Ý kiến này được ông Nguyễn Hữu Hưng, Phó giám đốc Sở Y tế TP HCM nói tại cuộc họp báo thông tin về tình hình dịch trên địa bàn, chiều 14/6. Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh trưa nay toàn thành phố phải giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 thêm 2 tuần để chống dịch.
Theo ông Hưng, trong 2 tuần vừa qua, TP HCM cơ bản đã khống chế được các chuỗi lây nhiễm, đặc biệt là chuỗi lây liên quan điểm nhóm Hội thánh truyền giáo Phục Hưng. Tuy nhiên, gần đây xuất hiện một số chuỗi lây chưa rõ nguồn. Vì vậy, thời gian giãn cách tiếp theo để lực lượng chức năng khoanh vùng, truy vết, giải quyết dứt điểm các ổ dịch.
Để tận dụng tốt nhất thời gian giãn cách sắp tới, ông Hưng đề nghị người dân thành phố hợp tác với ngành y tế, chính quyền địa phương. Người dân cần tiếp tục thực hiện biện pháp 5K; liên quan các ca bệnh liên hệ cơ sở y tế để được hướng dẫn. "Nếu chưa thật sự cần thiết, thời gian này người dân hạn chế đến cơ sở y tế nhằm tránh nguy cơ, ảnh hưởng việc phòng, chống dịch", ông Hưng nói.
Đối với những công ty sản xuất trong môi trường kín, ông Hưng đề nghị phải chú ý việc đảm bảo phòng chống dịch nghiêm ngặt, phải có phương án dự phòng xử lý khi xuất hiện ca nhiễm, nghi nhiễm trong đơn vị. Ngoài ra, người dân nên hạn chế sinh hoạt, tiếp xúc người khác, chỉ nên tiếp xúc với người trong nhà; trường hợp phải đi lại cần khai báo cơ quan y tế.
Liên quan thời gian giãn cách, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP HCM (HCDC) Nguyễn Trí Dũng nói rằng không chuyên gia nào có thể khẳng định 2 tuần hay bao lâu sẽ dập được dịch. Tuy nhiên, mầm bệnh đang âm thầm len lỏi trong cộng đồng nên biện pháp giãn cách rất cần thiết. Dịch bệnh sẽ có cơ hội bùng phát khi gia tăng tiếp xúc, hội họp, ăn uống, vui chơi...
Lý giải thành phố quyết định giãn cách thêm 2 tuần, ông Dũng cho biết thế giới quy định thời gian ủ bệnh của virus nCoV là 14 ngày. Đây là thời gian tối đa để một chu kỳ virus có thể nhân lên và phát triển, tức là lây từ người này qua người khác. Vì vậy, nếu không có cơ hội tiếp xúc hoặc giãn cách qua 14 ngày thì cơ hội virus lây lan là rất thấp.
"Lãnh đạo thành phố không khẳng định 2 tuần sẽ kết thúc giãn cách mà mỗi tuần sẽ đánh giá để quyết định tăng giảm cấp độ giãn cách hay giữ nguyên theo từng khu vực", ông Dũng nói.
Liên quan lấy mẫu xét nghiệm diện rộng để tầm soát, ông Dũng cho biết sau khi kết thúc kỳ nghỉ lễ đầu tháng 5, đánh giá có nguy cơ nên ngành y tế đã lấy mẫu ngẫu nhiên ở nhiều khu vực như sân bay, khu công nghiệp. Đến khi xuất hiện ổ dịch ở Hội thánh truyền giáo Phục hưng, ngành y tế đã lấy mẫu diện rộng ở Gò Vấp, hiện lấy mẫu quy mô lớn ở Hóc Môn với các chợ truyền thống, khu dân cư.
"Việc mở rộng tầm soát toàn thành phố với 13-14 triệu là không đơn giản, nếu không muốn nói khó có thể làm nổi. Vì vậy, ngành y tế xác định những vị trí nhiều nguy cơ để lấy mẫu, đánh trúng mục tiêu", ông Dũng nói.
Về các giải pháp mạnh trong 2 tuần tới nhằm kiểm soát dịch, đại diện Sở Y tế cho biết hôm qua, Giám đốc Sở Y tế yêu cầu trong vòng 2 giờ sau khi xác định F0 phải truy cho được những trường hợp tiếp xúc để lấy mẫu, đưa đi cách ly tập trung; trong 6-10 giờ phải gửi mẫu về phòng xét nghiệm. Thành phố tiếp tục triển khai biện pháp cũ là khoanh vùng, truy vết và củng cố, xây dựng "hàng rào" bảo vệ vững chắc các cơ sở khám chữa bệnh, không để dịch xâm nhập.
Đến tối 14/6, TP HCM ghi nhận tổng cộng 871 ca nhiễm trong đợt dịch bùng phát thứ tư, xếp sau Bắc Giang (4.166 ca), Bắc Ninh (1.360 ca). Hiện, thành phố còn nhiều ổ dịch chưa rõ nguồn lây như: Củ Chi - xưởng cơ khí Hóc Môn (49 ca); chung cư Ehome, quận Bình Tân và Khu dân cư ở phường 16, quận 8 và xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh (47 ca); đường số 11, phường Hiệp Bình Phước, TP Thủ Đức (6 ca); ấp Tân Thới 2, huyện Hóc Môn (22 ca).
Hữu Công