Theo xếp hạng tỷ phú của Bloomberg Billionaires Index, Colin Huang (44 tuổi) đang có tổng tài sản 48,6 tỷ USD, giàu thứ 25 thế giới và thứ 3 châu Á. Trong khi đó, tỷ phú Zhong Shanshan từng là người giàu nhất từ tháng 4/2021, có tổng tài sản 47,4 tỷ USD, xếp liền sau Huang trên danh sách hôm nay.
Trước đó, ngày 8/8, bảng xếp hạng tỷ phú theo thời gian thực của Forbes cũng ghi nhận Colin Huang chính thức giành được ngôi vị giàu nhất Trung Quốc.
Tài sản của Huang tăng khi hai nền tảng thương mại điện tử chuyên bán hàng giá rẻ Pinduoduo và Temu, cùng thuộc PDD Holdings, ăn nên làm ra. Tại thị trường nội địa, thói quen mua sắm thay đổi của người Trung Quốc đã tạo điều kiện cho Pinduoduo. Trong khi Temu đang ngày càng phát triển ở nước ngoài và cạnh tranh với đồng hương Shein.
Thuở nhỏ, Colin Huang được gọi là "thần đồng toán học" và giành được suất học tại Trường Ngoại ngữ Hàng Châu nơi theo học của nhiều tài năng đất nước. Sau khi tốt nghiệp với bằng khoa học máy tính tại Đại học Chiết Giang, anh rời Trung Quốc vào năm 2002 để theo đuổi bằng thạc sĩ tại Đại học Wisconsin.
Huang thực tập tại Microsoft ở cả Bắc Kinh và Seattle trước khi bắt đầu sự nghiệp của mình tại Google. Hai năm sau khi tốt nghiệp, anh về nước để giúp thành lập Google Trung Quốc. Huang khởi nghiệp vào 2007, từng lập ra công ty trò chơi trực tuyến Xinyoudi và nền tảng thương mại điện tử Ouku.
Năm 2013, anh có ý tưởng về Pinduoduo và chính thức vận hành từ 2015, chuyên bán các sản phẩm giá rẻ với nhiều chương trình khuyến mãi lớn. Trong cuộc phỏng vấn năm 2018 với tạp chí Caijing, Huang nói mục tiêu của Pinduoduo "không phải là giá rẻ, mà là khiến người dùng cảm thấy như họ đã có được một deal hời".
Colin Huang nhanh chóng vươn lên hàng ngũ những người giàu nhất Trung Quốc, với tổng tài sản từng đạt đỉnh vào đầu 2021 với 71,5 tỷ USD. Tuy nhiên, đại dịch ập đến cùng lúc với việc Bắc Kinh siết chặt quản lý các tập đoàn công nghệ khiến tài sản anh lao dốc 87% trong khoảng một năm.
Nhanh chóng rút lui vào hậu trường trước các bối cảnh nhiều CEO công nghệ gặp khó, Colin Huang từ chức chủ tịch Pinduoduo vào tháng 2/2021 nhưng vẫn là cổ đông lớn. Đến tháng 2/2023, Pinduoduo đổi tên thành PDD Holdings.
PDD cho ra mắt Temu dành cho thị trường nước ngoài vào tháng 9/2022. Nền tảng mua sắm này nhanh chóng tăng vọt lên vị trí có lượt tải về hàng đầu trong các cửa hàng ứng dụng trên điện thoại thông minh tại Mỹ, khi người tiêu dùng nơi đây mệt mỏi vì lạm phát và tìm cách tiết kiệm bằng các sản phẩm giá rẻ, không có thương hiệu và được vận chuyển trực tiếp từ Trung Quốc. PDD báo cáo doanh thu 35 tỷ USD năm 2023, tăng 90% so với năm 2022.
Neil Saunders, nhà phân tích bán lẻ tại GlobalData Retail, cho biết điều kiện kinh tế vĩ mô khó khăn khiến mọi người tìm kiếm hàng giá thấp và cảm thấy "đáng đồng tiền bát gạo". "Vì vậy, đây là thời điểm tỏa sáng cho các nhà bán lẻ như Temu", ông nói.
Kinh doanh quốc tế phát đạt, PDD cũng nhìn thấy cửa sáng tại nội địa khi Trung Quốc bãi bỏ chính sách phong tỏa chống dịch từ đầu năm ngoái. Đến tháng 11/2023, vốn hóa PDD chính thức vượt qua Alibaba lần đầu tiên để trở thành công ty Internet lớn thứ hai Trung Quốc.
Tuy nhiên, tăng trưởng nhanh chóng của PDD cũng thu hút sự giám sát trong và ngoài nước. Ngay cả sau cuộc điều tra về điều kiện làm việc sau cái chết của một nhân viên vào năm 2021, PDD vẫn tiếp tục yêu cầu nhân viên làm việc từ 11 giờ sáng đến 11 giờ tối, 6 ngày một tuần, cộng với làm thêm giờ, theo Bloomberg. Đây được xem là một biến thể của văn hóa "996" ở nước này, tức làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày mỗi tuần.
Phiên An (theo Bloomberg, Forbes)