Chuyển dịch sang nền tảng đa đám mây trong đó có việc xây dựng ứng dụng ngân hàng số cloud-native nằm trong giai đoạn đầu của lộ trình 10 năm chuyển đổi tại VIB. Bước tiếp theo gồm hiện đại hóa khối lượng công việc điện toán trên môi trường mới, tăng cường bảo mật và khởi động các dự án về dữ liệu lớn (Big Data), trí tuệ nhân tạo (AI), Internet vạn vật (ioT)...
Năm nay, ngân hàng dự định tiếp tục ứng dụng các công nghệ chuyên sâu để phát triển thêm tính năng trên ngân hàng số MyVIB 2.0 nhằm tối ưu trải nghiệm người dùng. Trước đó, nhà băng này đã đưa một số ứng dụng lên cloud AWS. Hợp tác cùng Microsoft góp phần giúp nhà băng này đẩy nhanh việc chuyển và lưu trữ các ứng dụng, nền tảng kinh doanh lên cloud Azure. Dự kiến, ba năm tới, 60-70% hiệu suất tính toán của nhà băng sẽ được xử lý trên hạ tầng mới này.
Đám mây Azure đang là nền tảng cho nhiều ứng dụng của VIB như MyVIB 2.0, phù hợp với chiến lược "Mobile-first, Cloud-first và AI-first". Ứng dụng được thiết kế dựa trên việc kết hợp nhiều micro-service theo kiến trúc mô-đun. Ưu điểm của thiết kế này là việc sửa chữa từng micro-service không làm gián đoạn chức năng của những micro-service còn lại. Nhờ vậy, ứng dụng có thể được thay đổi hoặc cập nhật nhiều lần trong ngày mà không ảnh hưởng đến quá trình sử dụng dịch vụ của khách hàng.
Đại diện VIB cho biết, cloud-native là một cách tiếp cận trong xây dựng và vận hành các ứng dụng khai thác ưu điểm của mô hình điện toán đám mây. Khi doanh nghiệp xây dựng và vận hành các ứng dụng dựa trên cloud-native, họ có thể triển khai ý tưởng đến thị trường nhanh hơn và đáp ứng sớm yêu cầu của khách hàng.
Theo VIB, một trong những điểm cộng của việc ứng dụng điện toán đám mây là giúp giảm chi phí, thời gian vào việc chọn lựa, cài đặt và thử nghiệm các máy chủ truyền thống, nhờ đó, linh hoạt khi mở rộng quy mô. Việc sử dụng đám mây cũng giúp ngân hàng tối ưu chi phí dành cho lĩnh vực công nghệ thông tin khi dịch chuyển mô hình từ CapEx sang OpEx. Thay vì dành chi phí cho cơ sở hạ tầng, ngân hàng chỉ cần trả cho các dịch vụ đám mây cần thiết để bổ sung dung lượng máy chủ, dung lượng lưu trữ hay tăng cường bảo mật.
Ưu điểm khác của việc chuyển sang điện toán đám mây là tăng bảo mật cho dữ liệu, nhờ sử dụng Microsoft Azure với hơn 100 chứng chỉ tuân thủ. Dịch vụ bảo mật Microsoft Sentinel cho phép phát hiện các tấn công, hiển thị đe dọa, từ đó, chủ động tìm kiếm và xử lý thông tin. Mức độ bảo mật thể hiện qua các lớp xác nhận và ủy quyền trước khi khách hàng truy cập vào tệp, dữ liệu.
Bên cạnh đó, ngân hàng có thể duy trì mức độ bảo mật cần thiết dựa trên nhu cầu của người dùng với đám mây. Theo đại diện nhà băng, thay vì dựa vào các gói bảo mật mất 12 tháng để triển khai và cần được gia hạn năm năm một lần, trên đám mây, VIB có thể thực hiện các thay đổi trong một hoặc hai ngày.
"Xây dựng nền tảng ngân hàng số từ ban đầu trên cloud là điều mà các ngân hàng Việt cần cân nhắc để mang lại những trải nghiệm ngày càng cao khách hàng, không chỉ ở hiện tại mà còn cả tương lai", đại diện VIB chia sẻ thêm.
Theo "Chiến lược phát triển công nghệ thông tin ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến 2030", mục tiêu đến 2025 có 60% ngân hàng Việt Nam và năm 2030 là 100% ngân hàng và tổ chức tín dụng sử dụng cloud. Dù không còn xa lạ, việc triển khai và ứng dụng hiệu quả điện toán đám mây vào hoạt động vẫn là bài toán cần sự tập trung của nhiều đơn vị.
An Nhiên