Từ đầu năm đến nay, người nuôi heo từ Đồng Nai tới các tỉnh phía Bắc "khóc ròng" vì giá heo hơi bán tại chuồng, trại xuống thấp kỷ lục, chỉ còn khoảng 23.000-25.000 đồng một kg, giảm gần 50% so với trước khiến người nuôi lỗ nặng.
Ông Lê Hữu Thành (ngụ xã Quang Trung, huyện Thống Nhất) cho biết, để nuôi một con heo đạt 100kg phải mất hơn 3 tháng, trong khi chi phí mua giống, thức ăn, thuốc thú y… tốn trên 3 triệu đồng. Với mức giá hiện nay, cứ một con heo bán ra ông chịu lỗ 1-1,5 triệu đồng. "Cứ ngỡ giá heo sút giảm thời gian ngắn rồi quay đầu tăng lại nhưng tới nay dường như không có thay đổi gì khiến trang trại lỗ ngày càng tăng. Điều đáng nói, chúng tôi bán ra với giá rẻ nhưng lại phải mua thịt heo ngoài chợ với giá cao", ông Thành bộc bạch.
Cũng bức xúc, ông Trinh, hộ chăn nuôi ở huyện Thống Nhất (Đồng Nai) cho rằng, người nông dân đang gặp phải nhiều khó khăn khi mà khâu phân phối thu mua chưa được minh bạch. Bởi lẽ, các công ty thường yêu cầu thu mua heo chất lượng với tỷ lệ 75% thịt nạc. Nếu đánh đồng heo của nông hộ chỉ đáp ứng được 60% thịt nạc trên mỗi con (khoảng 100kg), với giá 27.000 đồng một kg, như vậy người mua chỉ tốn khoảng 1,62 triệu đồng là được sử dụng 60% thịt nạc này. Trong khi đó, giá bán ra tại chợ cao gấp nhiều lần với lý giải chi phí vận chuyển cao.
Khảo sát tại chợ và các cửa hàng thực phẩm tại TP HCM cho thấy, giá thịt heo vẫn cao ngất ngưởng.
Tại chợ, thịt ba chỉ ở mức 100.000 đồng một kg, sườn non 130.000 đồng, thịt mông 90.000 đồng… Trong khi đó, tại các cửa hàng thực phẩm, điển hình như Vissan, giá thịt heo cao hơn chợ 10.000-30.000 đồng một kg. Cụ thể, như thịt ba chỉ lên tới 120.000 đồng một kg, sườn non 160.000 đồng. Như vậy, giá thịt heo từ hộ nuôi tới tay người tiêu dùng tăng 4-5 lần.
Khi hỏi về nguyên nhân giá heo hơi giảm nhưng thịt ngoài chợ vẫn cao ngất ngưởng, chị Hạnh, tiểu thương chợ An Bình (quận 5) cho rằng, đủ các loại chi phí từ vận chuyển đến xăng dầu, nhân công tăng… nên thịt heo chỉ có điều chỉnh tăng chứ ít khi giảm. Mặt khác, khi lấy ở các lò mổ, giá thịt cũng chỉ giảm 3.000-5.000 đồng một kg nên khó có thể điều chỉnh xuống.
Trong khi đó, đại diện của Vissan lại lý giải là do thịt heo của công ty chất lượng, thịt sạch nên giá thường cao hơn chợ. Bên cạnh đó, thỉnh thoảng công ty cũng thực hiện nhiều chương trình khuyến mại để giảm giá cho người tiêu dùng. Mặt khác, loại heo mà công ty giết mổ thường đạt chuẩn 100kg, chứ không phải loại quá lứa 120kg như trên thị trường.
Trước đó, bà Nguyễn Hồng Thắm, Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ An Hạ cũng lý giải rằng, vì bao tiêu cho người nông dân nên giá thu mua của công ty vẫn ở mức 37.000-39.000 đồng một ký heo hơi nên giá bán trên thị trường không thể giảm thêm. Mặt khác, theo bà, giá heo hơi giảm hai thì heo thành phẩm chỉ giảm một, vì 100kg heo hơi mới được 60-70 kg thịt thành phẩm.
Là đơn vị thu mua heo trực tiếp của nông dân và giết mổ phân phối heo thịt đến các chợ, ông Nguyễn Quang Thọ, Giám đốc Công ty Thy Thọ cho biết, giá heo mua tại trang trại là 23.000-25.000 đồng một kg với heo mỡ, còn heo đạt chuẩn là 29.000 đồng một kg. Chi phí vận chuyển một xe heo khoảng 10 con với khoảng cách 20-30km có giá 400.000 đồng một chuyến; chi phí giết mổ 60.000 đồng một con. Trọng lượng heo thu mua từ 90 đến 100 kg một con. Như vậy, mỗi kg thịt heo thành phẩm cao hơn so với heo tại chuồng là 10.000-15.000 đồng. Hiện công ty ông bỏ sỉ thịt heo cho các chợ với giá 40.000-43.000 đồng một kg. Thế nên, ông cho rằng giá thịt heo được đẩy lên cao gấp đôi là bất hợp lý.
“Phần chênh lệch giữa giá bán tại chuồng với giá bán đến tay người tiêu dùng dường như đang chảy vào túi bộ phận trung gian, nhất là người bán lẻ và thương lái”, ông Thọ nói.
Không cho rằng lợi nhuận chênh lệch chỉ “chảy” vào túi thương lái, ông Nguyễn Văn Quang - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai cho biết, có tới 3 nhóm đang hưởng lợi. Cụ thể là thương lái, đơn vị giết mổ và nhóm buôn bán lẻ.
“Hầu hết giới kinh doanh đều nhắm đến mục tiêu lợi nhuận nên khi đã tăng giá rồi thì rất khó giảm. Trong khi đó, khâu kiểm soát của Nhà nước chưa chặt chẽ nên đây là kẽ hở cho các đơn vị kinh doanh thu lợi nhuận”, ông Quang nói và cho biết thêm, việc các nhóm kinh doanh đổ lỗi cho chi phí vận chuyển và phí kiểm dịch là không đúng. Bởi lẽ, Luật Thú y đã quy định tiêu thụ phạm vi trong tỉnh không thực hiện kiểm dịch nữa và các đơn vị kinh doanh hầu như không mất chi phí cho thú y. Nếu trước đây, phí thú y góp phần vào để trả lương cán bộ công nhân viên thì giờ các cơ sở thú y phải xin trợ cấp từ Nhà nước nên doanh nghiệp giảm được khá nhiều gánh nặng.
Ở một khía cạnh khác, ông Quang cho rằng, sự mất cân đối cung cầu, môi trường kinh doanh thiếu kiểm soát là nguyên nhân khiến cho người nông dân gặp thua lỗ như hiện nay. Do vậy, theo ông, Nhà nước cần quy hoạch lại việc chăn nuôi trong dân, mở cửa thị trường tạo đầu ra cho sản phẩm thay vì trông chờ ở thị trường Trung Quốc. Nếu cứ để tình trạng chăn nuôi tràn lan thiếu định hướng như hiện nay thì người nuôi và người tiêu dùng sẽ vẫn chịu thiệt.
Đánh giá về thực trạng trên, một chuyên gia trong ngành ở TP HCM nhận định, sở dĩ giá heo tại trang trại xuống thấp, ngược lại giá bán lẻ cao là do người kinh doanh không muốn giảm mức thu lợi nhuận đang có và họ lạm dụng khâu vận chuyển để làm nguyên nhân giữ giá. Trong khi đó, khâu quản lý kiểm soát từ trang trại tới nơi giết mổ và tiêu thụ thiếu kiểm soát, “mạnh ai nấy làm” dẫn đến thị trường trở nên hỗn loạn.
Do vậy, thời gian tới để khắc phục, theo vị này nên thay đổi quản lý trong chăn nuôi. Cần có biện pháp tạo sự ổn định cung cầu, tích cực cải tạo giống. Ngăn chặn tình trạng nuôi heo và phát sinh lượng heo tràn lan. Với khâu tiêu thụ, cần giảm bớt các khâu trung gian, kiểm soát việc giết mổ, vệ sinh nơi bán… Nếu đơn vị nào vi phạm thì rút giấy phép kinh doanh.
Mới đây, Bộ trưởng Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn - Nguyễn Xuân Cường vừa có văn bản trình Thủ tướng các nhóm giải pháp hỗ trợ ngành chăn nuôi, nhất là nuôi lợn. Sau thời gian phát triển nóng, ngành này đã bộc lộ một số tồn tại, bất cập về thị trường, khiến giá lợn hơi giảm xuống dưới 30.000 đồng một kg, chưa có dấu hiệu dừng lại và gây thua thiệt lớn cho người dân. Đề từng bước ổn định tình trạng trên, Bộ trưởng kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo ngành ngân hàng, tổ chức tín dụng có giải pháp khoanh nợ, giảm nợ cho người chăn nuôi, kinh doanh thức ăn chăn nuôi và thuốc thú y. Bên cạnh đó, lãnh đạo ngành cũng đề nghị các đơn vị có năng lực dự trữ, chế biến và tiêu thụ nhiều thịt như doanh nghiệp, quân đội tăng cường thu mua sản phẩm giết mổ cấp đông đối với thịt lợn, thịt gia cầm trong thời gian tới. |
Thi Hà