- Thành công của “Scandal: Bí mật thảm đỏ” gây áp lực doanh thu như thế nào cho anh khi thực hiện “Scandal: Hào quang trở lại”?
- Tôi cố gắng không để mình bị áp lực bởi doanh thu. Vì nếu để yếu tố đó tác động thì sẽ không còn là làm phim nữa. Nếu để những con số ảnh hưởng đến mình thà tôi đi làm kinh doanh còn hơn. Làm phim là hên – xui, không có gì đảm bảo chắc chắn hết. Có phim thắng nhưng cũng sẽ có phim thua. Đó là thực tế của nghề này.
- “Cô dâu đại chiến 2” không đạt doanh thu như phần đầu. Điều này liệu có lặp lại với “Scandal”?
- Tôi sẽ không nói nhiều về các con số vì với Cô dâu đại chiến, doanh thu giữa hai phần không chênh lệch quá lớn. Cá nhân tôi hài lòng hơn với phần hai vì nó giống phong cách của mình dù phong cách đó không được nhiều khán giả đón nhận như phần một. Scandal 2 không hẳn khiến tôi hài lòng bằng phần một nhưng có nhiều điều thú vị hơn.
- Thuộc thể loại tâm lý ly kỳ và có rất nhiều cảnh rùng rợn, đẫm máu như cảnh trên bàn mổ được giới thiệu trong trailer. Anh làm thế nào để cân bằng giữa việc đáp ứng kiểm duyệt với các yếu tố sáng tạo?
- Đây đã là phim thứ tám của tôi tại Việt Nam nên trước khi thực hiện, tôi đã tính trước về vấn đề kiểm duyệt. Khi làm việc trên kịch bản, tôi sẽ hình dung trước được những gì sẽ trở thành vấn đề khi đem đi duyệt. Một số cái tôi có thể né, chỉnh sửa từ khi quay, dựng sao cho phim mình không bị cắt.
Tôi nghĩ thà hướng sang một kiểu khác mà không bị cắt còn hơn là làm xong, đi duyệt rồi lại chỉnh sửa. Việc cắt ghép như thế sẽ làm hỏng đường dây câu chuyện, hỏng nhịp phim. Chính vì thế, nên tìm cách giải quyết ngay từ lúc xây dựng kịch bản làm sao hợp lý mà vẫn hiệu quả.
- “Scandal: Hào quang trở lại” được cho là lấy ý tưởng từ "vụ án Thẩm mỹ viện Cát Tường". Anh có thể nói rõ hơn về điều này?
- Chuyện một diễn viên nổi tiếng chết trên bàn mổ không phổ biến ở Việt Nam nhưng xảy ra khá thường xuyên trên thế giới. Hào quang trở lại đúng là có những chi tiết đề cập tới vụ Cát Tường nhưng đó chỉ là một yếu tố thôi. Nội dung, chủ đề chính của phim không liên quan nhiều tới chuyện phẫu thuật thẩm mỹ mà tôi muốn hướng tới một đề tài khác.
- Anh từng khai thác nhiều câu chuyện hậu trường của showbiz trong “Scandal: Bí mật thảm đỏ”. Điều gì khiến anh vẫn hứng thú theo đuổi đề tài này?
- Tôi nghĩ scandal và giới showbiz là chủ đề không bao giờ cũ. Mỗi buổi sáng thức dậy khi theo dõi dư luận qua báo chí, mạng xã hội, tôi lại biết được những câu chuyện rất ly kỳ và khó tin hơn cả những bộ phim quái đản nhất. Tôi nghĩ nếu ai muốn tìm ý tưởng để làm một bộ phim hay viết một cuốn sách thì chỉ cần nhìn vào cuộc sống và những gì xung quanh mình thôi.
- Trang Nhung chưa từng đóng phim điện ảnh và mới có vài vai diễn truyền hình. Giữa một “rừng” người đẹp, lý do gì khiến anh chọn cô ấy vào vai Bella?
- Có một lý do tiêu biểu mà khi khán giả xem phim sẽ hiểu vì sao tôi cần một diễn viên như Trang Nhung. Đây là vai về một diễn viên đã thành công và đang cảm thấy như mình sắp hết thời. Trong buổi casting, lúc Trang Nhung diễn vài câu thoại thì tôi và cả ê-kíp đã thấy rằng vai này khả năng lớn là viết cho cô ấy. Vai diễn cần một diễn viên có ngoại hình chững chạc, có thần thái trưởng thành và Trang Nhung ngoài ngoại hình rất hợp, còn có diễn xuất dứt khoát, cách đọc thoại chắc.
- Trong số các diễn viên từng làm việc cùng, anh đánh giá cao ai nhất?
- Làm diễn viên rất khó và nhiều áp lực. Nếu muốn khai thác cái gì đó thú vị ở một diễn viên thì cần phải tạo cho họ những vai diễn thú vị.
Tôi làm việc với quá nhiều diễn viên nên khó chọn ra được một hay hai người xuất sắc. Nhưng một trong những diễn viên chuyên nghiệp nhất tôi từng hợp tác là Chi Bảo. Trước đây, có những vai anh ấy thể hiện rất dễ nhưng lại không có gì thú vị. Nhưng khi Chi Bảo xuất hiện với vai bác sĩ Quân, tôi tin khán giả sẽ rất bất ngờ. Điều tôi thích ở Chi Bảo là anh ấy không ngại thay đổi bản thân. Diễn xuất rất tinh tế, tập trung, bình tĩnh và nhập vai rất nhanh.
- Sau “Scandal: Hào quang trở lại”, anh sẽ chuyển thể cuốn tiểu thuyết “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh. Điều gì ở tác phẩm này cuốn hút và thôi thúc anh đưa nó lên màn ảnh rộng?
- Hoàn toàn vì cảm xúc. Khi được giới thiệu cuốn sách, tôi đã đọc một mạch và gần tới cuối thì nước mắt chực rơi. Đó là lý do vì sao tôi chọn dự án này. Tiểu thuyết nói về tình anh em làm cho tôi nhớ lại tuổi thơ của mình.
Khi bước vào dự án này, tôi thấy như đang khởi động lại đam mê, trở lại thời đang học về điện ảnh, chỉ biết làm phim theo cảm xúc chứ chưa có sự tính toán hay theo một công thức nào cả.
- “Cô dâu đại chiến” và “Scandal” đều đã có phần hai. “Quả tim máu” cũng sắp được thực hiện phần hai. Vậy anh có định làm tiếp phần hai cho “Chuyện tình xa xứ” và “Thiên mệnh anh hùng”?
- (Cười lớn) Có những thứ không nên làm phần hai. Làm phần hai không phải chuyện dễ. Bạn chỉ nên làm phần tiếp nếu có câu chuyện và ý tưởng khác với phần cũ. Nó phải đem đến cái gì mới lạ chứ không nên ăn theo.
- Anh là một đạo diễn Việt có nhiều phim ăn khách, được đánh giá tốt cả về chất lượng lẫn yếu tố giải trí. Anh có lời khuyên gì cho các nhà làm phim trẻ đang ấp ủ ước mơ có một bộ phim chiếu rạp tổng hòa nhiều yếu tố?
- Tôi nghĩ các nhà làm phim trẻ đừng nghĩ nhiều tới doanh thu. Các bạn mới vào nghề cần biết tại sao mình muốn làm phim. Tôi nghĩ cần phải thật sự đam mê và sẵn sàng lăn lộn trong nghề để thực hiện một cuộc “cách mạng” với chính bản thân. “Cách mạng” chắc chắn sẽ gặp nhiều thất bại. Tôi đã gần 10 năm lăn lộn khi những phim đầu tay phải tự bỏ tiền túi ra thực hiện. Nếu không có quyết tâm, không có đam mê thì tôi đã bỏ lâu rồi.
Tôi nghĩ quan trọng là mục đích của mình khi làm phim, còn doanh thu thì từ từ sẽ đến.
- Sau 20 năm theo đuổi điện ảnh, anh đánh giá khoảnh khắc nào là “hào quang” trong sự nghiệp của mình?
- Tôi không tin vào hào quang. Tôi nghĩ nó là một cái gì đó ảo tưởng. Hào quang là những gì mình tạo ra cho bản thân và là mục tiêu giúp mình vươn lên. Nó cũng là điều tốt nhưng tôi nghĩ nó “ảo” thôi. Cái “thật” là cảm xúc của mình khi được làm những thứ yêu thích, được thỏa mãn với nghề, với công việc. Đó mới chính là hào quang.
Còn những thứ bóng bẩy, lung linh, hào nhoáng của thảm đỏ đều là “ảo” hết. Hôm nay một người có thể nổi tiếng, được quan tâm nhưng ngày mai người đó có thể bị đào thải ngay lập tức khi có một nhân vật mới “hot” hơn xuất hiện. Nó là thực tế của nghề này mà bất kỳ ai theo đuổi nghệ thuật cũng phải chấp nhận.
Nguyên Minh thực hiện