Theo thống kê của Liên đoàn Cờ vua thế giới FIDE, Việt Nam có 16 giải (hoặc bảng đấu trong giải) có tính Elo năm 2019, thời điểm trước khi Covid-19 lan rộng. Con số này không chỉ thấp hơn các nước hàng đầu khác ở châu Á như Ấn Độ 175 giải hay Trung Quốc 46 giải. Việt Nam cũng chỉ đứng thứ sáu ở Đông Nam Á về số giải tính hệ số, tương đương Indonesia.
Thống kê trên không hề tương xứng với thực lực của cờ vua Việt Nam hiện tại. Ở bảy giải đồng đội châu Á gần nhất, Việt Nam năm lần đứng trong top 3. Còn ở ba giải cá nhân châu Á gần nhất, Việt Nam cũng có hai nhà vô địch là Lê Quang Liêm (2019) và Võ Thị Kim Phụng (2017). Hay ở các giải trẻ châu Á, Việt Nam cũng thường có thành tích cao hàng đầu. Có thể coi nền cờ vua Việt Nam đang thuộc nhóm đầu châu lục.
Nhưng do chưa có nhiều giải đấu tính Elo, đặc biệt là các giải tầm cỡ quốc tế, Elo của nền cờ vua Việt Nam đang thấp hơn thực lực. Điều này đúng hơn với các kỳ thủ trẻ, khi họ thiếu môi trường cải thiện hệ số. "Elo thực lực của các kỳ thủ trẻ Việt Nam cứ phải cộng thêm 200 đơn vị nữa mới chuẩn", Đại kiện tướng nam Bùi Vinh nói với VnExpress.
Vì Elo đang thấp hơn thực lực, các kỳ thủ Việt Nam ngại thi đấu với nhau nếu giải tính Elo. Bởi khi đó Elo trung bình của giải sẽ không cao. Elo của các kỳ thủ sẽ không cải thiện được, hay thậm chí bị kéo xuống dù họ đạt kết quả không tệ. Hai yếu tố dẫn tới việc tăng giảm Elo của một kỳ thủ chính là Elo trung bình của các đối thủ, và số điểm đạt được từ giải đó.
"Nhiệm vụ đầu tiên là phải cải thiện Elo kỳ thủ Việt Nam lên đúng với thực lực", Bùi Vinh nói thêm. "Nhưng vấn đề này phức tạp, và phải được cải thiện dần dần".
Để tăng Elo của kỳ thủ Việt Nam cho đúng với kỳ lực, có hai phương án. Một là kỳ thủ ra nước ngoài thi đấu, ở những nơi kỳ thủ có Elo đúng với thực tế. Những nơi này là Ấn Độ, Nga, Mỹ hay các nước châu Âu. Phương án hai là Việt Nam mời những kỳ thủ quốc tế về đấu với các kỳ thủ Việt Nam. Cả hai phương án này đều vướng phải bài toán kinh phí.
Cờ vua không phải môn thể thao thu hút người xem, dù số lượng người chơi cờ không ít. FIDE thống kê có khoảng 300 triệu đến 600 triệu người chơi cờ thường xuyên. Nhưng không phải người chơi cờ nào cũng thích xem người khác đấu cờ, đặc biệt là với các kỳ thủ mạnh. Một người có Elo thấp sẽ khó hiểu được ván cờ của một Kiện tướng FIDE (FM) trở lên. Kỳ thủ phong trào cũng sẽ không hiểu vì Đại kiện tướng lại đi quân như vậy. Điều này khác với các môn thể thao đại chúng như bóng đá, quần vợt hay bóng rổ.
Nhưng đây là bài toán mà bất cứ nền cờ vua nào cũng gặp phải, và không dễ để thu hút các nhà tài trợ. "Kỳ thủ nhí của Việt Nam thiếu môi trường cọ xát, thi đấu, khi mỗi năm ở Việt Nam chỉ có giải HDBank là tính hệ số Elo", Siêu đại kiện tướng Lê Quang Liêm nói. "Điều này làm cho việc phát triển trình độ và đạt danh hiệu quốc tế khó khăn hơn rất nhiều. Trong khi đó, ở Mỹ và châu Âu, mỗi năm có rất nhiều giải trẻ, giải mở rộng, giải lấy chuẩn được tổ chức liên tục".
Câu hỏi được đặt ra là vì sao Việt Nam ít giải tính hệ số Elo?
Có thể chia những giải tính Elo làm ba nhóm: giải tính Elo trong nước, quốc tế và giải lấy chuẩn. Để một nước tổ chức những giải như này, FIDE đều yêu cầu liên đoàn cờ quốc gia đó phải nộp phí. Tuỳ vào số lượng kỳ thủ và Elo trung bình của giải, khoản phí phải nộp sẽ khác nhau. Nhưng khoản phí này thường không cao, không quá 10 euro (khoảng 250.000 đồng) cho một kỳ thủ dự giải mở. Số tiền này càng giảm nếu số kỳ thủ dự giải tăng lên.
Với giải tính Elo trong nước không lấy chuẩn, đây thường là cơ hội để các kỳ thủ kiếm những hệ số Elo đầu tiên. Theo quy định, một kỳ thủ chưa có Elo cần gặp ít nhất 5 kỳ thủ có Elo, và đạt tối thiểu 0,5 điểm trong 5 ván này. Hiện tại, một số CLB cờ vua ở Việt Nam đã tự tổ chức những giải như vậy để các kỳ thủ trẻ có những hệ số Elo đầu tiên.
Với giải tính Elo quốc tế, Elo trung bình của giải cũng phải đủ cao để thu hút các kỳ thủ nước ngoài tham dự. Nhưng cũng vì Elo của kỳ thủ Việt Nam thấp hơn thực tế, các kỳ thủ nước ngoài sẽ ít có nguyện vọng thi đấu ở đây. Bùi Vinh đã phối hợp tổ chức bốn giải cờ vua quốc tế Hà Nội mở rộng, nhưng các kỳ thủ dự giải hầu hết là người Việt Nam, và cũng hiếm có kỳ thủ Elo trên 2.000 tham dự.
Dallas Wilson là kỳ thủ quốc tế hiếm hoi dự giải, nhưng anh cũng sống ở Việt Nam trong thời gian đó. Kỳ thủ New Zealand đang có Elo 1.575 này nói với VnExpress: "Tôi đã bị một vài kỳ thủ 9, 10 tuổi ở Việt Nam huỷ diệt. Hệ số Elo của tôi hiện rất tệ. Kỳ thủ trẻ Việt Nam may mắn, vì được nhiều Đại kiện tướng dạy dỗ. Cờ vua rất phổ biến ở Việt Nam, và các kỳ thủ trẻ cũng được nhà nước hỗ trợ nhiều. Còn nhà nước New Zealand chẳng bao giờ hỗ trợ cho kỳ thủ, nên chúng tôi phải tự bỏ tiền túi dự giải".
Như Wilson đã nói, cờ vua Việt Nam may mắn khi được nhà nước hỗ trợ nhiều, so với các nước khác. Lệ phí dự các giải đấu tính Elo của Việt Nam cũng thấp hơn nhiều so với quốc tế. Chẳng hạn các giải First Saturday tại Hungary, hay Third Saturday ở Montenegro, lệ phí mà từng kỳ thủ phải đóng thường từ 200 euro (5 triệu đồng) trở lên, dù ở bảng đấu có Elo trung bình thấp hay cao. Còn ở Việt Nam, các kỳ thủ thường không phải đóng quá 1 triệu đồng.
Dù ban tổ chức giải thường hỗ trợ kỳ thủ quốc tế lệ phí, nhưng mức độ thu hút của giải ở Việt Nam vẫn chưa đủ thuyết phục họ tới dự. Kỳ thủ nước ngoài vẫn phải bỏ tiền di chuyển và ăn ở tại đây, nếu họ không sống ở Việt Nam. Điều này khiến các kỳ thủ Việt Nam lại tự đánh với nhau, kéo Elo xuống thấp hơn.
Còn ở giải muốn lấy chuẩn, vấn đề lớn nhất chính là kinh phí. Ban tổ chức gần như bắt buộc phải thu hút được các nhà tài trợ. Với những giải kiếm chuẩn, FIDE quy định phải có kỳ thủ từ ít nhất 5 quốc gia góp mặt tại giải.
Để một kỳ thủ kiếm chuẩn, dù là Kiện tướng FIDE (WFM và FM), Kiện tướng quốc tế (WIM và IM) hay Đại kiện tướng (WGM và GM), các đối thủ thường phải có Elo cao, khoảng 2.000 trở lên. Nếu kỳ thủ muốn kiếm chuẩn IM hay GM, quy định càng khó khăn hơn. Chẳng hạn để kỳ thủ kiếm chuẩn IM, điều kiện cần là Elo trung bình của giải phải từ 2.230 trở lên. Và họ cũng cũng gặp ít nhất ba IM hoặc GM tại giải.
Nói cách khác, để tổ chức các giải kiếm chuẩn, ban tổ chức cần thu hút được một lượng kỳ thủ quốc tế theo yêu cầu. Những kỳ thủ này cũng có Elo cao, và có đẳng cấp. Lúc này, bài toán kinh phí xuất hiện.
Để mời được những kỳ thủ quốc tế có đẳng cấp, ban tổ chức sẽ phải đề nghị họ một khoản phí "lót tay". Số tiền này có thể lên tới 500 USD (khoảng hơn 11 triệu đồng) hoặc hơn nữa, tuỳ vào đẳng cấp và Elo của kỳ thủ. Ngoài ra, ban tổ chức cũng cần hỗ trợ, hoặc chi trả một phần phí đi lại và ăn ở cho họ. Giải thưởng cũng phải ở mức đủ hấp dẫn để thu hút các kỳ thủ này. Không dễ gì để tổ chức một giải đấu kiếm chuẩn ở Việt Nam, nếu không có nhà tài trợ thành tâm.
Việt Nam không phải mảnh đất "màu mỡ" để các kỳ thủ quốc tế đến kiếm Elo, hay đạt chuẩn, cũng vì Elo của kỳ thủ Việt Nam thấp hơn thực lực. Kỳ thủ nước ngoài dễ có nguy cơ mất Elo hơn là được, nếu thi đấu ở Việt Nam. Để chấp nhận mạo hiểm, họ phải được bù đắp, không gì khác bằng thu nhập. Chưa kể ban tổ chức cũng cần chuẩn bị trang thiết bị để tổ chức giải, hay thù lao cho các trọng tài.
Ngay cả các kỳ thủ hàng đầu Việt Nam cũng không mừng khi thi đấu những giải tính Elo trong nước. Giải vô địch quốc gia (A1) vừa kết thúc hôm 5/3 là giải toàn quốc duy nhất tính Elo. Nhiều kỳ thủ trẻ dự giải có Elo thấp hơn thực lực tới vài trăm đơn vị. Elo trung bình của bảng nam là 2.005, còn bảng nữ là 1.731.
Kỳ thủ số hai Việt Nam Nguyễn Ngọc Trường Sơn cũng chưa từng vô địch quốc gia, chủ yếu vì anh ít dự giải. "Nếu tính Elo, ban tổ chức nên thắt chặt kỳ thủ dự giải", Đại kiện tướng nữ Võ Thị Kim Phụng nói với VnExpress. "Giải A1 hiện có xu hướng phong trào quá, nên mọi người đánh không hào hứng lắm. Vì vô địch cũng không có suất đi giải nào nữa".
Cờ vua Việt Nam đang rơi vào một vòng lặp luẩn quẩn. Elo hiện tại của nền cờ thấp hơn thực lực khoảng 200 đơn vị. Để cải thiện Elo, kỳ thủ cần được thi đấu với các kỳ thủ quốc tế. Nhưng kỳ thủ quốc tế không muốn thi đấu ở đây vì Elo trung bình của Việt Nam thấp hơn thực lực. Giải được bài toán này không thể chỉ là công việc ngắn hạn.
"Việt Nam đang có kế hoạch tổ chức thêm nhiều giải đấu tính Elo trong năm nay", Tổng thư ký Liên đoàn cờ Việt Nam - bà Nguyễn Thị Anh Thư - cho biết. "Trước và sau SEA Games, sẽ có hai giải đấu diễn ra tại Hà Nội. Liên đoàn cũng đã gửi thư mời các nước khác trong khu vực. Tiếc là hai năm qua Covid-19 khiến nhiều giải đấu bị trì hoãn".
Giải đầu tiên dự kiến diễn ra từ 8/4 đến 17/4 tại Hà Nội. Nhưng hiện tại Covid-19 Việt Nam và Hà Nội vẫn chưa có dấu hiệu suy giảm. Thực trạng cờ vua Việt Nam hiện tại còn nhiều trở ngại khác, hóc búa không kém dịch bệnh. Nhưng ít nhất, những người làm cờ vua đã bắt đầu tìm lời giải cho bài toán này.
Xuân Bình