Ở vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty Cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam – PVC, ngoài hành vi cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng, gây thất thoát 119 tỷ đồng của Tập đoàn dầu khí Việt Nam, ông Trịnh Xuân Thanh còn bị cáo buộc tham ô bốn tỷ đồng. Số tiền này do phó tổng giám đốc PVC Nguyễn Anh Minh đưa thông qua tài xế Nguyễn Đặng Toàn (lái xe của ông Trịnh Xuân Thanh). Khoản tiền này được để trong túi và tài xế của ông Minh đã đưa cho lái xe Toàn chuyển cho sếp Thanh.
Ở vụ án sai phạm xảy ra tại Công ty CP Bất động sản điện lực dầu khí Việt Nam – PVP Land (đang xét xử), ông Trịnh Xuân Thanh bị cáo buộc tham ô 14 tỷ đồng. Theo cáo buộc, sau vụ bán cổ phần tại PVP Land cho Lê Hòa Bình (chủ tịch HĐQT Công ty CP Xây dựng và dịch vụ 1/5), Trịnh Xuân Thanh và các đồng phạm đã tham ô 49 tỷ đồng (khoản chênh lệch giá bán cổ phần). Trong đó, ông Thanh nhận 14 tỷ đồng từ ông Bình.
Theo cáo buộc, người đứng ra nhận 14 tỷ đồng do ông Bình đưa, chuyển tới Trịnh Xuân Thanh là ông Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng). Tuy nhiên, số tiền này ông Thắng không đưa trực tiếp mà nhờ lái xe của mình là Vũ Đức Lưu mang đi. Số tiền được để trong chiếc valy, tài xế Lưu chuyển cho Nguyễn Đặng Toàn (lái xe của ông Trịnh Xuân Thanh).
Cả hai vụ án trên, ông Thanh đều không trực tiếp nhận tiền mà qua tài xế riêng chuyển lại.
Theo ông Ngô Minh Long (Đoàn luật sư Hà Nội), để xác định tài xế đứng ra nhận tiền và chuyển tiền cho ông Thanh có dấu hiệu hình sự không, trước tiên cần phải xem xét hai ông này có dấu hiệu đồng phạm với Trịnh Xuân Thanh hay không?
Khoản 1 Điều 20 Bộ Luật hình sự năm 1999 quy định: "Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm". Trong những người đồng phạm thì có "Người giúp sức": là người tạo những điều kiện tinh thần hoặc vật chất cho việc thực hiện tội phạm" - khoản 2 Điều 20 Bộ Luật hình sự năm 1999.
Hai vụ án này có sự tham gia của tài xế với vai trò giúp ông Thanh nhận số tiền tham ô. Tuy nhiên, luật sư cho rằng, không phải cứ tham gia là đồng phạm, mà người tài xế này phải cố ý cùng thực hiện một tội phạm với ông Thanh, nếu không cùng thực hiện một tội phạm thì không gọi là đồng phạm. Điều đó đồng nghĩa với việc không có cơ sở để truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tài xế của ông Thanh.
Theo ông Long, việc tài xế biết hay không biết trong vali có tiền không phải là điểm mấu chốt để xem xét trách nhiệm của họ mà cần phải làm rõ: Tài xế có biết tiền chuyển cho ông Thanh là từ đâu không? Tài xế có biết mục đích của người chuyển tiền cho ông Thanh là gì không? Ông Thanh có hứa hẹn gì với tài xế về việc nhận tiền hộ không? Tài xế có được hưởng lợi trong việc nhận tiền hộ không?
Nếu việc nhận tiền của tài xế chỉ đơn thuần là: theo yêu cầu của ông chủ (ông Thanh) đối với nhân viên (tài xế) thì không đủ cơ sở để xử lý hình sự đối với tài xế này.
Trong khi đó, cơ quan điều tra xác định, hai tài xế đều không biết đó là tiền gì, nguồn gốc từ đâu, không biết đó là tiền do các bị can phạm tội mà có. Ngoài ra, cả hai tài xế đều không được hưởng lợi ích vật chất, đồng thời có thái độ khai báo thành khẩn, góp phần tích cực giúp cơ quan điều tra làm rõ bản chất vụ án và hành vi phạm tội của các bị can. Cơ quan điều tra đã không khởi tố về hình sự.