Ở Nhật Bản, trẻ nhỏ bắt tàu điện ngầm và đi loanh quanh một mình mà không hề trong tầm mắt của bố mẹ. Lý do cho việc này phần lớn là do sự an toàn của xã hội hơn là sự độc lập của chính trẻ.
Một cảnh tượng thường thấy trên các phương tiện giao thông công cộng tại Nhật: Trẻ leo lên các toa tàu, đi một mình hoặc theo nhóm nhỏ, tự tìm chỗ ngồi. Các em đeo những chiếc tất dài tới đầu gối, đi giày da sáng bóng, mặc chân váy kẻ sọc, đầu đội mũ rộng có quai buộc dưới cằm và vé tàu gắn luôn vào cặp sách. Những trẻ này còn nhỏ, khoảng 6 hay 7 tuổi, đang trên đường tới trường hoặc về nhà và không hề có người lớn đi cùng, bảo vệ.
Các bố mẹ ở Nhật thường để trẻ bước ra thế giới bên ngoài ở độ tuổi rất nhỏ. Ở Nhật, có một chương trình truyền hình tên Hajimete no Otsukai, hay còn gọi là Nhiệm vụ nhỏ đầu tiên của tớ (ở Việt Nam có phiên bản tương tự là Con đã lớn khôn), với nội dung là những em bé 2-3 tuổi được mẹ cho ra ngoài một mình để thực hiện một nhiệm vụ gì đó cho gia đình. Khi các bé ngập ngừng bước đi đến cửa hàng tạp hóa hay tiệm bánh, quá trình này sẽ được bí mật ghi hình. Chương trình này đã liên tục được thực hiện hơn 25 năm qua.
Kaito, 12 tuổi, ở Tokyo, đã tự bắt xe lửa để đi lại giữa hai nhà của bố và mẹ cậu bé (hai người đã ly dị), từ lúc 9 tuổi. "Lần đầu tiên thì cháu cũng hơi lo", cậu bé thừa nhận. Nhưng bây giờ, đây là việc quá đơn giản. Bố mẹ cậu ban đầu cũng e sợ nhưng họ vẫn mạnh dạn để con tự đi vì cảm thấy cậu bé đã đủ lớn và có rất nhiều trẻ khác cũng làm việc này một cách an toàn.
"Thành thật mà nói, lúc đó, tôi nghĩ là đi tàu thì an toàn, đúng giờ và dễ định vị hơn, cậu nhóc cũng là đứa trẻ thông minh", mẹ kế của Kaito nói.
"Tôi tự bắt tàu khi còn bé hơn Kaito, ở Tokyo. Hồi đó, chúng tôi còn không có điện thoại di động nhưng tôi vẫn có thể xoay sở để đến từ điểm A tới điểm B bằng tàu lửa. Còn bây giờ, nếu con bị lạc, cháu có thể gọi điện cho chúng tôi", chị cho biết.
Điều gì khiến trẻ em Nhật Bản có mức độ tự lập cao như vậy? Đó không phải là sự độc lập của một cá nhân mà là "sự tin cậy tập thể", Dwayne Dixon, nhà nhân học văn hóa, người từng viết luận án tiến sĩ về trẻ em Nhật Bản, cho hay. "Trẻ Nhật học được từ rất sớm rằng bất cứ thành viên nào của cộng đồng cũng có thể được kêu gọi để phục vụ hay giúp đỡ những người khác", ông nói.
Điều này được củng cố thêm ở trường, nơi trẻ thay nhau dọn vệ sinh và phục vụ bữa trưa, thay vì dựa dẫm vào các nhân viên thực hiện các nhiệm vụ kiểu này. "Điều này vừa dạy trẻ về sự phân công lao động công bằng, theo kiểu xoay vòng, đồng thời dạy các em biết làm tất cả những việc phục vụ bản thân và người khác, chẳng hạn như làm sạch toilet", Dixon nói.
Nhận trách nhiệm vệ sinh cho không gian chung nghĩa là trẻ sẽ có niềm tự hào về quyền sở hữu - khi nhận thức rõ mình là một phần của tập thể, và hiểu một cách cụ thể những hậu quả của việc bày bừa bởi chính các em sẽ phải tự dọn sạch. Ý thức này cũng được mở rộng ra ở những địa điểm công cộng rộng hơn (một lý do khiến các đường phố Nhật Bản nhìn chung rất sạch sẽ). Một đứa trẻ ở nơi công cộng biết rằng bé có thể nhờ tới sự hỗ trợ của tập thể trong tình huống khẩn cấp.
Nhật Bản có tỷ lệ tội phạm rất thấp. Đây chắc chắn là lý do chính khiến các phụ huynh cảm thấy tự tin về việc để con ra ngoài một mình. Nhưng các không gian đô thị quy mô nhỏ và văn hóa đi bộ, cùng việc sử dụng phương tiện giao thông công cộng cũng như nhận thức về sự an toàn cũng tạo ra môi trường thân thiện với trẻ và giúp trẻ thêm tự lập.
Ở các thành phố tại Nhật, mọi người quen với việc đi bộ ở khắp nơi và giao thông công cộng ưu thế hẳn so với văn hóa xe hơi. Tại Tokyo, một nửa số chuyến đi là bằng tàu hay xe bus và một phần tư là đi bộ. Những người lái xe cũng quen với việc chia sẻ và nhường đường cho người đi bộ và đi xe đạp. Tổng hòa tất cả những yếu tố đó giúp trẻ em Nhật thực sự an tâm và tự tin khi ra ngoài.
Vương Linh (Theo Citylab)