Thanh thiếu niên là giai đoạn phát triển trước thời kỳ trưởng thành. Đây là lứa tuổi thường dễ bị tác động về mặt cảm xúc, hay nhạy cảm với các vấn đề của cuộc sống và có nhiều hành vi cư xử kỳ lạ. Trong quá trình phát triển, những đứa trẻ ở lứa tuổi này thường phải đối mặt với nhiều thách thức về mặt cảm xúc và xã hội, như việc bắt đầu cuộc sống tự lập, tham gia một hội nhóm nào đó hay hình thành nhận thức về bản thân.
Tuy nhiên, có những khía cạnh khác của lứa tuổi này mà cho đến nay, không phải bậc phụ huynh nào hay tất cả những người khác đều hiểu được một cách thấu đáo. Một trong số đó là xu hướng xuất hiện và gia tăng cảm giác lo lắng, sợ hãi. Cho tới thời gian gần đây, vấn đề tâm lý mới được coi là nguyên nhân hình thành nên các mối lo lắng hay sợ hãi ở lứa tuổi này.
So với trẻ em và người trưởng thành, tuổi thiếu niên sẽ trải qua cảm giác lo lắng, sợ hãi ở mức độ nhiều hơn và tốn nhiều thời gian hơn để có thể học cách vượt qua những điều đó. Theo các nhà nghiên cứu, đây cũng là lứa tuổi đặc biệt dễ bị tổn thương. Ba mối nguy hiểm hàng đầu đối với chúng là tai nạn, giết người và tự tử.
Tác động của cấu trúc não bộ
Ở não người, các khu vực hay mạch não khác nhau phát triển với tốc độ khác nhau. Hạch hạnh nhân (amygdala) nằm ở trung tâm não bộ, là nơi nơi xử lý các yếu tố gây cảm xúc ở người. Khu vực này thường phát triển sớm hơn so với vùng vỏ não trước trán, cơ quan xử lý các vấn đề lý luận hay kiểm soát. Điều này có nghĩa rằng trong giai đoạn thanh thiếu niên, não bộ dễ bị tác động bởi những nỗi sợ hãi hoặc lo lắng hơn so với khả năng tự điều chỉnh cảm xúc và lý giải vấn đề.
Amygdala là một khu vực nằm sâu bên dưới vỏ não, có chức năng quan trọng trong việc đánh giá và phản ứng với nỗi sợ hãi của con người. Nó sẽ truyền và nhận tín hiệu kết nối đến vỏ não trước trán và cảnh báo các mối nguy hiểm, thậm chí ngay cả trước khi chúng ta có thời gian suy nghĩ về điều đó.
Khi nhận được cảnh báo từ amygdala, vùng vỏ não trước trán sẽ giúp con người kiểm soát cảm xúc và phản ứng trước cảnh báo đó. Tuy nhiên, vì vỏ não trước trán là một trong những vùng phát triển chậm hơn trong não bộ, nên việc điều chỉnh hành vi cảm xúc ở lứa tuổi thanh thiếu niên có thể sẽ không được kiểm soát nhờ bộ phận này.
Theo một nghiên cứu sử dụng kết quả chụp MRI não bộ, các nhà khoa học thuộc Đại học Stanford và Đại học Y khoa Weill Cornell của Mỹ phát hiện ra rằng khi những đứa trẻ biểu hiện nét mặt sợ hãi, phản ứng trong amygdala của chúng sẽ mạnh hơn so với những lứa tuổi khác.
Giáo sư Richard A. Friedman là một chuyên gia về tâm thần học và từng điều trị các chứng rối loạn thần kinh liên quan đến trạng thái lo lắng sợ hãi ở người trưởng thành. Theo ông, gần như tất cả những người này đều có dấu hiệu liên quan đến bệnh lý từ khi còn trẻ. Phần lớn trong số họ đều có một tuổi thơ yên bình, cho đến khi bị ảnh hưởng bởi nỗi sợ hãi khi bước vào lứa tuổi thanh thiếu niên. Đối với nhiều người khác, lo lắng hay sợ hãi xuất hiện một cách khó lý giải.
Các dấu hiệu rối loạn tâm lý và lo lắng không tự phát triển ở hầu hết những người thuộc lứa tuổi này, nhưng họ có thể kiểm soát nỗi sợ hãi nhờ sự phát triển của vỏ não trước trán, thông thường ở độ tuổi khoảng 25. Mặc dù vậy, 20% độ tuổi thanh thiếu niên trải qua vấn đề rối loạn lo âu (có thể chẩn đoán) bị ảnh hưởng từ các nhân tố di truyền và môi trường.
Tất cả chúng ta đều phải trải qua cảm giác lo lắng. Đây là một trong những phản ứng về mặt cảm xúc dễ hiểu trong các tình huống mang tính đe dọa. Dấu hiệu của triệu chứng rối loạn lo âu là sự tồn tại kéo dài của cảm giác lo lắng đó ngay cả khi mối đe dọa không còn.
Các nguyên nhân hay tình huống từng khiến con người sợ hãi trước đây có thể bị lãng quên, khiến con người có cảm giác an toàn. Khi đó, chúng ta có thể đánh giá lại những tình huống này và có biện pháp tránh điều tương tự lặp lại. Tuy nhiên ở những người mắc chứng rối loạn lo âu, đây lại chính là vấn đề của họ.
Một bệnh nhân của ông Friedman từng gặp vấn đề rối loạn sợ hãi khi còn trẻ, sau khi xem một quảng cáo về bệnh suyễn. Kể từ đó, cô luôn có cảm giác lo lắng và hoảng loạn không có lý do. Lớn hơn một chút, cô cảm thấy sợ hãi khi phải tiếp xúc gần với những người vô gia cư và sẽ nín thở khi ở gần họ.
Phương pháp điều trị
Một trong những phương pháp hỗ trợ điều trị chứng rối loạn lo âu phổ biến nhất hiện nay là liệu pháp nhận thức hành vi. Trong phương pháp này, một tác nhân kích thích từng gây đe dọa. Ví dụ, bệnh nhân mắc chứng sợ nhện sẽ được điều trị bằng cách cho tiếp xúc từ từ với nhện trong điều kiện môi trường không gây nguy hiểm. Quá trình điều trị sẽ khiến bệnh nhân đó mất dần chứng sợ nhện.
Tuy nhiên, phương pháp này có thể sẽ không thực sự hiệu quả đối với các trường hợp tổn thương tâm lý nặng nề từ chính hành vi của họ. Nhiều người trong số này sẽ tiếp tục có biểu hiện rối loạn căng thẳng sau tổn thương tâm lý.
Một nghiên cứu với trẻ em và thanh thiếu niên mắc chứng rối loạn lo lắng cho thấy chỉ 55-60% phản ứng tích cực với liệu pháp nhận thức hành vi hoặc thuốc chống trầm cảm, 81% trong số này có dấu hiệu tích cực khi được áp dụng chữa trị bằng cả hai phương pháp. So với trẻ em hay người lớn, liệu pháp nhận thức hành vi có tác động kém hiệu quả đối với độ tuổi thanh thiếu niên.
Việc sử dụng thuốc hoặc chất kích thích có thể làm dịu bớt nỗi lơ sợ, tuy nhiên sẽ khiến những đứa trẻ ở độ tuổi này cảm thấy khó khăn hơn khi phải tự học cách vượt qua nỗi sợ hãi đó, theo logic thông thường trong quá trình phát triển. Nhu cầu sử dụng chất kích thích ngày nay được đánh giá là khá phổ biến đối với những người có biểu hiện rối loạn lo lâu. Tuy nhiên về mặt lý thuyết, những loại chất kích thích này có thể có tác động tiêu cực đến quá trình phát triển tự nhiên của con người.
Theo các nhà nghiên cứu, vai trò của phụ huynh và môi trường xung quanh là những nhân tố quan trọng có thể hạn chế nguy cơ mắc các chứng rối loạn sợ hãi, lo âu của con cái.
Thùy Linh (Theo NY Times)