8h sáng, phố Bạch Mai, các phương tiện giao thông tấp nập ngược xuôi. Vỉa hè đã thông thoáng hơn, nhưng tại một số đoạn vẫn ngổn ngang quán nước, hàng ăn, hàng hoa, xe máy. Người đi bộ đoạn vẫn phải đi xuống lòng đường. Tại phố Huế, chủ các cửa hàng mũ bảo hiểm đã bày hàng gọn hơn nhưng nhiều quầy vẫn nhô ra ngoài vỉa hè mời chào khách. Cạnh đó, một số xe máy nhô ra thụt vào.
Bán hàng dưới biển cấm trên phố Bạch Mai sáng nay. Ảnh: Xuân Tùng |
9h sáng, phố Trường Chinh, bác Hùng lại bày hàng nước ra đầu ngõ. Mới dọn hàng được ít phút, quán chè chén của bác khách vây kín. Phía ngoài, xe để tràn khắp vỉa hè.
Chị Hà Phương, chủ cửa hiệu trên phố Cầu Giấy cho biết, trước đây thành phố chỉ cho phép để xe máy trên các tuyến phố văn minh thương mại sau 18h đã khiến việc kinh doanh lao đao. Nay, cấm cả ngày việc làm ăn sẽ khó khăn hơn. “Dân mình không có thói quen gửi xe ở một địa điểm tập trung rồi đi tìm cửa hàng. Từ mai, không biết cửa hàng có tồn tại được không", chị Phương lo lắng.
"Những cửa hàng rộng, người ta còn có thể bày biện để giữ xe trong nhà, nhưng với những cửa hiệu nhỏ, chật chội như của tôi thì đành bất lực”, anh Huy, chủ cửa hàng kinh doanh quần áo trên phố Hàng Bông nói. Anh Huy lý giải, người Hà Nội chủ yếu kinh doanh nhỏ, phương tiện đi lại phổ biến là xe máy, nếu cấm để xe việc buôn bán sẽ khó khăn.
“Ngồi phân loại giấy trên phố Bà Triệu, chị Nguyễn Thị Hải, quê Nam Định cho biết, thường thu mua tại quận Hoàn Kiếm đến nay đã gần 3 năm. Hằng ngày đi từ sáng sớm tinh mơ cho đến 8h tối cũng chỉ được 50.000 đồng. "Tôi mong thành phố quy hoạch những khu vực hàng rong hợp lý để dân nghèo có thể buôn bán".
Vỉa hè phố Đê La Thành vẫn ken kín xe. Ảnh: Xuân Tùng. |
Tuy nhiên, nhiều người dân Hà Nội đồng tình với chủ trương cấm kinh doanh trên vỉa hè... Luồn qua những chiếc xe, hàng quán ken đặc trên phố Bạch Mai, ông Phạm Mạnh Hải, tổ 12, Trương Định (Hoàng Mai) cho biết, việc dành lại vỉa hè cho người đi bộ là chủ trường đúng của thành phố. Hiện vỉa hè đang bị chiếm dụng khiến người đi bộ phải đi xuống lòng đường rất dễ gây tai nạn, nguy hiểm đến tính mạng.
"Hai năm trước Hà Nội đã thực hiện cấm buôn bán, chiếm dụng vỉa hè nhưng được một thời gian đâu lại vào đó. Lần này không biết thành phố có làm quyết liệt không, hay lại "đầu voi đuôi chuột", ông Hải nói.
Theo ông Phạm Hữu Nam, Trưởng phòng Giao thông đô thị, Sở Giao thông vận tải Hà Nội, hiện Sở chưa có danh sách cụ thể các điểm tập kết xe cho người dân sinh sống, qua lại và kinh doanh tại những tuyến phố cấm. Do đó, chính quyền vừa thực hiện, vừa rút kinh nghiệm để hạn chế tối đa khó khăn cho người dân.
Ông Bùi Văn Thông, Phó chủ tịch quận Ba Đình thừa nhận, nếu cấm triệt để, thì việc kinh doanh của người dân sẽ không tránh khỏi bị ảnh hưởng, do đó quận sẽ chủ động phân loại. Những tuyến phố có vỉa hè 3-5m , hoạt động kinh doanh diễn ra trong trật tự, không gây ùn tắc thì không có lý gì lại “cấm triệt để”.
Ông Thông cho biết, quận sẽ giao cho các phường và lực lượng chức năng soạn thảo các điều kiện để được cấp phép. Các hộ muốn kinh doanh trên vỉa hè (rộng trên 3 mét) phải chứng minh được có chỗ để xe, phần cho người đi bộ… Ba Đình là địa bàn có 24 tuyến phố cấm bán hàng rong và 26 tuyến cấm để xe trên vỉa hè.
Theo Chủ tịch UBND Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, trong đợt ra quân sáng 1/7, các quận sẽ chọn 1-2 tuyến phố làm điểm, quyết liệt, tránh tình trạng "đầu voi đuôi chuột". Trong đợt triển khai này, thành phố không chỉ tập trung xử lý hành chính mà cũng sẽ rà soát để đưa ra những giải pháp hỗ trợ, giúp đỡ những người buôn bán nhỏ.
62 tuyến phố cấm để xe và kinh doanh trên vỉa hè, lòng đường Lê Lai, Lê Thạch, Lê Thái Tổ, Tràng Tiền, Hàng Khay, Tràng Thi, Hàng Lược, Chả Cá, Hàng Cân, Lương Văn Can, Hàng Bông, Hàng Gai, Nhà Chung, Kim Mã, Nguyễn Thái Học, Chu Văn An, Độc Lập, Hùng Vương, Phan Đình Phùng, Nguyễn Tri Phương, Điện Biên Phủ, Lê Hồng Phong, Trần Phú, Chùa Một Cột, Ông Ích Khiêm, Bà Huyện Thanh Quan, Lê Trực, Sơn Tây, Thanh Niên, Hoàng Diệu, Hoàng Văn Thụ, Bắc Sơn, Mai Xuân Thưởng, Vạn Phúc, Liễu Giai, Phan Huy Ích, Vạn Bảo, Tôn Đức Thắng, Nguyễn Lương Bằng, Tây Sơn, Tôn Thất Tùng, Phạm Ngọc Thạch, Đào Duy Anh, Khâm Thiên, Đê La Thành, Bạch Mai, Phố Huế, Trương Định, Xuân Thủy, Cầu Giấy, Trần Duy Hưng, Nguyễn Huy Tưởng, Khương Trung, Quốc Tử Giám (đoạn từ Tôn Đức Thắng đến Văn Miếu), Phương Mai, Bùi Thị Xuân, Đinh Tiên Hoàng, Bà Triệu, Hàng Bài, Nguyễn Chí Thanh, Văn Cao, Cát Linh, Trường Chinh, Chùa Bộc và Thái Hà. |
Xuân Tùng