Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo, giai đoạn 2018-2023, thành phố cần 1.129 giáo viên tiếng Anh, nhưng tuyển được 841 người, tức 75% nhu cầu. Với môn Tin học, tình trạng khó khăn hơn. 140 người được tuyển mới dù có hơn 500 chỉ tiêu, tỷ lệ đáp ứng là 28%.
"Hai môn này đặc biệt khó tuyển, có thời điểm không ai nộp hồ sơ", một lãnh đạo Sở cho biết.
Sở nhìn nhận nguyên nhân chính là thu nhập của giáo viên thấp hơn nhiều so với thị trường bên ngoài. Nếu mới ra trường, họ chỉ được trả hơn 3 triệu đồng một tháng.
"Sinh viên sư phạm Tiếng Anh, Tin học có nhiều lựa chọn việc làm với mức lương tốt hơn so với về trường tiểu học".
Trong khi ngành giáo dục loay hoay tìm cách tuyển người mới thì từ năm học 2020-2021 đến nay, hơn 320 giáo viên Tin học và tiếng Anh cấp 1 bỏ việc.
Sở phân tích ngoài lương thấp, khối lượng, áp lực công việc ngày càng lớn.
Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, giáo viên tiểu học phải dạy ít nhất 23 tiết mỗi tuần. Nhưng với những môn này, giáo viên thường được được phân công đảm nhiệm 12-23 lớp. Do đó, số tiết dạy, số học sinh phải theo dõi, nhận xét tăng lên gấp nhiều lần. Cá biệt, có trường hợp một giáo viên phải nhận xét hơn 800 học sinh mỗi tháng.
Tình trạng thiếu người cũng khiến họ phải gánh thêm công việc để đảm bảo chương trình cho học sinh, trong khi thù lao không tương xứng. Giáo viên hiện được hưởng phụ cấp nếu làm vượt định mức (30.000-200.000 đồng một tiết, tùy thâm niên), nhưng không được quá 200 tiết một năm.
Ví dụ, một trường tiểu học có 30 lớp với một giáo viên Tin học. Họ phải dạy 30 tiết mỗi tuần, trong đó 23 tiết cứng, còn lại được tính là dạy thêm. Như vậy, trong một năm học (35 tuần), số tiết dạy thêm của giáo viên là 245 song chỉ được hưởng thù lao 200 tiết.
"Tình trạng này phổ biến ở nhiều trường tiểu học hiện nay, mỗi môn Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật, Thể dục chỉ có một người dạy", Sở nhận định. Đây cũng là một trong những lý do khiến nhiều người không muốn vào ngành.
Chương trình giáo dục phổ thông 2018 bắt đầu được triển khai trong cả nước từ năm 2020. Trong đó, Tiếng Anh và Tin học trở thành môn bắt buộc từ lớp 3. Chuẩn giáo viên tiểu học cũng được nâng lên, phải tốt nghiệp đại học (4 năm), thay vì cao đẳng (2 năm).
Điều này khiến hàng loạt tỉnh, thành thiếu người dạy. Để khắc phục, năm học vừa qua, TP HCM phải điều động, biệt phái giáo viên Tiếng Anh, Tin học cấp THCS xuống cấp 1.
Hôm 30/5, Sở cho biết đang đề xuất chính sách riêng để thu hút và giữ chân giáo viên ở các môn học này.
Cụ thể, giáo viên được tuyển dụng lần đầu sẽ được hỗ trợ 50 triệu đồng trong năm đầu. Trong đó, chi phí sinh hoạt, nhà ở là 25 triệu đồng, còn lại là phương tiện đi lại (5 triệu), hỗ trợ tự học 5 (triệu) và động viên (15 triệu). Trong hai năm tiếp theo, họ được nhận 40 triệu đồng mỗi năm, giảm còn 30 triệu đồng từ năm thứ ba trở đi. Những giáo viên cũ, có thâm niên 3 năm trở lên cũng được hỗ trợ 30 triệu đồng mỗi năm. Tổng kinh phí hàng năm khoảng 182 tỷ đồng.
Trước đó, TP HCM đã hỗ trợ giáo viên mầm non, với mức cao nhất là ba triệu đồng mỗi tháng. Với giáo viên nói chung, thành phố áp dụng hệ số tăng thu nhập tối đa 1,8 lần hàng tháng từ đầu năm 2023, tương đương 2-6 triệu đồng.
Lệ Nguyễn