"Nước Mỹ, các bạn đổ lỗi cho tôi vì can thiệp vào nền dân chủ của các bạn. Nhưng tôi không cần phải làm thế. Các bạn đang tự làm điều đó", Tổng thống Nga Vladimir Putin nói với giọng tiếng Anh đặc sệt trong video được phát trên YouTube tuần trước.
Trong một video khác, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un gửi thông điệp tới người Mỹ: "Người dân đang bị chia rẽ. Các khu vực bỏ phiếu bị thao túng. Nhiều địa điểm bỏ phiếu đóng cửa nên hàng triệu người không thể đi bầu".
Hai video nhanh chóng lan truyền trên Internet với hàng trăm nghìn lượt xem. Tuy nhiên, cả hai chỉ là sản phẩm dàn dựng của tổ chức RepresentUS thông qua công nghệ deepfake. "Thật đáng sợ, khó mà phân biệt thật giả", thành viên Frank Gutierrez bình luận trên YouTube, trong khi một số người khác đánh giá cao khả năng dựng ảnh "như thật" trong video.
Deepfake là những video giả mạo, nhưng tạo cảm giác như thật nhờ thuật toán trí tuệ nhân tạo. Bắt đầu phổ biến từ năm 2017, đa số sản phẩm deepfake liên quan tới việc ghép khuôn mặt người nổi tiếng lên cơ thể của các diễn viên phim khiêu dâm. Tuy nhiên, giới chuyên gia lo ngại deepfake sẽ được sử dụng nhiều trong các chiến dịch bóp méo thông tin chính trị.
Kim Jong Un trong video deepfake. |
Joshua Lynn, nhà sáng lập RepresentUS, cho biết họ thực hiện video để nâng cao nhận thức của người xem, cho thấy công nghệ có nguy cơ tác động tới hoạt động chính trị như thế nào. Tuy nhiên, quá trình tạo video deepfake như thật cũng không dễ dàng bởi họ phải thu thập đủ hình ảnh về Putin và Kim Jong Un để huấn luyện thuật toán. Video về Kim Jong Un được dựng lâu hơn vì tương đối ít cảnh quay về ông trên mạng.
Hai đoạn deepfake đã gây tiếng vang trên mạng xã hội khi một loạt người nổi tiếng tham gia chiến dịch của RepresentUS và chia sẻ lại video như diễn viên hài Amy Schumer, nghệ sĩ nhạc kịch Sia hay đạo diễn Adam McKay... Trong khi đó, Facebook tuyên bố không cho phép hiển thị video deepfake, bất kể video đó có nội dung gì.
Châu An