Sau ba giờ công bố bản án sơ thẩm, trưa 24/3, số phận pháp lý của 26 bị cáo trong vụ án lừa đảo gây thiệt hại 433 tỷ đồng được TAND Hà Nội ấn định. Chủ mưu Nguyễn Thị Hà Thành bị phạt tù chung thân, mức án cao nhất, do là chủ mưu, hưởng toàn bộ lợi ích.
Trong vai trò đồng phạm, 17 cựu cán bộ VietAbank, PVcombank và NCB bị phạt từ 2 năm tù treo đến 18 năm tù.
HĐXX đánh giá, Hà Thành, 39 tuổi, được 17 cựu cán bộ ngân hàng tiếp tay trong việc lập các sổ tiết kiệm đồng sở hữu với nhiều đại gia, hứa trả lãi suất cao. Thành sau đó giả mạo chữ ký của đại gia để cầm cố sổ, vay tiền ba ngân hàng VietAbank, PVcombank và NCB.
Sau 4 năm 3 tháng, từ khi "siêu lừa" Hà Thành bị bắt, vụ án được xét xử. Hàng trăm tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm của 8 đại gia liên quan vụ án được xếp vào hai "số phận" đối ngược: được toà tuyên buộc ngân hàng trả lại cho chủ, hoặc tiếp tục giao ba ngân hàng tạm quản lý để đảm bảo thi hành án.
Sự khác biệt trên phụ thuộc vào yếu tố then chốt: Các đại gia có hay không quan hệ vay nợ với Hà Thành.
Các sổ tiết kiệm toà tuyên ba ngân hàng được tiếp tục tạm quản lý là 122 tỷ đồng đứng tên vợ chồng đại gia Đặng Nghĩa Toàn cùng hàng chục tỷ đồng của 4 đại gia đứng tên đồng sở hữu với Thành.
Phân tích phán quyết này, toà giải thích từ lời khai của Thành và ông Đặng Nghĩa Toàn về đứng tên đồng sở hữu sổ tiết kiệm, đưa sổ cho Thành quản lý vì "ham tiền thưởng hứa hẹn" có cơ sở xác định "số tiền ông Toàn đứng tên tại NCB, PVCombank và VietAbank là tiền ông cho Thành vay".
Số tiền Thành đứng tên sổ tiết kiệm đồng sở hữu với 3 đại gia tại VietAbank cũng là "khoản vay của những người này".
"Đây là mối quan hệ vay mượn riêng, không có cơ sở cho rằng ông Toàn đã gửi tiết kiệm rồi đưa sổ cho Thành để lấy tiền hoa hồng hoặc những người đồng sở hữu nói đến ngân hàng gửi sở hữu sổ đồng tiết kiệm với Thành để lấy lãi suất cao", bản án nêu.
Ngoài ra, lời khai của bị cáo Thu Hương (cựu Trưởng bộ phận khách hàng Phòng giao dịch Đông Đô, VietAbank, bị phạt 18 năm tù) cho thấy cô không biết những đại gia này, cũng không giới thiệu họ cho Thành. Họ đều do Thành dẫn đến, giới thiệu với Hương "đây là những người cho vay, dưới hình thức chủ đồng sở hữu".
Thành khai thỏa thuận với đại gia này mức lãi suất 15%/6 tháng, tương đương 2,5%/tháng. Các đại gia khai mục đích gửi tiền đồng sở hữu với Thành để lấy lãi suất cao hơn bình thường, vì tiền gửi càng cao, lãi suất càng lớn. Họ khai góp tiền cùng Hà Thành để hưởng lãi suất 7,8%/năm, dành cho sổ tiết kiệm trên 10 tỷ đồng.
Nội dung khai báo này bị HĐXX tuyên là "không có căn cứ" với phân tích. Theo thông báo của VietAbank, các khoản tiền này vào thời điểm năm 2018, với kiểu tiết kiệm truyền thống kỳ hạn 6 tháng, lĩnh lãi cuối kỳ, gửi từ 100 triệu đồng trở lên đều lãi suất 7,1%/năm, không phân biệt một tỷ, 5 tỷ hay 20 tỷ đồng.
"Do đó lời khai của những đại gia này về việc gửi tiền đồng sở hữu với Thành để hưởng lãi cao là không có căn cứ", bản án nhận định.
Ngoài ra, một nữ đại gia trong số này đang bị cơ quan công an tách hồ sơ, điều tra trong vụ án cho vay lãi nặng. Số tiền bà cho Thành vay 19,5 tỷ đồng, hiện là chứng cứ trong vụ án đang điều tra.
Toà đánh giá, bản chất việc gửi tiền vào ngân hàng của các đại gia là để ngân hàng thực hiện nghĩa vụ thay Thành, khi cô ta không trả được nợ. Do vậy, đây là hợp đồng giả cách che giấu quan hệ vay nợ giữa các đại gia và Thành.
Toà buộc Hà Thành bồi thường cho ba ngân hàng NCB, VietAbank và PVcombank lần lượt 47,5 tỷ đồng, 274 tỷ đồng và 50 tỷ đồng.
Đồng thời, 122 tỷ đồng trong các sổ tiết kiệm đứng tên ông Toàn và hàng chục tỷ đồng 4 đại gia đồng sở hữu với Thành bị toà tuyên giữ lại để đảm bảo thi hành án. Toàn bộ số tiền này sẽ được ba ngân hàng tạm giữ, quản lý đến khi Cục Thi hành án dân sự thi hành xong phần nghĩa vụ dân sự của Thành với các ngân hàng này.
Dù không được trả lại tiền, các đại gia này đều được toà dành quyền khởi kiện trong một vụ kiện dân sự khác, quanh số tiền được xác định có quan hệ vay nợ với siêu lừa Hà Thành.
Ba đại gia còn lại được toà tuyên buộc VietAbank trả lại tiền, không phong toả sổ tiết kiệm, với lý do số tiền họ đồng sở hữu với Thành không phải quan hệ vay nợ. VietAbank vì thế có nghĩa vụ trả lại cho hai người 35 tỷ đồng, kèm lãi suất.
Số tiền Hà Thành đã góp trong các sổ tiết kiệm đồng sở hữu này, cũng được toà tuyên giữ lại, giao VietAbank tạm quản lý để đảm bảo trách nhiệm thi hành án dân sự với VietAbank.
Với khách hàng còn lại, đang bị VietAbank phong toả tiền tại số tài khoản và 5 sổ tiết kiệm, toà xác định số tiền ông tại VietAbank không liên quan hành vi phạm tội. HĐXX do đó buộc VietAbank không phong toả số tiền này của ông.
VietAbank còn có nghĩa vụ trả tiền cả gốc và lãi trên khi ông có yêu cầu. "Nếu VietAbank không thực hiện, khách hàng này có quyền khởi kiện VietAbank tại vụ án dân sự khác", bản án nêu.
Khách VIP này được xác định không quen biết Hà Thành. Song bị cáo Quỳnh Hương (cựu trưởng phòng khách hàng cá nhân, Phòng giao dịch Đông Đô, VietAbank) giới thiệu với ông rằng Hà Thành đang đầu tư nhiều dự án lớn, đề nghị cho Hà Thành vay 25 tỷ đồng để chứng minh năng lực tài chính.
Đại gia này tin tưởng Hương, muốn mở rộng quan hệ với Hà Thành để sau này Thành giúp mua nhà đất ưu đãi nên đồng ý. "Hương hứa chỉ vay trong 2 giờ. Tôi tưởng nếu mượn sổ tiết kiệm để chứng minh tài chính thì tiền vẫn nguyên trong đó nên yên tâm", ông trình bày tại toà hôm 12/3.
Mối quan hệ này được toà đánh giá không thuộc diện "vay mượn riêng" nhằm tạo hợp đồng giả cách nên "không liên quan hành vi phạm tội". Tiền của ông do đó được HĐXX tuyên như trên.
Ngoài các phán quyết dân sự liên quan hành vi lừa đảo, các khoản tiền liên quan tội Cho vay lãi nặng cũng được toà tuyên buộc truy thu từ các bị cáo phạm tội này, tổng cộng hơn 41,3 tỷ đồng, sung công quỹ.
Trả lời VnExpress sau buổi tuyên án, đại diện PVcombank cho rằng, dù phán quyết về phần trách nhiệm dân sự của PVcomBank không như đề nghị của họ, song ngân hàng cam kết tuân thủ nội dung bản án. "Toàn bộ số tiền HĐXX tuyên về việc PVcomBank được tạm giữ, chúng tôi sẽ thực hiện việc quản lý phù hợp với phán quyết và bảo đảm tuyệt đối quyền lợi của khách hàng", phía ngân hàng cho hay.
Trong vòng 15 ngày từ khi toà tuyên án, nếu không đồng ý với bản án sơ thẩm trên, 26 bị cáo và các bên liên quan đều có quyền kháng cáo.
Theo cáo buộc của VKSND Hà Nội, từ năm 2016, để có tiền kinh doanh, Thành dùng nhiều thủ đoạn để huy động tiền từ các tổ chức, cá nhân. Không có tài sản đảm bảo, Thành cùng Nguyễn Thanh Tùng sử dụng Công ty Jeongho để lập khống hồ sơ năng lực phục vụ vay tiền. Thành sau đó cầm sổ tiết kiệm của người cho vay làm tài sản đảm bảo và giả chữ ký để làm thủ tục vay tiền ngân hàng.
Thành còn vay tiền của một số người khác bằng hình thức cùng gửi tiết kiệm đồng sở hữu vào ngân hàng. Bị can này sau đó thoả thuận với nhân viên ngân hàng về việc phát hành thêm hợp đồng tiền gửi, bên cạnh sổ tiết kiệm. Với hợp đồng tiền gửi, Thành đưa cho người đồng sử hữu, còn mình dùng sổ tiết kiệm làm tài sản đảm bảo để đáo hạn ngân hàng.
Từ tháng 6/2018 đến 11/2018, Thành mất khả năng thanh toán các khoản nợ nên cùng một số người nhiều lần dùng thủ đoạn gian dối để chiếm đoạt tiền của ba ngân hàng và các cá nhân. Để Thành thực hiện thành việc này, VKS xác định đã có "sự giúp sức của các nhân viên ngân hàng".
Thanh Lam