Tốt nghiệp tiến sĩ chuyên ngành Lý thuyết dịch và Ngôn ngữ học, tôi được Đại học Southampton (Anh) giữ lại giảng dạy các khóa EAP (English for Academic Purposes) dành cho hệ Dự bị thạc sĩ. Tuy vậy, tôi quyết định về nước. Tất cả là vì chữ "Tâm".
TS Lương Văn Nhân, giảng viên Đại học Kiến trúc Đà Nẵng. Ảnh: NVCC. |
Cuộc chơi của bậc quân tử
Nhiều bài viết trên các diễn đàn gọi tất cả người đi học nước ngoài là du học sinh và quẩn quanh câu hỏi về hay ở sau khi tốt nghiệp. Tuy nhiên, cần phân biệt rõ các du học sinh ấy đi học theo nguồn nào. Nếu được tự túc kinh phí từ gia đình thì việc về hay ở là quyền cá nhân của mỗi người, bởi lẽ sự đầu tư không nhỏ đó cần là tiền đề cho những phát triển có lợi nhuận về cả vật chất lẫn phi vật chất.
Tuy nhiên, nếu du học bằng ngân sách nhà nước hoặc từ đề án đào tạo cán bộ trình độ cao của các tỉnh thành thì việc về nước sau khi tốt nghiệp đã có quy định và cam kết hẳn hoi. Thế nên chuyện cố tình trốn ở lại nước ngoài rõ ràng là hành động thiếu "fair-play" và không phải của đấng quân tử. Bởi lẽ với việc được đầu tư lên đến tiền tỷ (thường là 3-4 tỷ cho một nghiên cứu sinh để xong PhD - bằng tiến sĩ) thì lương tâm sẽ chẳng bao giờ yên ổn nếu phá vỡ điều mà cha ông ta đã dạy: Uống nước nhớ nguồn - ăn quả nhớ kẻ trồng cây.
Về thôi
Tôi cũng như bao du học sinh khác, trăn trở mãi chuyện về hay ở. Rồi tôi hối thúc bản thân về mau vì: Đất nước cần một trái tim, bởi còn đó quá nhiều trẻ em đi học mà thiếu thốn trăm bề, dân còn đói nghèo và sự đổi mới cần chung tay của các nhân tài. Nếu đi hết, ở lại nước ngoài hết thì 100 năm nữa nền giáo dục Việt Nam vẫn vậy, đất nước vẫn không thể đi lên.
Tôi hối thúc bản thân trở về vì kiếp người chỉ có một, bởi ta không phải là cao tăng đắc đạo để thấu chiếu được tiền kiếp và hậu duyên, nên chỉ có duy nhất kiếp này để sống với cha mẹ, bà con, anh em và bạn bè. Nếu ở lại nước ngoài, số lần gặp cha mẹ, người thân chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Lỡ khi trái gió trở trời, sống chết mong manh, có làm ra tiền tỷ, nhà cao cửa rộng, con cái nói tiếng Anh như gió, quốc tịch Anh, Mỹ hay Australia đi chăng nữa… cũng không mang cha mẹ về lại được bên mình.
Đối đãi với du học sinh
Tôi vừa về nước được hơn 2 tháng và quay trở lại công tác tại cơ quan cũ - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng, nơi đã tạo điều kiện tối đa cho tôi đi làm nghiên cứu sinh. Nhiều bỡ ngỡ ngày về bởi cách làm việc khác hẳn lúc tôi dạy ở Anh. Tôi cũng bị sốc vì trình độ sinh viên yếu hơn mình tưởng tượng. Dẫu bản thân đã sẵn sàng tâm lý, nhưng thực sự cái cảm giác lạc lõng và không phù hợp chiếm trọn mọi suy nghĩ.
Dù vậy, Đại học Kiến trúc Đà Nẵng đã rất tâm lý khi tạo điều kiện cho tôi từng bước hòa nhập trở lại. Mọi ý kiến đóng góp của tôi đều được đón nhận: cái nào khả thi thì cho triển khai ngay, cái nào chưa hợp với thực tế và điều kiện của nhà trường thì từng bước tiến hành. Bên cạnh đó, ban giám hiệu (gồm Chủ tịch hội đồng quản trị, hiệu phó, trưởng phó phòng Tổ chức nhân sự) có những buổi nói chuyện thân mật, cho phép tôi bày tỏ nguyện vọng và sẵn sàng để tôi ra đi (không cần đền bù) nếu có nơi nào tốt hơn.
Ở đây, tôi có tất cả: gần gia đình, cơ hội thể hiện năng lực, được công nhận, sống giữa tình cảm đồng nghiệp, thầy trò. Tôi thấy ấm lòng và cảm kích trước sự đối đãi hết sức nhân văn ấy mà tin chắc rằng khó có nơi nào ở Việt Nam có một cơ chế và môi trường tương tự.
Nhìn nhận 2 chiều
Như vậy, cách các cơ quan quản lý ở Việt Nam đối xử với du học sinh về nước là hết sức quan trọng. Hãy trao cho họ cơ hội thể hiện năng lực, lắng nghe những đề xuất đóng góp của họ bởi với việc được đào tạo bài bản và sinh sống lâu năm ở các nước phát triển, các du học sinh sẽ có nhiều ý tưởng đột phá.
Đối với du học sinh về nước, tôi hiểu rất rõ khó khăn mọi người gặp phải. Tuy nhiên, chúng ta không nên (mà cũng là không thể) đòi hỏi một sự ngang tầm giữa Việt Nam và các nước phương Tây. Lý do đơn giản là thực tế nước ta còn nghèo nên cần các bạn chung tay xây dựng. Bên cạnh đó, tuy có tư duy cách tân tiến bộ, nhược điểm của đa phần chúng ta là còn trẻ tuổi nên chưa có kinh nghiệm quản lý tầm vĩ mô. Thế nên, tôi khuyên các bạn cần điềm tĩnh, học hỏi anh chị đi trước trong cơ quan để hiểu rõ hơn về thực tiễn. Tôi luôn nhắc nhủ bản thân "dục tốc bất đạt" và "thời thế tạo anh hùng".
Kết
Du học sinh, tôi tin rằng, ai cũng yêu nước, muốn đóng góp xây dựng quê hương. Chấp nhận từ bỏ cơ hội ở nước ngoài để về là đã không đặt nặng chuyện tiền bạc. Thế nên, các cơ quan quản lý hãy làm việc như Đại học Kiến trúc Đà Nẵng với cái tâm và sự nhân văn, tạo điều kiện cho du học sinh có cơ hội phát huy tối đa năng lực. Được như vậy, tôi tin chắc rằng họ sẽ hết lòng phục vụ và cống hiến.
Lương Văn Nhân
Giảng viên Khoa Ngoại Ngữ - Đại học Kiến trúc Đà Nẵng