Nhiều người muốn tránh rét những ngày đông, muốn vừa làm từ xa trong một biệt thự sang trọng vừa ngắm biển hoặc dành thời gian học Muay Thái - môn võ nổi tiếng thế giới.
Dù là yêu cầu nào, Thái Lan cũng có thể đáp ứng.
Điểm đến nổi tiếng ở Đông Nam Á này đã giới thiệu loại thị thực mới, có hiệu lực từ 22/7, với thời hạn 5 năm dành cho dân du mục kỹ thuật số cũng như những khách khác muốn ở lại lâu dài như học Muay Thái, học nấu ăn, chữa bệnh.
Theo tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Thái Lan, Thị thực đích đến Thái Lan (DTV) cho phép những du khách đáp ứng đủ yêu cầu được lưu trú 180 ngày mỗi lần nhập cảnh, nhập cảnh nhiều lần trong 5 năm.
Để được cấp visa, du khách cần chứng minh có ít nhất 500.000 baht (13.800 USD) trong tài khoản, hồ sơ về mục đích chuyến thăm như giấy mời từ trung tâm y tế, công việc đang làm. Thị thực DTV có giá 10.000 baht (278 USD), không cho phép du khách kiếm việc làm tại Thái Lan.
Chính phủ Thái đã mở rộng danh sách miễn thị thực, nâng từ 57 lên 93 quốc gia, vùng lãnh thổ và kéo dài thời gian lưu trú từ 30 lên 60 ngày. Số lượng quốc gia, vùng lãnh thổ được Thái Lan cấp thị thực cửa khẩu tăng từ 19 lên 31.
Số liệu của chính phủ chỉ ra Thái Lan đón 17,5 triệu lượt khách quốc tế nửa đầu năm, tăng 35% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo các chuyên gia, chính sách nới lỏng thị thực không chỉ nhằm mục đích hút thêm khách vì Thái Lan đã luôn dẫn đầu và vượt xa các nước Đông Nam Á về lượng khách đến. Gary Bowerman, người sáng lập công ty nghiên cứu du lịch Check-in Asia, nói vấn đề lớn Thái Lan đang gặp phải là khách tăng nhưng chi tiêu thấp. Do vậy, quốc gia này cần tìm cách tăng thời gian lưu trú, chi tiêu của mỗi khách vì hiện tại, lượng khách quốc tế đến chủ yếu là khách trong khu vực và ở lại ngắn ngày.
Nhiều khách đến, di chuyển xung quanh đất nước rồi rời đi khá nhanh sẽ gây áp lực ngày càng lớn lên cơ sở hạ tầng, sân bay, mạng lưới giao thông. "Vì vậy Thái Lan cần giảm tốc độ rời đi của khách", theo Gary. Đó là lý do chính quyền đang cố gắng thu hút khách lưu trú dài ngày như dân du mục kỹ thuật số. Những người này ở lâu thay vì đến, đi liên tục sẽ ít gây áp lực lên các điểm xuất nhập cảnh, phương tiện giao thông công cộng.
Thái Lan không phải quốc gia duy nhất mong muốn thu hút khách ở lâu. Olivier Ponti, Giám đốc tiếp thị tại công ty dữ liệu du lịch ForwardKeys, cho biết ngày càng nhiều người tìm kiếm cơ hội cho kỳ nghỉ kéo dài hơn bao giờ hết, đặc biệt sau đại dịch. Lượng khách đến khu vực châu Á - Thái Bình Dương vẫn giảm 23% so với năm 2019 nhưng thời gian lưu trú dài từ hai tuần trở lên chỉ thấp hơn 8%.
Các yếu tố khác cũng tác động đến mục tiêu hút khách ở lâu phải kể đến tiếp theo là chất lượng cuộc sống, chi phí sinh hoạt, các hoạt động phát triển bền vững, lợi ích về thuế. Loại thị thực lưu trú mới của Thái Lan có nhiều khả năng thu hút được nhiều khách thích ở lâu.
Hiện tại, tỷ lệ vé có thời gian lưu trú dài, trên 14 đêm, chiếm 25%. Những khách lưu trú thời gian trung bình, 6-13 đêm, chiếm 45%. "Những biện pháp này có thể tăng thêm sức hấp dẫn cho Thái Lan với khách lưu trú dài hạn, tỷ lệ khách ở dài ngày sẽ tăng theo thời gian", Ponti nói.
Anh Minh (Theo CNN)