Năm âm lịch hình thành do sự phối hợp của 10 Thiên Can và 12 Địa Chi, tạo nên chu kỳ 60 năm, và do đó cũng có 60 vị Thiên Tướng thay phiên nắm giữ vị trí Thái Tuế. Vì đại đa số họ xuất thân là võ tướng nên cả 60 vị đều được gọi là Đại Tướng Quân. Phong cách và vũ khí của mỗi vị phản ánh vận trình của năm. Chẳng hạn nếu Thái Tuế cầm bút thì năm đó có những biến cố về chính trị. Thái Tuế cầm gươm hay giáo có nghĩa là cần làm việc cật lực và vượt trội trong năm đó.
Hạnh phúc, sức khỏe và may mắn của mỗi người được coi là thuộc thẩm quyền của vị Thái Tuế cai quản trong năm. Thái Tuế sẽ ghi nhận những việc làm tốt và việc làm xấu của mọi người. Niềm tin này có ý nghĩa như điều nhắc nhở con người tránh mắc sai lầm, chú ý chăm sóc sức khỏe và chuyên tâm làm việc thiện để không phải gánh chịu các nỗi bất hạnh.
Ngoài vai trò ban phước lành và là quan giám hộ cho con người, mỗi Thái Tuế được dùng để đánh dấu một năm âm lịch. Trong năm 2013, Từ Thiện Đại Tướng Quân sẽ nhận nhiệm vụ thay thế Bành Thế Đại Tướng Quân, người cai quản năm 2012.
Từ Thiện Đại Tướng Quân sinh tại tỉnh Sơn Tây, Trung Quốc, dưới triều Hán (206 TCN- 220). Ông luyện võ nghệ từ nhỏ và nổi tiếng là người dũng cảm, hào phóng, yêu nước. Khi Ban Siêu, người đã mở rộng bờ cõi Trung Quốc tới dãy núi Pamir, nhận lệnh dẫn quân lên biên ải phía Tây, Từ Thiện đã ngay lập tức tình nguyện tham gia đội quân, phò trợ vị tướng này. Cuối cùng, trận chiến thắng lợi, quân của Ban Siêu đánh bại kẻ thù và tiêu diệt hơn 1.000 quân Hung Nô.
Triều đình sau đó phong cho Từ Thiện vị trí chỉ huy quân đội. Cùng với Ban Siêu, ông đã đánh bại nhiều kẻ thù và thu phục thêm đất đai cho nhà Hán. Lòng quả cảm, đức quên mình và kinh nghiệm chiến đấu đã mang lại cho ông vị trí một trong 60 vị Thái Tuế.
Thái Tuế và Mộc tinh
Một trường phái khác, mang tính khoa học hơn, lại gắn Thái Tuế với chuyển động của sao Mộc và ảnh hưởng của nó tới trường khí của mỗi con giáp. Từ xa xưa, sao Mộc đã được các nhà chiêm tinh nghiên cứu và gọi là Tuế tinh. Do chu kỳ của Tuế tinh là gần 12 năm (11,86 năm) nên người ta đã lấy tên 12 con giáp đặt cho 12 cung của Tuế tinh. Tuế tinh rơi vào cung nào thì năm của con giáp đó bị coi là xấu do chịu ảnh hưởng mạnh của trường khí .
Do chu kỳ của Tuế tinh không đúng 12 năm nên việc tính toán Địa Chi dựa trên chuyển động của Mộc tinh tỏ ra không thuận tiện. Vì vậy người ta đã nghĩ ra một ngôi sao tưởng tượng, chuyển động theo đúng chu kỳ 12 năm, ở phương vị xung chiếu với Tuế thực, và gọi nó là Thái Tuế. Thời gian trôi đi, sao Thái Tuế biến từ một ngôi sao tưởng tượng thành một ngôi sao thực, một vị thần có quyền tối thượng, nắm trong tay Họa Phúc, Cát Hung, Thọ Yểu của nhân gian. Năm nào có Thái Tuế xuất hiện trong tính toán, hướng đối xứng với nó có Tuế thực, là hướng bị ảnh hưởng.
Phương vị của Thái Tuế trong những năm gần đây
Việc nắm bắt vị trí của Thái Tuế là rất quan trọng, giúp ta biết để tránh vô tình phạm điều kỵ là quấy rầy khu vực trị vị của vị thần này mà chuốc lấy tai họa.
Phong thủy phân biệt 8 hướng (Bắc, Nam, Đông, Tây, Đông Bắc, Đông Nam, Tây Bắc, Tây Nam). Để tăng độ chính xác, người ta chia mỗi hướng của la bàn thành 3 sơn (mỗi sơn chiếm 15 độ), chẳng hạn Đông Bắc được chia thành 3 phần tạm gọi là Đông Bắc 1, Đông Bắc 2 và Đông Bắc 3; Nam chia thành Nam 1, Nam 2, Nam 3…
- Năm Nhâm Thìn 2012, Thái Tuế ở phương Đông Nam 1
- Năm Quý Tỵ 2013, Thái Tuệ tới Đông Nam 3
- Năm Giáp Ngọ 2014 Thái Tuế tới phương Nam
- Năm Ất Mùi 2015 Thái Tuế tới phương Tây Nam 1 và cứ tiếp tục di chuyển như vậy.
Cần lưu ý, năm ở đây được tính theo Hạ lịch (lịch nhà nông) của Trung Quốc, nghĩa là từ ngày 4/2 dương lịch của năm này tới ngày 3/2 dương lịch của năm tiếp theo.
Theo Ngôi sao