Kháng nghị phúc thẩm của Viện trưởng VKSND tỉnh Nghệ An ký ngày 23/5.
Cuối tháng 4, bà Dung, 52 tuổi, cựu giám đốc Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên, bị TAND huyện Hưng Nguyên phạt 5 năm tù; Nguyễn Thị Hương, 57 tuổi, cựu kế toán trung tâm, bị phạt 2 năm tù treo cùng về tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ. Bà Dung bị bắt từ ngày 28/3/2022.
Mức án với bà Dung sau đó gây ra phản ứng trái chiều, nhiều người cho rằng quá nặng. Bà Dung kháng cáo kêu oan. Gia đình bà gửi đơn tới hơn 22 cơ quan nhà nước, khẳng định "phải bán nhà thì cũng kêu oan tới cùng".
Nội dung vụ án thể hiện, từ 1/10/2012 đến năm 2017, bà Dung là bí thư chi bộ kiêm giám đốc, chủ tài khoản của Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên. Bà đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao nhiều lần thanh toán trái quy định để chiếm đoạt gần 45 triệu đồng (cáo buộc trước đó là 48,3 triệu đồng), gây thiệt hại cho trung tâm.
Quá trình điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm, bà Dung không nhận tội, cho rằng thực hiện theo quy chế chi tiêu nội bộ của trung tâm.
Theo bản án sơ thẩm, bà Dung không phải chịu tình tiết tăng nặng và có các tình tiết giảm nhẹ như thành tích xuất sắc trong công tác, được tặng thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua cơ sở. Năm 2017, bà được Chánh án TAND tỉnh Nghệ An tặng giấy khen vì có thành tích trong công tác xét xử (tham gia với vai trò hội thẩm nhân dân), gia đình có công với cách mạng, ủng hộ 7,6 triệu đồng cho hoạt động phòng chống Covid-19...
Đánh giá vụ án này, VKSND tỉnh Nghệ An nhận thấy năm 2012-2017, bà Dung đã tự kê khai để thanh toán những nội dung trái quy định, tổng số tiền 103 triệu đồng. Trong số này nhiều mục như học cao học, đi tập huấn, đi kiểm tra đã được thanh toán nhưng bà vẫn quy đổi ra tiết dạy để thanh toán "tiền thừa giờ". Đây là thanh toán trùng cho cùng một nội dung, tổng cộng 48,3 triệu đồng.
Bà Dung còn trực tiếp tiếp ký duyệt cho 11 giáo viên khác để thanh toán 175 triệu đồng tiền thừa giờ. Việc này không có trong quy định.
Kháng nghị của VKSND tỉnh Nghệ An cho rằng bà Dung nhiều lần chiếm đoạt tài sản từ ngân sách nhà nước dưới sự giúp sức nhiều lần của kế toán Hương. Bản án sơ thẩm cũng nhận định, bị cáo Dung và một số giáo viên khác đã tự kê khai quy đổi ra tiết dạy cho từng năm học. Từ đó, bà Dung ký duyệt chi thanh toán trái quy định 103 triệu đồng cho bản thân và 175 triệu đồng cho 11 giáo viên khác.
VKSND đánh giá cấp sơ thẩm "chưa xác định rõ trách nhiệm đầy đủ" của bị cáo Dung và Hương với số tiền 103 triệu đồng và 175 triệu đồng. Trong khi giám định tài chính xác định các khoản tiền trên đều gây thiệt hại cho ngân sách trung tâm.
Với khoản tiền 48,3 triệu đồng, nằm trong tổng số 103 triệu đồng, tòa sơ thẩm cáo buộc bà Dung chiếm đoạt nhưng lại chưa làm rõ được hành vi làm trái công vụ. "Đặc biệt, nếu xác định có yếu tố chiếm đoạt thì lại cấu thành của tội phạm khác", kháng nghị nêu.
Quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm đã yêu cầu cơ quan giám định làm rõ một số nội dung. Tuy nhiên tất cả bản kết luận giám định, giám định bổ sung đều chưa thể hiện rõ về quy chế chi tiêu nội bộ của trung tâm do bà Dung ký từ 2012 đến 2017 "có nội dung nào trái pháp luật dẫn đến không có hiệu lực thi hành không". Đặc biệt, số liệu về thiệt hại cần chính xác và thống nhất.
Trả lời VnExpress vào đầu tháng 5, ông Lâm Quốc Tú, Chánh án TAND huyện Hưng Nguyên, đánh giá mức án 5 năm tù với bà Dung là đúng quy định của pháp luật và "không thể thấp hơn" (dưới khung hình phạt) vì bị cáo không nhận tội, không nộp số tiền khắc phục. Bà Dung chỉ có một tình tiết giảm nhẹ là có thành tích trong công tác, trong khi Điều 51 Bộ luật Hình sự quy định "phải có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ mới có thể xét tuyên dưới khung hình phạt".
"Thực ra chúng tôi cũng trăn trở, áy náy khi ra bản án 5 năm, song mấu chốt là không có thêm tình tiết giảm nhẹ", ông Tú nói và cho hay có áp lực về tâm lý, "nếu người dân nói rằng bản án nặng thì cũng có phần đúng, nhưng không có cách nào khác".