Tần số vô tuyến hiện được ứng dụng trong phát thanh phát hình, thông tin di động, radar, hệ thống giám sát hàng không, thông tin vệ tinh, bộ đàm, cũng như trong nhiều thiết bị dân dụng như wifi, camera không dây, tai nghe không dây, âm thanh không dây... Tại các đô thị lớn, mật độ sử dụng tần số rất lớn nên luôn có những phát sinh can nhiễu giữa các hệ thống với nhau.
Ông Nguyễn Phương Đông, Giám đốc Trung tâm Tần số vô tuyến khu vực 1 (Cục Tần số vô tuyến điện), cho biết tất cả cơ quan quản lý vô tuyến điện trên thế giới đều quản lý can nhiễu theo hai cơ chế. Một là chủ động phòng ngừa; hai là xử lý can nhiễu phát sinh.
Chủ động phòng ngừa can nhiễu chủ yếu là tuyên truyền, phổ biến pháp luật, hướng dẫn gia hạn giấy phép, quản lý chất lượng thiết bị bưu điện lưu thông trên thị trường, kiểm soát phổ tần cố định và lưu động (kiểm soát từ xa).
Việc kiểm soát tần số từ xa được thực hiện như sau: Từ trụ sở của Trung tâm Tần số vô tuyến khu vực 1, các chuyên viên sẽ điều khiển từ xa đến 19 trạm kiểm soát đặt trên 11 tỉnh thành do trung tâm quản lý (riêng Hà Nội 7 trạm). Những trạm này có các thiết bị kiểm soát và thiết bị phụ trợ, được đặt trên những cột ăngten cao 40-80 m, vùng bao phủ rộng và chỉ kiểm soát thiết bị công suất lớn.
Hiện hệ thống kiểm soát tần số của Cục Tần số vô tuyến điện được chia làm ba lớp. Lớp một là những trạm cố định. Lớp hai là các xe kiểm soát cơ động với thiết bị được đặt trên ôtô. Lớp này chủ yếu để kiểm soát những nơi mà các trạm kiểm soát cố định không bao phủ được, hoặc kiểm soát những thiết bị công suất thấp, những trạm dùng sóng viba.
Lớp thứ ba là dùng thiết bị xách tay nhằm kiểm soát những mét cuối cùng. "Xe cơ động có thể phát hiện can nhiễu ở gần tòa nhà nào đó nhưng để xác định chính xác thì phải sử dụng thiết bị xách tay", ông Đông giải thích. Cục Tần số vô tuyến điện cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất nhằm xử lý những cá nhân sử dụng tần số không có giấy phép.
Từ hệ thống kiểm soát, hàng quý Trung tâm 1 phát hiện khoảng 25 báo cáo vi phạm về sử dụng tần số, trong đó chủ yếu là tần số bộ đàm trong các nhà hàng, khách sạn, công trường sử dụng không giấy phép, hoặc những đài truyền thanh không dây hết hạn giấy phép. Khi phát hiện, đội thanh tra của Trung tâm 1 sẽ kích hoạt chế độ thanh tra đột xuất để đi xử lý vi phạm.
Theo ông Đông, trong bối cảnh thiết bị thông tin bưu điện được sử dụng rộng rãi trong mọi mặt đời sống nên dù trung tâm đã chủ động phòng ngừa can nhiễu vẫn không thể loại trừ hết. Cục Tần số vô tuyến điện đã thiết lập đường dây nóng, người dân khi bị can nhiễu thì phản ánh tới đây để được xử lý.
10 ngày qua, từ phản ánh của người dân, Trung tâm 1 xử lý ít nhất 6 vụ can nhiễu gây tê liệt khóa thông minh của ôtô, xe máy, cửa cuốn. Thiết bị gây can nhiễu là điều khiển máy bơm nước, cửa cuốn, bảng quảng cáo điện tử LED, máy phát số tự động của ngân hàng. Những thiết bị này không được chứng nhận hợp quy.
Theo quy định, các thiết bị sử dụng tần số trước khi lưu hành thì nhà sản xuất hay nhập khẩu phải đi đo xem có phù hợp với tiêu chuẩn kỹ thuật và khai thác hay không, cơ quan nhà nước sẽ cấp chứng nhận hợp quy. Những thiết bị đã được chứng nhận, khi đi vào hoạt động sẽ rất ít bị can nhiễu.
Hiện những can nhiễu như trên không được phát hiện thông qua hệ thống kiểm soát mà phụ thuộc vào phản ánh từ người dân. "Nhằm tránh gây can nhiễu, chúng tôi đề nghị người dân và các tổ chức khi mua thiết bị sử dụng tần số thì nên mua sản phẩm có chứng nhận hợp quy trên vỏ hộp hoặc thân máy", ông Đông khuyến cáo.
Việt An