Một buổi sáng tháng 3, khi đại dịch Covid-19 mới bùng phát ở Mỹ, con gái bốn tuổi của Megan Margulies từ chối học trực tuyến qua Zoom. Cô bé không muốn nhìn mặt bạn bè hay giáo viên, những người đột ngột phải nói lời chia tay một tuần trước. Thay vào đó, cô bé bới tung thùng quần áo hóa trang của mình.
Megan cố dỗ con trở về lớp, thậm chí hứa đãi con món tráng miệng đặc biệt song cô bé vẫn lắc đầu, nói "con xấu hổ lắm" rồi lấy bộ đồ Đội trưởng Mỹ bên dưới một chiếc váy công chúa. Cô bé nhìn Megan, một tay cầm chiếc mũ bảo hộ, tay kia cầm bộ đồ liền thân màu xanh, đôi mắt lấp lánh một cách lém lỉnh.
Năm 1939, ông của Megan là Joe Simon cùng đồng nghiệp là Jack Kirby tạo ra nhân vật Đội trưởng Mỹ để đối phó với nỗi kinh hoàng đang bao phủ châu Âu. Lúc đó, Mỹ vẫn đứng ngoài Chiến tranh Thế giới lần hai nhưng nội bộ nước này bị chia rẽ về việc có tham gia hay không. Trong một sự kiện ở trung tâm New York tháng 2/1939, những người ủng hộ phát xít tung hô Hitler và ném sự căm ghét về phía những người Do Thái nhập cư.
"Ông tôi và Kirby muốn vẽ nên một nhân vật giúp người yếu thế cảm thấy mạnh mẽ hơn, một tia sáng cho những ai đang thấy tuyệt vọng, ví dụ như các gia đình có thân nhân ở châu Âu", Megan chia sẻ.
Megan thích bản phác thảo đầu tiên về Đội trưởng Mỹ nhất. Trong bức vẽ đó, siêu anh hùng giơ một tay lên, tay kia cầm khiên với hình ngôi sao. "Đó là một bản phác thảo đơn giản, nhưng đối với tôi, nó thật màu nhiệm", Megan nói.
Đội trưởng Mỹ sau này trở thành "bùa hộ mệnh" của Megan. Ở New York, những năm 1980, Megan chìm trong lo lắng mỗi khi chứng kiến ai đó trấn lột hoặc bị đánh đập. Cô mặc áo Đội trưởng Mỹ trong những giai đoạn khó khăn nhất và treo tranh nhân vật này trong phòng khách suốt thời gian phong tỏa tránh virus. Đội trưởng Mỹ cũng xuất hiện trên áo và khẩu trang của gia đình Megan mỗi khi họ ra ngoài để nhắc nhớ rằng vẫn còn hy vọng.
Mẹ con Megan không phải những người duy nhất cần "bùa hộ mệnh". Tháng 4, trên New York Times, nhà báo Guy Trebay viết về tư duy nhiệm màu và những "lợi ích rõ ràng khi chúng ta say mê bùa chú, bùa may mắn" trong khi gặp khó khăn.
Đối với trẻ con, đó có thể là bạn bè tưởng tượng hoặc các nhân vật hư cấu, bao gồm những siêu anh hùng với những câu chuyện dũng cảm, không thể bị đánh bại. Theo Jacqueline D. Woolley, giáo sư tâm lý học và giám đốc Phòng Nghiên cứu Trẻ em ở Đại học Texas, Austin, tư duy nhiệm màu đạt đỉnh ở trẻ em từ 3 đến 8 tuổi. Nó thể hiện ở những gì trẻ làm, như giả vờ chơi hoặc có bạn tưởng tượng, và cả những gì trẻ tin tưởng, ví dụ như ông già tuyết hay nàng tiên răng. Chuyên gia lưu ý thêm công trình nghiên cứu của các nhà tâm lý học phát triển như Marjorie Taylor từ Đại học Oregon cho thấy việc có bạn tưởng tượng hoặc giả vờ là siêu anh hùng có thể đem tới tác dụng bảo vệ đối với trẻ.
Nhà tâm lý học lâm sàng Janina Scarlet mới ba tuổi khi Nhà máy Điện hạt nhân Chernobyl cách nhà bà 180 dặm phát nổ. Chín năm sau, gia đình Scarlet chuyển đến Mỹ. Dù thoát khỏi nguy hiểm, cô bé ngày ấy vẫn phải đối mặt với sang chấn tâm lý từ quá khứ và bị bạn cùng lớp trêu chọc do khác biệt. "Năm 16 tuổi, tôi xem được một bộ phim đã thay đổi cuộc đời mình mãi mãi và đó là X Men", tiến sĩ Scarlet kể. "Những nhân vật hư cấu trong phim bị thành kiến bởi đột biến gene khiến họ trở nên đặc biệt".
Không chỉ tìm thấy điểm chung giữa mình và các dị nhân, tiến sĩ Scarlet nhận ra những câu chuyện siêu anh hùng tương tự có thể giúp mọi người tìm thấy sự tự tin nên quyết định đưa văn hóa đại chúng vào biện pháp trị liệu. Bệnh nhân nhỏ nhất của cô cho tới thời điểm hiện tại là một cậu bé 8 tuổi. Để vượt qua nỗi buồn mất chuột lang cưng, em giả vờ là Batman.
"Nhờ sử dụng liệu pháp siêu anh hùng trên khắp thế giới, tôi phát hiện ra các câu chuyện này kết nối con người mà kết nối rất cần thiết cho sự tồn tại", tiến sĩ Scarlet nhận định.
Một nghiên cứu năm 2016 do Rachel White từ Đại học Hamilton và Stephanie Carlson từ Đại học Michigan dẫn đầu với tựa đề "Hiệu ứng Batman" chứng minh thêm sức mạnh của các siêu anh hùng. Cụ thể, trẻ có khả năng kiên trì thực hiện các nhiệm vụ khó tốt hơn khi chúng tưởng tượng bản thân là các nhân vật siêu anh hùng ưa thích.
Tất nhiên, không phải lúc nào các siêu anh hùng cũng được ca ngợi. Từ thập niên 1950, nhiều bố mẹ Mỹ đã lo rằng truyện tranh siêu anh hùng khiến trẻ trở nên hư hỏng, quậy phá. Gần đây hơn, vào năm 2017, nghiên cứu do nhà tâm lý Sarah Coyne từ Đại học Brigham Young thục hiện trên 240 trẻ mẫu giáo cho thấy có mối quan hệ giữa sở thích đọc truyện tranh siêu anh hùng và sự hung hăng.
Tiến sĩ Woolley và tiến sĩ Scarlet không đồng tình với kết quả nghiên cứu trên. "Tôi không biết họ đánh giá mức độ hung hăng ban đầu của trẻ như thế nào. Hơn nữa, những đứa trẻ hiếu chiến bẩm sinh cũng thường bị hấp dẫn bởi các chương trình tivi có yếu tố bạo lực", tiến sĩ Woolley phân tích. Bà cho biết thêm các nghiên cứu về tác động của ảnh bạo lực vẫn còn gây tranh cãi.
Tiến sĩ Scarlet bổ sung rằng trong nhiều nghiên cứu, trẻ em chỉ được xem một đoạn phim ngắn chứ không xem toàn bộ tác phẩm. "Tôi tự hỏi kết quả sẽ ra sao nếu trẻ hiểu được vì sao các nhân vật phải chiến đấu", chuyên gia nói.
Từ lúc con gái mới học đi, Megan đã giới thiệu bản phác thảo Đội trưởng Mỹ treo ở phòng khách cho bé. Giờ đây, mỗi khi nhìn thấy siêu anh hùng trên áo hay giầy của các em nhỏ hơn, con gái Megan lại reo lên, như thể bắt gặp sao băng trên bầu trời đêm.
Buổi sáng tháng 3 đó, con gái Megan cuối cùng cũng chịu tham gia lớp học trực tuyến, sau khi đội mũ Đội trưởng Mỹ. Cô bé ngồi trước màn hình máy tính với sự tự tin và nụ cười của một đứa trẻ được tiếp thêm sức mạnh nhờ tư duy nhiệm màu.
Thu Nguyệt (Theo New York Times)