Tính đến 31/12, tổng tài sản của VIB tăng trưởng mạnh, đạt 245.000 tỷ đồng tăng trưởng là 33% so với 2019. Dư nợ tăng trưởng tốt với quy mô tổng dư nợ 171.000 tỷ. Đây là một trong những ngân hàng có tỷ lệ dư nợ bán lẻ cao nhất, chiếm 84% tổng dư nợ, với rủi ro tập trung thấp. Trên 95% dư nợ bán lẻ đều có tài sản đảm bảo. Nợ xấu giảm mạnh xuống dưới 1,5% trong bối cảnh không còn dư nợ tại VAMC từ năm 2018.
Tiên phong ngân hàng số
Năm qua, VIB tiếp tục ghi dấu ấn với những bước đi tiên phong phát triển ngân hàng số. Nhằm đáp ứng tối đa nhu cầu của người dùng đối với thanh toán không tiền mặt, ngân hàng này đã đẩy mạnh đầu tư ứng dụng công nghệ hiện đại, xử lý dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI) và điện toán đám mây (Cloud).
Nhờ vậy, số lượng khách hàng đăng ký ngân hàng số qua ứng dụng MyVIB tăng trưởng đột phá gần 300% trong năm 2020, góp phần đưa tổng số lượng khách hàng của nhà băng này vượt ba triệu khách hàng. Số lượng khách hàng kích hoạt dịch vụ ngân hàng số tăng 103%. Số lượng giao dịch trực tuyến tăng trưởng 110% trong năm 2020. Các yếu tố này đã giúp VIB trở thành ngân hàng nằm trong top ngân hàng có tỷ trọng số lượng giao dịch trực tuyến cao nhất, ở mức 91% so với tổng số lượng giao dịch.
Dẫn đầu xu thế thẻ
Tích cực góp phần đẩy mạnh phong trào không dùng tiền mặt, VIB đi đầu phát triển các dòng thẻ tín dụng với tính năng ưu việt và công nghệ hiện đại, phù hợp từng nhu cầu chi tiêu của người dùng. Trong năm 2020, đây là ngân hàng đầu tiên và duy nhất áp dụng thành công Ai và Big Data cùng các công nghệ mới hiện đại như e-KYC, e-Signature trong quy trình phê duyệt và phát hành thẻ tín dụng.
Nhà băng thiết lập kỷ lục mới trên thị trường về thời gian xử lý và phê duyệt cho tới khi dùng thẻ trên phiên bản thẻ điện tử chỉ còn 15-30 phút, bằng 1/500 thời gian trung bình trên thị trường. Nhờ đó, nhà băng này tiếp tục nằm trong top dẫn đầu về tăng trưởng số lượng thẻ tín dụng và mức chi tiêu trên thẻ năm 2020, cao gấp 1,5-2 lần so với trung bình ngành, theo tổ chức thẻ quốc tế Mastercard.
Doanh thu phi tín dụng tăng trưởng mạnh
Nhờ chú trọng phát triển chất lượng dịch vụ, ngân hàng giao dịch và ngân hàng số trong những năm gần đây, các hoạt động phi tín dụng của VIB tăng trưởng mạnh, đặc biệt là tiền gửi không kỳ hạn (CASA), thẻ tín dụng và bảo hiểm (Bancassurance). Trong năm qua, doanh thu ngoài lãi của ngân hàng này đạt trên 2.700 tỷ đồng, chiếm 24% tổng doanh thu và tăng 41% so với năm 2019.
Số dư tiền gửi không kỳ hạn tăng 30%, riêng khối ngân hàng bán lẻ có số dư CASA tăng ấn tượng 72% trong năm 2020. Đóng góp vào sự tăng trưởng CASA bán lẻ, ngoài sự vượt trội về ngân hàng số là các mô hình dịch vụ trả lương, các gói miễn phí và ưu đãi phí, tạo trải nghiệm khách hàng vượt trội ở tất cả các điểm chạm với khách hàng, từ chi nhánh, tổng đài đến kênh online.
Chủ động ứng phó Covid-19
Năm qua, VIB tập trung nguồn lực chủ động thực hiện Thông tư 01 và chỉ thị 02 của NHNN liên quan đến quản trị vận hành và hỗ trợ khách hàng trong thời gian Covid-19. VIB là một trong các ngân hàng tiên phong đưa ra gói hỗ trợ cho cả khoản vay hiện hữu và khoản vay mới, với mức lãi suất hỗ trợ lên đến 2%. Ngân hàng này đã cơ cấu nợ cho hơn 2.500 khách hàng với tổng dư nợ trên 3.400 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 98% tính trên tổng số đơn đề nghị cơ cấu nợ của khách hàng. Nhà băng giảm lãi suất đối với dư nợ hiện hữu cho hơn 8.300 khách hàng, mức giảm từ 0,5-2%. Trong đó, 8.100 khách hàng chịu ảnh hưởng bởi Covid-19.
Bên cạnh đó, đơn vị này đã chủ động cho vay mới với lãi suất giảm từ 0,5-1,2% so với năm 2019 với dư nợ gần 140.000 tỷ đồng. Trong đó, cho vay khôi phục và duy trì sản xuất cho các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19 là hơn 12.000 tỷ đồng. Song song, VIB miễn, giảm nhiều loại phí giao dịch cho khách hàng, trong đó có giao dịch chuyển tiền liên ngân hàng, giao dịch thanh toán trực tuyến. Đồng thời, ngân hàng song hành cùng Ngân hàng Nhà nước và các cơ quan tổ chức, ủng hộ hàng chục tỷ đồng cho các hoạt động hỗ trợ và chống dịch.
Trong năm 2020, theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước, nhà băng này không chia cổ tức, đồng thời tăng cường hiệu quả chi phí, giảm các chi phí không thiết yếu. Nhờ đó, hiệu quả chi phí của VIB gia tăng, với hệ số chi phí trên thu nhập (CIR) giảm từ 42% năm 2019 xuống còn 39,9% năm 2020.
Bảng tổng kết tài sản mạnh, hiệu quả kinh doanh cao
Theo báo cáo, tính đến 31/12, VIB đạt lợi nhuận trước thuế 5.800 tỷ đồng, tăng trưởng 42% so với năm 2019.
Trong năm 2020, ngân hàng này tiếp tục tiên phong áp dụng các chuẩn mực quản trị quốc tế, trong đó có Basel II và thử nghiệm Basel III. Cùng với đó là tuân thủ các chỉ số an toàn của Ngân hàng Nhà nước như chỉ số cho vay trên huy động (LDR) chỉ ở mức 76,6% so với quy định 85%. Hệ số nguồn vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn ở mức 34% và hệ số CAR Basel II đạt trên 10% so với quy định là trên 8%.
Triển vọng tăng trưởng liên tục và bền vững
Năm 2021 là năm chuyển đổi thứ 5 trong hành trình 10 năm chuyển đổi chiến lược của VIB 2017-2026. 4 năm chuyển đổi vừa qua đã cho thấy nền tảng kinh doanh vững và khởi sắc của ngân hàng này, về cả quy mô và chất lượng.
"Với triển vọng kinh tế khả quan của Việt Nam trong năm 2021, VIB tin tưởng sẽ tiếp tục các thành quả nổi bật của chương trình chuyển đổi 10 năm để duy trì các vị thế dẫn đầu của mình trong mảng bán lẻ và ngân hàng số nói riêng, đồng thời vượt các mục tiêu kinh doanh thách thức trong năm 2021", đại diện ngân hàng này nói.
Nam Anh