Thông tin được đại diện Cục Cảnh sát giao thông, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an) nêu tại cuộc họp ngày 28/10 giữa đại diện lãnh đạo Cục Cảnh sát giao thông, Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an); Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông); Ban Dân chủ, Giám sát và Phản biện xã hội (Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam) và một số đơn vị, bàn về những vấn đề chưa rõ trong thông tư 46/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của thông tư 67/2019 "quy định về thực hiện dân chủ trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông".
Theo đó, sau khi Thông tư 46/2024/TT-BCA được ban hành, người dân vẫn được sử dụng thiết bị ghi âm, ghi hình để giám sát quá trình làm việc của cảnh sát giao thông. Tuy nhiên, việc này phải bảo đảm các điều kiện đã được pháp luật quy định và không làm ảnh hưởng đến hoạt động của cán bộ, chiến sĩ khi đang thực thi công vụ.
Tại cuộc họp, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật đã đưa ra các vấn đề về tính pháp lý và cách tiếp cận các quy định tại thông tư để bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp, thống nhất, minh bạch. Qua đó nhằm tôn trọng quyền giám sát của nhân dân.
Cục trưởng Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật Hồ Quang Huy cho rằng quy định tại Thông tư 46/2024/TT-BCA có thể dẫn đến các cách hiểu khác nhau nên gây lúng túng cho người dân khi tiếp cận và thực hiện quyền giám sát của mình. Bởi thế, thông tư cần rà soát để có hướng dẫn kịp thời, áp dụng thống nhất trong thực tiễn.
Cục trưởng Huy đề nghị Cục Cảnh sát giao thông tham mưu, báo cáo lãnh đạo Bộ Công an có ý kiến chính thức để người dân, cán bộ, chiến sĩ thực hiện đúng, đủ quy định của hiến pháp và pháp luật về quyền giám sát của người dân.
Các đại biểu sau đó cũng đề nghị Bộ Công an cần đẩy mạnh truyền thông chính sách để bảo đảm cho người dân được thực hiện quyền giám sát. Trong đó có quyền ghi âm, ghi hình để giám sát hoạt động của lực lượng cảnh sát giao thông theo quy định.
Điều 11 thông tư 46/2024 có hiệu lực từ 15/11 nêu 5 hình thức nhân dân được giám sát công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông. So với thông tư 67/2019, hình thức giám sát "thông qua thiết bị ghi âm, ghi hình" không được áp dụng. Các hình thức khác vẫn giữ nguyên, trong đó có hình thức giám sát thông qua quan sát trực tiếp.
Lý giải về vấn đề này, Cục cảnh sát giao thông Bộ Công an cho rằng thời gian qua việc giám sát của một số người dân với cảnh sát giao thông "có lúc chưa khách quan, đúng quy định". Nhiều trường hợp lợi dụng quyền giám sát để ghi hình, chụp ảnh quá trình làm việc của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông rồi chia sẻ lên mạng xã hội. Việc này nhằm mục đích quấy rối, gây khó khăn cho công tác thi hành pháp luật về trật tự, an toàn giao thông.
Những hình ảnh đăng tải dù được gỡ bỏ và người vi phạm bị xử lý song vẫn gây ra tác động xấu đến người xem, ảnh hưởng đến quá trình công tác của cán bộ, chiến sĩ cảnh sát giao thông. Bởi thế, việc bỏ quy định giám sát về ghi âm, ghi hình phù hợp với quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và các quy định pháp luật liên quan khác.
Ngoài vấn đề trên, thông tư 46/2024 cũng bỏ một số "nội dung công khai của công an trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn giao thông". "Khu vực bảo đảm trật tự, an toàn giao thông" tại thông tư 67/2019 cũng được sửa thành "khu vực thực thi công vụ" trong thông tư mới.
Phạm Dự