Tòa tối cao liên bang Mỹ hiện có 9 ghế thẩm phán gồm một chánh án và 8 thẩm phán, nhưng trước đó không phải luôn như vậy. Trong 80 năm hoạt động đầu tiên, số ghế thẩm phán đã dao động từ 5 tới 10 ghế do sự mở rộng của lãnh thổ nước Mỹ hoặc ý đồ của hai đảng Cộng hòa và Dân chủ.
Hiến pháp Mỹ không đặt ra yêu cầu cụ thể về độ tuổi, kinh nghiệm, quốc tịch, hay số lượng của thẩm phán tối cao. Thay vào đó, quyền quyết định thuộc về Quốc hội và Tổng thống. Năm 1789, Đạo luật Tư pháp 1789 được Quốc hội đầu tiên thông qua và được Tổng thống George Washington ký ban hành, đặt ra quy định có 6 thẩm phán của tòa tối cao.
Theo đạo luật trên, tòa tối cao là cấp cao nhất trong hệ thống tòa liên bang. Cấp thấp nhất là tòa sơ thẩm được đặt ở từng bang với thẩm phán riêng. Các tòa sơ thẩm lại được tổ chức thành ba khu vực địa lý, mỗi vùng thuộc thẩm quyền của một tòa phúc thẩm khu vực. Cấp tòa phúc thẩm khu vực không có thẩm phán riêng mà do hai thẩm phán tối cao cùng một thẩm phán sơ thẩm phụ trách.
Tới năm 1801, trước khi hết nhiệm kỳ, Tổng thống John Adams và Quốc hội thông qua Đạo luật Tư pháp 1801 để giảm số thẩm phán tối cao từ 6 xuống 5. Việc này nhằm mục đích giới hạn quyền đề cử thẩm phán tối cao của tổng thống kế nhiệm.
Tuy nhiên, khi trở thành tổng thống kế nhiệm, Thomas Jefferson đã bãi bỏ Đạo luật Tư pháp 1801, khiến số thẩm phán tối cao trở lại thành 6. Tới năm 1807, số ghế thẩm phán tối cao tăng thành 7 để phụ trách thêm tòa phúc thẩm khu vực số 7 mới thành lập.
30 năm sau, năm 1837, trước việc có 8 bang mới gia nhập liên bang, Quốc hội và Tổng thống Andrew Jackson lập thêm hai tòa phúc thẩm khu vực để phụ trách vùng lãnh thổ mới và tương ứng là tăng thêm hai ghế thẩm phán tối cao, nâng tổng số lên 9 thẩm phán. Do bối cảnh chính trị và lịch sử, trong liên tiếp ba năm 1863-1866-1869, số ghế thẩm phán tối cao tăng lên 10, giảm xuống 7, rồi trở về còn 9 ghế.
Trong các lần sửa đổi luật sau năm 1869, số ghế thẩm phán không thay đổi. Dù vậy, không phải tất cả mọi người đều từ bỏ ý định thay đổi số ghế thẩm phán tối cao. Nổi tiếng nhất là vào cuối những năm 1930, Tổng thống Franklin Roosevelt bực bội vì các đạo luật mình ủng hộ bị tòa tối cao bác bỏ nên muốn tăng số ghế thẩm phán tòa tối cao lên thành 15.
Ý tưởng của ông không được đón nhận và được mô tả là "nhồi nhét tòa án", cụm từ chỉ việc cố gắng xoay chuyển tòa án theo hướng có lợi bằng cách tạo thêm ghế thẩm phán và bổ nhiệm những người có thể đồng ý với chính sách của mình. Dự thảo cải cách trên cuối cùng bị hủy bỏ.
Với thẩm phán và luật sư tại Mỹ, không có công việc pháp lý nào đem lại uy danh hơn vị trí thẩm phán tòa tối cao liên bang. 9 thẩm phán của tòa tối cao đều do Tổng thống đề cử và Thượng viện phê chuẩn.
Hàng năm, 9 thẩm phán sẽ cùng bỏ phiếu và ra quyết định về các vấn đề pháp lý quan trọng trong nước. Phán quyết của tòa tối cao trở thành án lệ có tính cột mốc và ràng buộc với quyết định của tòa cấp dưới.
Ví dụ, năm 1965, tòa tối cao từng ra phán quyết trong sự việc của Ernersto Miranda, từ đó hình thành quyền im lặng và "cảnh báo Miranda". Năm 2015, tòa tối cao từng bỏ phiếu để hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới tại mọi bang ở Mỹ.
Thẩm phán tòa tối cao có nhiệm kỳ suốt đời nên được tự do ra quyết định mà không sợ bị mất chức. Năm 2018, mức lương bình quân năm của thẩm phán tòa tối cao là 255.300 USD, trong khi thu nhập của chánh án tòa tối cao là 267.000 USD. Khi nghỉ hưu, thẩm phán tòa tối cao được hưởng trợ cấp hưu trí trọn đời bằng mức lương cao nhất khi còn tại vị nếu thỏa mãn một số điều kiện nhất định.
Quốc Đạt (Theo National Geographic, Constitution Center)