Thứ sáu, 26/4/2024
Thứ bảy, 12/11/2022, 12:03 (GMT+7)

Vỉa hè bị đào xới, cải tạo dịp cuối năm

Những tháng cuối năm, vỉa hè nhiều tuyến phố trung tâm Hà Nội, như Giảng Võ, Nguyễn Chí Thanh..., bị đào xới, thay đá và làm lại cống.

Khoảng một km phố Giảng Võ, quận Ba Đình, được lát lại vỉa hè. Vật liệu chính là đá tự nhiên.

Theo thống kê, hiện Hà Nội có 255 tuyến phố ở các quận, huyện, thị xã lát vỉa hè bằng đá tự nhiên, tập trung ở một số quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hai Bà Trưng, còn lại đa số lát bằng gạch block.

Cách phố Giảng Võ hơn một km, đường Nguyễn Chí Thanh còn nhiều đoạn vỉa hè ngổn ngang do đang thay đá mới.

Không thể đi trên vỉa hè, nhiều người phải đi xuống đường đoạn ngã ba Chùa Láng với Nguyễn Chí Thanh. Đoạn đường này luôn đông đúc, nhất là cao điểm sáng và chiều, khi người dân đi làm, học sinh đi học.

Khu vực nhà chờ xe buýt trên đường Nguyễn Chí Thanh bị quây bởi vật liệu xây dựng. Nhiều hộ dân sống ở đây phàn nàn việc lát đá diễn ra chậm chạp, ảnh hưởng tới việc buôn bán dọc hai bên đường.

"Công nhân nhiều hôm làm chỗ này một ít, rồi lại chuyển qua chỗ khác khiến vỉa hè rất nhếch nhác", anh Hoàng Văn Đông, có nhà mặt đường Nguyễn Chí Thanh, nói.

Trước cổng Học viện Hành chính quốc gia trên trục đường này, những khối bê tông chất cao kéo dài dọc vỉa hè.

Theo đại diện Phòng Quản lý đô thị quận Đống Đa, đường Nguyễn Chí Thanh là tuyến phố trung tâm, trọng điểm của quận nên cần được đồng bộ vỉa hè, cây xanh, chiếu sáng, thoát nước. Việc chỉnh trang sẽ hoàn tất vào năm 2023.

Trên đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm, vỉa hè được lát lại một số đoạn.

Ưu điểm của lát đá vỉa hè là chịu lực tốt, sạch, dễ vệ sinh; nhược điểm không dễ thấm nước như gạch block.

Một đoạn vỉa hè đường Cầu Diễn, quận Bắc Từ Liêm được lát đá, bên cạnh là phần gạch cũ hình bát giác chưa được thay thế.

TP Hà Nội chủ trương giao cho Ban Quản lý dự án các quận làm chủ đầu tư, chủ động tổ chức đấu thầu và lựa chọn đơn vị nhà thầu lát lại vỉa hè. Việc sử dụng loại đá nào là do quận, huyện lựa chọn.

Lý giải vì sao cuối năm mật độ giao thông đông đúc lại sửa vỉa hè, lãnh đạo Ban Quản lý dự án các quận cho biết một phần do kinh phí được phân bổ vào cuối năm, một phần do thời tiết thích hợp, trời khô ráo, không mưa to như mùa hè, không nồm ẩm ướt như mùa xuân.

Bên cạnh mặt tích cực là làm thay đổi diện mạo đô thị, việc lát đá vỉa hè cũng gây nhiều tranh cãi. Như vỉa hè ở ngã tư Nguyễn Xiển - Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, xuống cấp sau 5 năm đưa vào khai thác dù được lát bằng loại đá tự nhiên, được cho rằng có độ bền 70 năm.

Tình trạng tương tự diễn ra trên nhiều tuyến phố như Trần Phú (Hà Đông), Lê Văn Lương (Cầu Giấy), Nguyễn Thái Học (Ba Đình), Giải Phóng (Hoàng Mai)...

Đoạn vỉa hè bị vỡ nát trước số nhà 506 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân.

Vỉa hè xuống cấp, theo một số chuyên gia xây dựng, ngoài nguyên nhân chất lượng vật liệu, thi công, bảo trì, còn xuất phát từ việc nhiều xe cơ giới di chuyển lên vào giờ cao điểm sáng và chiều.

Ngọc Thành - Việt An