Tin không hiếu động như các bé khác cùng tuổi, con có vẻ trầm tính, ít nói và rất thân với mẹ. Tôi có cửa hàng mỹ phẩm ngay tại nhà nên vừa bán hàng, vừa trông con trong những ngày nghỉ. Trong lúc mẹ bán hàng, Tin cũng quanh quẩn xung quanh, nhìn mẹ và khách rồi chơi tiếp. Thấy con chỉ nhìn vậy thôi, tôi không nghĩ con sẽ học được gì. Cho đến một hôm, có một khách ghé vào quán, tôi chưa kịp đứng lên thì thấy Tin nhanh nhảu chạy ra mở cửa, hỏi: "Cô mua gì, mẹ cháu có nhiều hàng đẹp lắm đấy!" và dẫn khách vào kệ hàng. Nghe con nói mà tôi đứng hình vài giây. Sau khi khách về, tôi mới hỏi con sao lại biết nói vậy, Tin bảo: "Thì con thấy mẹ hay chào khách vậy mà".
Cuối mỗi ngày, tôi đều ngồi tính lại tiền và bỏ vào ngăn tủ. Sau nhiều lần tham gia đếm tiền cùng mẹ, Tin thắc mắc sao cũng là tiền mà mẹ lại phải chia ra nhiều ngăn như vậy?. Tôi vui vẻ nói cho con biết tôi có 3 ngăn tủ, trong đó, tôi sẽ chia tiền theo các mục đích khác nhau: một ngăn là tiền vốn; một ngăn tiền lời và ngăn còn lại là tiền lẻ để trả lại cho khách trong ngày. Việc phân chia tiền theo ngăn sẽ giúp mẹ biết được mẹ đã bán được bao nhiêu, đã thu hồi vốn chưa và lời lãi thế nào. Việc này rất cần thiết khi con làm việc với tiền và giúp con phân chia tiền theo các mục đích cụ thể.
Vì còn nhỏ nên con chưa hiểu được về việc kinh doanh của mẹ nhưng Tin vẫn phụ mẹ gom tiền vào mỗi tối. Tôi rất rạch ròi trong việc dùng tiền vì có hai con nhỏ đang tuổi ăn tuổi học nên chi phí cho sinh hoạt cũng khá nhiều. Với số tiền kiếm được hàng tháng của 2 vợ chồng, tôi luôn chia thành 3 khoản: 50% cho sinh hoạt; 30% tiết kiệm; 20% là tiền cho việc học của các con. Mỗi khoản này tôi cũng bỏ ngay ngắn trong các ngăn tủ. Thấy mẹ có nhiều ngăn tủ chia tiền, Tin cũng xin "cái ngăn tủ để bỏ tiền của con".
Trước giờ, tiền của con có như: tiền lì xì, tiền được cho các dịp sinh nhật, hay thi thoảng được mẹ cho tiền mua đồ thì con đều đem bỏ heo đất. Nhưng bỏ heo thì hạn chế chỗ con sẽ không kiểm tra được heo "no hay đói", cũng như không chia nhỏ các khoản như mẹ được. Tôi đồng ý với con và trong ngăn tủ đồ của Tin, tôi cũng chia làm 3 ô, tôi hỏi con sẽ để tiền như thế nào vào 3 ô này thì con chỉ nói "con sẽ để giống mẹ".
Tuổi này, con mới chỉ nhìn theo và "học vẹt" chứ thực sự là con chưa biết phải làm gì với tiền. Nhân lúc này, tôi cũng tranh thủ chỉ con vài điều. Mổ ống heo lấy tiền ra, tôi nói với con rằng chúng ta sẽ chia tiền theo 3 mục đích chính: một khoản tiết kiệm để sau này con lấy tiền đi học; một khoản để mua các đồ chơi con thích và thêm một khoản nhỏ để dự phòng khi cần đóng góp hay giúp đỡ mọi người được không? Nghe có tiền mua đồ chơi, con có vẻ rất hào hứng nên đồng ý với tôi. Từ đó, tôi vẫn cho con tiền lẻ để chia vào các "ngăn tủ bí mật" của mình nhưng cho đến giờ thì con chưa lấy tiền trong đó để dùng cho việc gì cả, vì mỗi lần phải lấy tiền góp với mẹ mua đồ chơi con lại tiếc và xin mẹ mua luôn.
Tôi chưa đặt áp lực cho con lắm! Tuổi nhỏ bố mẹ cần kiên nhẫn và nhẹ nhàng với con. Nhất là chuyện tiền bạc, tôi muốn con làm quen với tiền trước, bây giờ con biết giữ tiền tiết kiệm là tôi thấy mình thành công rồi. Theo tuổi của con, tôi sẽ cố dạy con những bài học phù hợp hơn.
Lê Tâm Tình
Prudential và VnExpress phối hợp tổ chức cuộc thi "Cha-Ching - Bé giỏi tiền hay" từ ngày 9/6 đến 21/7. Cuộc thi không chỉ giúp cha mẹ và con cái cùng nhau học thêm cách quản lý tiền mà còn là một cơ hội giúp cả nhà gắn kết hơn cũng như nhận phần thưởng bằng tiền mặt hkấp dẫn. Trong đó, cơ cấu giải thưởng bao gồm: một giải Nhất trị giá 10 triệu đồng; hai giải Nhì, mỗi giải trị giá 7 triệu đồng; 5 giải Ba mỗi giải trị giá 5 triệu đồng; 5 giải Yêu thích thông qua bình chọn của độc giả, mỗi giải trị giá 3 triệu đồng. Ngoài ra, 20 bài dự thi có chất lượng tốt nhất được chọn vào chung khảo sẽ nhận 500.000 đồng và một con heo đất của Prudential.
Xem chi tiết thể lê cuộc thi tại đây.
Gửi bài dự thi tại đây