Hội nghị thành công tốt đẹp, có nghĩa là giải trừ vũ khí hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên, nghĩa là CHDCND Triều Tiên có thể trở thành một quốc gia mở cửa, không còn lệnh cấm vận và trừng phạt, nghĩa là no ấm và thịnh vượng.
Nhưng ngoài những ý nghĩa rõ ràng với Mỹ và CHDCND Triều Tiên, thì có một câu hỏi cần được trả lời: Nội hàm của hội nghị lần này, với chính Việt Nam là gì?
Bạn sẽ dễ dàng trả lời rằng việc chọn Việt Nam là nước chủ nhà thể hiện "vị thế trên trường quốc tế", "sự yêu chuộng hòa bình" hay là "lòng hiếu khách". Nhiều thông điệp như vậy đã được bắn đi những ngày qua. Nhưng đó chỉ là lớp nghĩa của một sự kiện kéo dài hai ngày. Những cái bắt tay giữa Kim Jong Un và Donald Trump, nếu nồng ấm, tạo ra một chân trời sự kiện có ý nghĩa trong hàng thập kỷ tới, và có những lớp nghĩa sâu hơn.
Tôi đề xuất một lớp nghĩa khác, xa xôi hơn, hoặc có thể bạn cho là viển vông, để chúng ta cùng suy nghĩ: Hội nghị lần này, nếu thực sự thành công, nếu mọi thứ đi theo đúng hướng "vì hòa bình" mà tất cả đang cầu chúc, sẽ dẫn tới việc dòng vốn từ Hàn Quốc dịch chuyển lên phía Bắc vĩ tuyến 38.
Những người quan tâm hẳn vẫn nhớ rằng trong chuỗi sự kiện ngoại giao đột phá mà ông Kim Jong Un tạo ra cùng các tổng thống Moon Jae In và Donald Trump năm ngoái, thì một trong những tín hiệu hòa bình được chú ý nhất, chính là việc phó chủ tịch tập đoàn Samsung sang thăm Bình Nhưỡng. Trong đoàn hôm đó, có cả lãnh đạo của Posco và Hyundai, các nhà đầu tư lớn của Hàn Quốc.
Tất nhiên đó là tín hiệu rất sơ khai, nhưng là một chỉ hướng rõ ràng: hòa bình, hay thậm chí là mong ước thống nhất hai miền Triều Tiên, sẽ được bắt đầu bằng các hoạt động đầu tư kinh tế từ phía Nam lên phía Bắc. Những cái bắt tay tại Hà Nội 2019 nếu thực sự có ý nghĩa, sẽ mở ra một thị trường 14 triệu lao động, tương truyền rằng rất có kỷ luật và chăm chỉ, giá nhân công rất đáng kỳ vọng với các nhà đầu tư.
Bây giờ nếu có những quốc gia đi sau sẽ "phát triển theo mô hình Việt Nam" thì bản thân Việt Nam sẽ phát triển theo mô hình nào?
Năm 2014, tôi thăm Myanmar lần đầu tiên. Đó cũng là lần đầu tiên trong đời, tôi đến một quốc gia nghèo hơn Việt Nam. Khi ấy, dù mang tiếng "mở cửa" được mấy năm, nhưng quân đội trên thực tế vẫn nắm quyền, và tốc độ phát triển của Myanmar chưa bùng nổ.
Tôi đứng trong một siêu thị ở Yangon, kiểu cửa hàng tạp hóa rất sơ khai mà ta bắt gặp ở Việt Nam những năm 2000. Tôi nhìn thấy trên kệ những thương hiệu bánh kẹo của Việt Nam được bày trọng thị trong tư cách "hàng ngoại". Trong suốt nhiều năm kể từ khi có nhận thức, tôi đã luôn mang thứ tự ti của một "nước nghèo". Nhưng cái gói bánh đó bỗng nhiên trở thành một cú đấm thay đổi nhận thức. Tôi nhận ra Việt Nam quê mình không còn ở dưới đáy, mà đang ở đâu đó lưng chừng đỉnh núi kinh tế thế giới, và đang tiếp tục leo lên.
Không ai có thể nhận ra Yangon nếu quay lại sau vài năm. Quốc gia mới mở cửa phát triển với một tốc độ chóng mặt, khắp thành phố là màu xanh lá cây của những tấm lưới bảo hộ công trình, cao ốc mọc lên như nấm. Và tất nhiên, 25 triệu lao động nước này chờ đón các nhà đầu tư quốc tế. Hàng tỷ USD mỗi năm đổ vào ngành gia công và may mặc của Myanmar. Một kịch bản rất quen thuộc: chúng ta đã từng trải qua nó hơn một thập kỷ trước.
Sau hai mươi năm mở cửa, khi nhìn lại, hóa ra Việt Nam đã thành "quốc gia đi trước" so với nhiều nước. Và bây giờ chúng ta sẽ có áp lực của một người đi trước.
Xu hướng mở cửa và tự do hóa thị trường đang trở thành tất yếu. Myanmar, Sri Lanka, Bangladesh, nhiều bang tại Ấn Độ và Pakistan, đang hoàn thiện thể chế thị trường để học theo các "quốc gia đi trước", và họ đang tiếp thị với thế giới hàng trăm triệu lao động có giá rẻ hơn Việt Nam. Danh sách các quốc gia sắp gia nhập sân chơi chung sẽ còn nối dài.
Một trong những nội hàm của hội nghị lần này, là việc một quốc gia châu Á nhiều lợi thế địa lý có thể sẽ mở cửa nền kinh tế. Và Việt Nam, khi nghĩ đến tư cách người đi trước, phải trả lời câu hỏi, rằng sau hơn 20 năm, khi chúng ta tận dụng hết dư địa của cái hành vi "mới mở cửa" ấy rồi, qua tuổi dân số vàng và không còn lợi thế về sức lao động giá rẻ nữa rồi, phải làm gì tiếp theo.
Các học giả xếp Việt Nam vào những bản danh sách rất ấn tượng. "Next Eleven" – nhóm 11 nền kinh tế sẽ dẫn đầu tốc độ tăng trưởng toàn cầu, cùng với Indonesia hay Philippines. "EAGLEs" (Đại bàng) – viết tắt của "Các nền kinh tế mới nổi và dẫn đầu tăng trưởng". Vậy phải làm gì để giữ chỗ "đại bàng" nếu không phải là da giày và dầu thô?
Việt Nam, hôm nay đóng vai một nhà điều phối hòa bình thế giới, tạo ra sân khấu cho một nền kinh tế khác nắm bắt cơ hội hòa nhập. Và đó là lúc chúng ta nghĩ về pha tiếp theo của phát triển, để thực sự lên một vị trí mới trên thế giới, thay vì chấp nhận vai "công xưởng". Myanmar, CHDCND Triều Tiên hay thậm chí là nhiều vùng Ấn Độ có thể sẽ mất thêm mười năm hoặc hơn nữa để hoàn thiện thể chế, pháp luật lao động và đầu tư, để trở thành một "công xưởng" xịn. Nhưng nếu chúng ta không bắt đầu nghĩ về pha tiếp theo từ bây giờ, có thể sẽ quá muộn.
Trong pha tiếp theo này, rất dễ tưởng tượng, nền kinh tế phải duy trì tốc độ tăng trưởng bằng công nghệ, các ngành sản xuất có giá trị thặng dư cao; bằng phát minh, sáng chế và kinh tế tri thức. Kịch bản đó dễ tưởng tượng nhưng không dễ thực hiện. Tăng trưởng và xuất khẩu của Việt Nam vẫn đang phụ thuộc nhiều vào gia công và xuất khẩu tài nguyên. Khung chính sách dành cho kinh tế tri thức thì vẫn "đang hoàn thiện".
Hàng tỷ USD đang được đổ vào các xưởng may tại Myanmar và Bangladesh, nơi lương tối thiểu chỉ bằng 2/3 Việt Nam. Con số này sẽ còn tăng trong tương lai. Và chúng ta còn chưa bao giờ biết lương tối thiểu tại CHDCND Triều Tiên là bao nhiêu.
Đức Hoàng