Trong thương vụ, Ngân hàng United Overseas Bank Limited (UOB) là đóng vai trò điều phối, ba ngân hàng tham gia với tư cách là bên thu xếp chính và bên dựng sổ của khoản vay gồm UOB, Mashreqbank PSC và Maybank. 10 định chế tài chính khác đến từ nhiều khu vực và quốc gia tham gia với tư cách là đối tác tín dụng.
Nguồn vốn từ khoản vay này được phục vụ cho hoạt động cho vay bán lẻ với danh mục có mức độ rủi ro tập trung thấp và tỷ lệ dư nợ có tài sản đảm bảo lên đến 92%. Cơ cấu danh mục cho vay bán lẻ của VIB khá đa dạng và cân bằng với các khoản vay mua nhà ở và sửa chữa nhà, vay mua ôtô, vay kinh doanh và thẻ tín dụng.
Theo ông Hàn Ngọc Vũ, Tổng giám đốc VIB, tập trung phát triển ngân hàng bán lẻ, trong những năm gần đây, VIB chú trọng hoạt động huy động nguồn vốn vay từ thị trường quốc tế.
"Khoản vay hợp vốn này không những giúp VIB đáp ứng nhu cầu tín dụng ngày càng tăng của khách hàng mà còn đa dạng và tối ưu hóa cơ cấu nguồn vốn, đảm bảo thanh khoản và duy trì bảng cân đối tài sản", CEO VIB nói.
Bên cạnh đó, việc huy động thành công nguồn vốn trung dài hạn này giúp VIB tăng cường thêm tiềm lực tài chính, tối ưu và duy trì cơ cấu nguồn vốn linh hoạt, đảm bảo tỷ lệ thanh khoản và hiệu quả hoạt động.
Đây là thứ hai ngân hàng thực hiện khoản vay hợp vốn từ nước ngoài trong năm 2023. Trước đó vào tháng 6/2023, VIB hoàn tất rút vốn khoản vay trị giá 100 triệu USD với kỳ hạn 5 năm từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC). Tính đến hết năm 2023, tổng nguồn vốn huy động trên thị trường vốn quốc tế trong năm 2023 lên tới gần 400 triệu USD.
Nhà băng đặt mục tiêu cho quy mô khoản vay hợp vốn ban đầu là 200 triệu USD, cùng quyền chọn vốn gia tăng (greenshoe option). Sau chuỗi sự kiện huy động vốn thành công tại Singapore và Đài Loan, VIB nhận được sự quan tâm từ nhiều định chế tài chính quốc tế tại các thị trường mới như UAE, Kuwait, Oman.
Với sự phản hồi tích cực từ thị trường, ngân hàng quyết định nâng giá trị khoản vay từ mức 200 triệu USD lên mức 280 triệu USD. 13 đối tác là các ngân hàng quốc tế có trụ sở và mạng lưới hoạt động rộng khắp toàn cầu đã tham gia cho vay trong giao dịch hợp vốn này.
Bà Lim Lay Wah - Giám đốc toàn cầu Khối Giải pháp ngành và Khối Định chế tài chính, UOB cho biết khoản vay này đã giúp VIB đa dạng hóa nguồn vốn và khai thác các nguồn thanh khoản mới. Cụ thể, giao dịch cũng nhận được phản hồi tích cực từ các nhà đầu tư toàn cầu, từ đó huy động được khoản vay với giá trị vượt mức mục tiêu ban đầu, bất chấp những diễn biến địa chính trị toàn cầu đang diễn ra.
Lý do giúp VIB thành công huy động được khoản vay mới được ông Soon Su Long - Tổng giám đốc Maybank Việt Nam nhận định, đây là ngân hàng có hiệu quả sinh lời cao, với chiến lược tập trung vào cho vay bán lẻ độc đáo. Không chỉ cung cấp các sản phẩm tín dụng cho khách hàng cá nhân, nhà băng còn tập trung vào việc phát triển chiến lược cho các hoạt động kinh doanh phi tín dụng. Điều này bao gồm việc phát triển các dòng sản phẩm như thẻ tín dụng và bảo hiểm, góp phần đáng kể vào nguồn thu nhập phí của ngân hàng.
Theo đánh giá của các đối tác, VIB đang nằm trong top 5 các ngân hàng tư nhân hàng đầu tại Việt Nam. Nhà băng nằm trong top 6 ngân hàng niêm yết tốt nhất tại Việt Nam trong 3 năm liên tiếp (2021-2023) theo Forbes.
Một điểm khác biệt là chiến lược số hóa và ứng dụng các công nghệ hiện đại để đưa ra các giải pháp số sáng tạo cho các sản phẩm bán lẻ. Thông qua xây dựng hệ sinh thái ngân hàng số, VIB hướng đến tối ưu hóa trải nghiệm khách hàng, duy trì nền tảng tăng trưởng bền vững.
Là một trong những ngân hàng có nhiều năm huy động vốn trên thị trường quốc tế, VIB đang có nhiều đối tác là những định chế tài chính lớn hàng đầu thế giới như IFC, ADB với tổng hạn mức lên tới hơn 2 tỷ USD. Thông qua các hoạt động huy động vốn thành công từ các tổ chức tài chính phát triển và các đối tác quốc tế, VIB cũng dành một phần nguồn lực nhằm hỗ trợ và thúc đẩy kinh tế Việt Nam thông qua các sản phẩm vay mua nhà cho người có thu nhập thấp và doanh nghiệp có phụ nữ làm chủ.
Thảo Vân