Đường dây làm túi Hermes giả, trong đó có thiết kế huyền thoại Birkin, đang gây chấn động làng mốt. Kết thúc phiên xét xử, diễn ra từ ngày 24 đến 26/6, tòa án Pháp đề nghị phạt tù bốn năm và ba người cầm đầu đường dây này phải nộp 100.000 - 200.000 euro. Hãng mốt Pháp đòi bồi thường hai triệu euro. Tòa tuyên án vào ngày 24/9.
Cuộc điều tra kéo dài khoảng một năm sau khi Hermès phát hiện manh mối và hành vi bất thường của một nhóm người thông qua hệ thống giám sát nội bộ. Trong đường dây 10 người, có bảy người là nhân viên cũ của Hermes. Sau vụ việc này, nhà mốt Pháp cho biết sẽ nỗ lực không ngừng trong việc chống hàng giả.
Túi xách Hermes từ lâu trở thành món hàng giá trị đẳng cấp, khiến chúng luôn bị làm giả bất chấp. Giá trị của loại phụ kiện này được đo bằng danh tiếng đi cùng lịch sử lâu đời của thương hiệu, quy trình sản xuất thủ công tỉ mỉ và chính sách bán hàng độc đáo với các sản phẩm cao cấp.
Thương hiệu thời trang xa xỉ bắt nguồn từ ý tưởng các hiệp sĩ thời xưa cần những phụ kiện hoàn hảo cho hành trình của họ. Năm 1821, nhà sáng lập Thierry Hermès cùng gia đình chuyển đến Paris bán yên ngựa và dây nịt ngựa. Năm 1837, ông mở tiệm Hermes. Thời gian mới thành lập, các sản phẩm của Hermes phục vụ cho tầng lớp quý tộc châu Âu, Bắc Phi, châu Mỹ, Nga và châu Á. Trải qua 183 năm, từ những chiếc yên ngựa được khâu bằng tay ban đầu, Hermes dần dần mở rộng phạm vi sản xuất túi, vali, đồng hồ, vòng đeo tay, trang phục cho nam và nữ, khăn lụa, găng tay, giày, mũ, đồ sơn mài, nước hoa, nội thất... Ngày nay, Hermes luôn nằm trong top 10 thương hiệu xa xỉ bậc nhất thế giới.
Túi xách Hermes cho đến giờ vẫn được các người thợ thủ công Pháp thực hiện tỉ mỉ bằng tay. Với dòng cao cấp, mỗi chiếc túi được chế tạo từ đầu đến cuối chỉ bởi một người, đảm bảo được chất lượng và tính độc đáo. Để trở thành thợ trong nhà máy của Hermès, mọi người thợ đều phải vượt qua nhiều kỳ thi.
Trong một tháng, thợ thủ công chỉ sản xuất 15 túi với kiểu dáng và chất liệu khác nhau, mỗi chiếc mất 20-25 giờ hoàn thành. Quy trình sản xuất bắt đầu từ việc người thợ cắt, kiểm tra để xác định miếng da nào lý tưởng. Quy trình làm mịn, căng bề mặt da sau đó mất khá nhiều công sức. Dây xích làm quai túi đều được hàn thủ công. Để tạo nên các chi tiết kim loại hoàn hảo, họ làm mềm kim loại trong một chiếc bồn rồi nung đến nhiệt độ cao. Với quai túi, người thợ dùng công cụ chuyên dụng để làm phẳng quai, đảm bảo độ mượt mà, phẳng phiu. Sau khi hoàn thiện từng phần, họ bắt đầu ráp lại, đóng hộp rồi vận chuyển đến tay khách hàng.
Trong dòng túi của Hermes, Birkin và Kelly là hai biểu tượng. Nếu túi thông thường của Hermes có giá từ 2.000 - 16.000 USD, dòng Birkin có giá gây sốc với nhiều người, từ 10.000 đến 150.000 USD (tương đương từ gần 232 triệu đến 3,4 tỷ đồng), dao động tùy chất liệu. Hermès Birkin được tạo ra thủ công bởi các nghệ nhân tay nghề lão luyện. Một chiếc túi Kelly mất trung bình 18 giờ để hoàn thành, trong khi Birkin tiêu tốn 48 - 50 giờ thực hiện với các công đoạn may, khâu, đánh bóng, chỉnh sửa, ghép khóa, móc...
Thợ thủ công Pháp là chuyên gia lành nghề nhất trong việc đưa kỹ thuật khâu da nguyên miếng từ thế kỷ 19 vào chiếc túi. Về chất liệu, ngoài những loại thường dùng như da bê, dê, trăn và đà điểu châu Phi. Đắt giá nhất phải kể đến là da cá sấu nước mặn và đặc biệt là cá sấu bạch tạng.
Theo Forbes, Hermes được đánh giá cao về chiêu thức bán hàng thông minh. Hermes nâng cao tính chất độc quyền bằng việc giới hạn số lượng sản xuất, lượng hàng tồn kho nhỏ. Việc phân phối luôn bị hạn chế có thể giữ cho nhu cầu về sản phẩm của hãng luôn cao một cách tự nhiên. Đặc biệt, công ty không bao giờ công khai số lượng túi bán được mỗi năm. Bởi Hermes muốn bạn biết đó là của hiếm và có thể bạn sẽ không bao giờ sở hữu được.
Để giúp khách hàng có chế độ bảo hành tối ưu, hãng sẽ khắc số và năm sản xuất lên từng sản phẩm bởi không có chiếc Birkin nào giống chiếc Birkin nào 100%. Với các phiên bản "Limited", chỉ có khách VIP mới có thể sở hữu. Người mua phải đặt hàng 2-5 năm mới có thể sở hữu một sản phẩm. Nhà mốt cũng không bao giờ báo trước số lượng, mẫu mã và lịch phân phối sản phẩm về mỗi chi nhánh trên thế giới. Điều này dẫn tới thực tế không phải ai muốn cũng có thể sở hữu một chiếc túi Birkin chính hiệu. Trớ trêu hơn, túi khách muốn mua có thể không được phân phối về nước này, nhưng lại có sẵn trong cửa hiệu ở nước khác.
Với các dòng túi thông thường của Hermes, khách có thể mua bất cứ lúc nào ở cửa hàng hoặc trên trang web của nhà mốt. Nhưng với Birkin hay Kelly, khách đều trải qua một danh sách chờ.
Tuy nhiên, vấn đề thực tế không đơn giản như quy trình này. Danh sách quá dài buộc khách hàng phải đợi nhiều năm mới mua được thứ họ muốn, có khi lên đến vài năm ở các nước châu Á. Theo Huffingtonpost, cửa hiệu ở Paris thậm chí bỏ luôn danh sách chờ vì liên tục bị quá tải do lượng người mua áp đảo. Do danh sách chờ hiện tại đã đóng nên nếu vẫn muốn mua, khách phải vào danh sách "chờ của danh sách chờ".
Chưa hết, cả nhân viên của hãng cũng không biết trước mẫu mã sản phẩm mỗi đợt hàng về. Nếu khách chờ được đến lúc cửa hiệu có hàng và người đại diện kinh doanh gọi điện, nhưng sản phẩm không đúng ý về kích thước, màu sắc hay chất liệu, họ có thể từ chối và tiếp tục chờ đợt sau. Càng nhiều yêu cầu về mẫu mã, thời gian chờ được món hàng như ý càng lâu. Quy trình bán hàng này thử thách thú chơi hàng hiệu của nhiều sao Việt như Diễm My, Kỳ Duyên, Phương Lê, Sella Trương... nếu muốn mua đúng hàng thật và ưng ý.
* Sao Việt 'săn' túi chục nghìn USD