Sáng 22/7, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, cho biết do ảnh hưởng của hội tụ gió trên cao nên những ngày qua các tỉnh Bắc Bộ, đặc biệt là vùng núi, trung du đã có mưa to.
"Hà Giang mưa phổ biến 100-300 mm trong 24 giờ. Riêng tại TP Hà Giang, lượng mưa từ 19h ngày 20/7 đến 19h ngày 21/7 đạt 347 mm", ông Lâm nói và cho biết đây là lượng mưa trong 24 giờ lớn nhất theo số liệu quan trắc từ năm 1961 đến nay trên địa bàn.
Mưa to khiến nước thượng lưu sông Lô tại Hà Giang lên nhanh, biên độ lũ lên khoảng 5,8 m, đạt mức 101,37 m (trên báo động hai 0,37 m) lúc 10h ngày 21/7.
Ông Nguyễn Đức Vinh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Giang, nhận định mưa lớn cục bộ trong thời gian ngắn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng ngập lụt ở TP Hà Giang.
"Ghi nhận của cơ quan khí tượng là lượng mưa lớn nhất 60 năm, nhưng thực tế theo người dân sinh sống ở địa phương thì hàng trăm năm mới có trận mưa lớn như vậy", ông Vinh nói và cho biết có những nơi trong thành phố ghi nhận lượng mưa lên tới 400 mm trong 24 giờ.
Ngoài ra, ông Vinh cho rằng địa hình lòng chảo, bao xung quanh là núi cũng khiến nước đổ dồn về trung tâm TP Hà Giang rất lớn.
"Sáng 21/7, mực nước trong thành phố và mực nước sông Lô ngang nhau nên không thể thoát kịp. Đây cũng không phải lần đầu tiên TP Hà Giang ngập úng, tuy nhiên mức độ thì chưa bao giờ lớn như lần này", ông Vinh nói thêm.
Trước ý kiến cho rằng TP Hà Giang ngập lụt do việc xây dựng và xả lũ của các thủy điện trên sông Lô và sông Miện, ông Nguyễn Khắc Quyền, Giám đốc Sở Công Thương Hà Giang phủ nhận và cho rằng "lượng mưa chưa từng thấy là nguyên nhân chính".
"Thực tế thủy điện trên các dòng sông Lô và Miện rất nhỏ nên không có chức năng tích nước, cắt lũ như đa phần thủy điện khác. Bình thường nước ở hồ thủy điện trên hai sông này chỉ phục vụ điều tiết trong ngày", ông Quyền nói.
Theo lãnh đạo Sở Công Thương Hà Giang, trong đêm 20/7, các thủy điện trên sông Lô, sông Miện đã xả lũ đúng quy trình, được thông báo đến từng xã, phường và người dân để đảm bảo an toàn.
TS.KTS Ngô Trung Hải, Phó chủ tịch Hội quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, cũng cho rằng địa hình lòng chảo của TP Hà Giang là nguyên nhân khiến nơi này nằm ở vùng núi cao nhưng đã bị ngập lụt. "Nếu chúng ta nhìn trên bản đồ hoặc đến tận nơi, sẽ thấy xung quanh thành phố là các dãy núi, nên khi mưa lớn nước lũ ở các nơi đổ về đây theo chiều dốc, nước lên rất nhanh", ông Hải nói.
Cũng theo ông Hải, quy hoạch của TP Hà Giang "không hề lấp đi dòng sông hay con suối nào", nên yếu tố quy hoạch không phải là nguyên nhân dẫn đến ngập lụt.
Cơ quan khí tượng dự báo, từ ngày 23/7, mưa ở Hà Giang giảm dần. Mực nước thượng lưu sông Hồng - Thái Bình sẽ xuất hiện đợt lũ với biên độ lũ lên từ 2 đến 4 m, riêng sông Lô từ 4 đến 6 m. Trong đợt lũ này, đỉnh lũ các sông suối nhỏ và thượng lưu sông Lô có khả năng lên báo động hai, ba; thượng lưu sông Thao (sông Hồng) và sông Chảy khả năng lên báo động một.