủ, trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Quốc hội.
![]() |
Nhà ở khu đô thị Văn Quán, Hà Đông (Hà Tây) đang có mức giá khá cao. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cuối tháng 3 và đầu tháng 4, các tỉnh liên quan đến việc mở rộng thủ đô là Hà Nội, Hà Tây, Hòa Bình, Vĩnh Phúc cũng sẽ họp HĐND bất thường để bàn thảo, thông qua Nghị quyết về phương án mở rộng địa giới hành chính thủ đô.
Trước đó, ngày 6/3, Bộ Xây dựng đã trình Thủ tướng về việc phê duyệt quy hoạch vùng thủ đô. Theo đó, Hà Nội sẽ sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số tỉnh Hà Tây, huyện Mê Linh (tỉnh Vĩnh Phúc) và 4 xã Đông Xuân, Tiến Xuân, Yên Bình, Yên Trung thuộc huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình. Diện tích Hà Nội sau khi mở rộng là 2.700 km2 gấp 3 lần hiện nay.
Theo Bộ Xây dựng, cơ sở hạ tầng kỹ thuật và xã hội của Hà Nội đang bị quá tải và gặp rất nhiều khó khăn trong việc đáp ứng nhu cầu về nhà ở, các công trình dịch vụ công cộng. Mặt khác, do tốc độ đô thị hóa tăng nhanh, quỹ đất dành cho cây xanh công viên, vành đai xanh đang dần dần bị chuyển đổi mục đích sử dụng sang phát triển công trình dân dụng.
Vì vậy, việc đề xuất mở rộng sẽ bảo đảm có các quỹ đất lớn để phát triển một số khu chức năng quan trọng của thủ đô, các công trình đầu mối hạ tầng kỹ thuật, các dự án mang tầm quốc gia trước mắt và lâu dài.
Đoàn Loan