"Chúng tôi muốn trở lại mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt Nam", Atanas Raykov, Phó chủ tịch phụ trách marketing và tăng trưởng toàn cầu của Rakuten Viber, nói trong chuyến thăm đầu tiên tới Việt Nam đầu tháng 7.
Rakuten Viber, nổi tiếng với ứng dụng nhắn tin Viber với gần 1,2 tỷ người dùng toàn cầu, phổ biến tại Việt Nam cách đây hơn 10 năm nhờ tính năng gọi điện qua Internet. Sau đó, sự nổi lên của Messenger, Telegram, Zalo khiến các ứng dụng "đời đầu" như Viber hay Skype thất thế, tụt dần trên các bảng xếp hạng.
Tuy nhiên theo Raykov, Việt Nam vẫn là một thị trường tiềm năng cho ứng dụng OTT như Viber và hãng sẽ "đặt trong tâm lâu dài và mạnh mẽ hơn tại thị trường Việt".
"Luôn có chỗ cho ứng dụng nhắn tin bảo mật"
Thống kê trên Datareportal, người Việt dành hơn 6 giờ mỗi ngày trên Internet, trong đó chat và nhắn tin là nhu cầu lớn nhất, với 96,8% có sử dụng. Cũng trong báo cáo này, Viber chỉ thu hút khoảng 13% người dùng Internet tại Việt Nam sử dụng vào năm 2023. Trong bảng xếp hạng tải về nhiều nhất trên App Store hay Google Play, ứng dụng cũng nằm ngoài top 10.
Thừa nhận đang bị bỏ cách khá xa bởi nhà phát triển trong nước là Zalo, nhưng đại diện Viber đánh giá mỗi ứng dụng đều có những khoảng trống mà không thể đáp ứng được nhu cầu của toàn bộ người dùng.
Ví dụ phân chia theo tính chất của cuộc trò chuyện, Raykov cho rằng những nội dung chung chung, người dùng có thể sẵn sàng chia sẻ qua bất cứ nền tảng nào, nhưng những gì thực sự cần bảo mật, an toàn, họ sẽ dành cho một không gian như Viber.
"Mục tiêu của chúng tôi là những người dùng chuyên nghiệp, những người đặt niềm tin vào công nghệ của chúng tôi để ủy thác nội dung thuộc hàng quan trọng nhất trong công việc của họ", Raykov nói.
Để đáp ứng nhu cầu của nhóm này, hãng xây dựng giải pháp mã hóa đầu cuối mặc định cho cả tin nhắn và cuộc gọi từ năm 2016. Tin nhắn sau khi được đẩy đến thiết bị của người nhận cũng sẽ bị xóa trên máy chủ của nền tảng.
Không tiết lộ thị phần cụ thể, đại diện Viber cho biết người dùng nền tảng này tại Việt Nam "là những người dùng giá trị cao", tập trung vào nhóm đang đi làm, 25-55 tuổi, phần lớn dùng iOS và tỷ lệ nữ nhiều hơn.
Về việc không lưu dữ liệu trên máy chủ có thể gây nguy cơ mất dữ liệu, như một số người dùng Zalo gặp phải, đại diện Viber cho biết nền tảng cũng thường bị phàn nàn tương tự. Để khắc phục, họ định kỳ đưa ra lời nhắc người dùng tự sao lưu lên cloud riêng như Google Drive, iCloud. "Chúng tôi muốn nhấn mạnh sự khác biệt là không lưu trữ, khai thác tin nhắn của người dùng", ông nói.
Hướng đi nào cho Viber tại Việt Nam?
Theo Phó chủ tịch Rakuten Viber, nền tảng đặt mục tiêu sẽ tùy chỉnh sản phẩm, đưa những tính năng mang tính đặc thù, đậm nét của Việt Nam hơn nữa để phù hợp với người dùng trong nước. Những công nghệ tiên tiến nhất đang được áp dụng tại các thị trường lớn khác cũng sẽ được ứng dụng tại đây.
Hiện nay ở Việt Nam và trên thế giới, tình trạng lừa đảo hoặc spam cuộc gọi, tin nhắn đang trở thành vấn nạn. Theo đại diện Viber, nền tảng tập trung vào khả năng phát hiện và chặn lọc cuộc gọi, tin nhắn rác và trở thành nền tảng có tỷ lệ tin nhắn rác thấp.
Với tính năng Caller ID trên các thiết bị Android, người dùng có thể được thông báo về cuộc gọi rác, lừa đảo ngay cả với các cuộc gọi qua mạng viễn thông. "Dù không tiếp cận được nội dung tin nhắn, cuộc gọi, dựa vào hàng trăm thông số, điểm dữ liệu có thể biết nó có dấu hiệu của spam hay lừa đảo hay không", ông lý giải, cho biết tính năng này sẽ hữu ích cho những người Việt gặp phiền toái với cuộc gọi không mong muốn như hiện nay.
Ngoài ra, với kinh nghiệm triển khai từ các thị trường châu Âu, đại diện Viber cho rằng khi đã có sự tin tưởng về bảo mật và an toàn, người dùng sẽ có thể ủy thác các vấn đề tài chính. "Chúng tôi đang tiếp xúc với một số doanh nghiệp Việt Nam để có thể sớm tích hợp dịch vụ tài chính trên nền tảng, cho phép gửi thông tin giao dịch ngay trên ứng dụng", ông Raykov cho hay.
Ngoài ra, nền tảng dự kiến đẩy mạnh lượng người dùng tại khu vực công, doanh nghiệp, trong đó đã có khách hàng là một hãng hàng không lớn dùng Viber để cung cấp nền tảng giao tiếp với khách hàng một cách an toàn.
Việt Nam hiện có hàng chục ứng dụng nhắn tin và gọi điện qua mạng Internet, còn được gọi là OTT viễn thông, trong đó có sản phẩm trong nước và dịch vụ cung cấp xuyên biên giới. Sự phát triển của các dịch vụ này nhiều năm qua từng khiến các nhà mạng bị ảnh hưởng và yêu cầu trả phí cơ sở hạ tầng. Khi xây dựng Luật Viễn thông sửa đổi, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng đánh giá loại hình này đang dần thay thế dịch vụ viễn thông truyền thống và cần được đưa vào quản lý.
Lưu Quý