Trong kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 ngày 5/3, TP HCM quy định học sinh lớp chuyên không được dự thi môn chuyên đang theo học, chỉ được thi môn khác. Điều này khiến nhiều người thắc mắc và băn khoăn về quyền lợi của học sinh trường chuyên.
Sở Giáo dục và Đào tạo TP HCM cho biết những năm trước, Sở không phân biệt thí sinh chuyên và không chuyên. Tuy nhiên, nhận thấy điều kiện cạnh tranh giữa hai nhóm thí sinh không công bằng nên Sở đã điều chỉnh.
Việc này không ảnh hưởng tới quyền lợi của các em, bởi học sinh chuyên đã được thi đúng môn sở trường ở kỳ thi chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia hồi tháng 10/2023. Thế nên, nếu tiếp tục dự thi kỳ thi học sinh giỏi lớp 12 cấp thành phố, các em phải đăng ký môn khác để công bằng với học sinh hệ đại trà.
"Nhiều học sinh chuyên đã tham gia thi đợt 1 nhưng kết quả không ưng ý hoặc muốn thử sức ở môn khác vẫn có thể thi đợt 2. Tương tự, học sinh hệ đại trà vẫn có thể tham gia kỳ thi đợt 1 nếu cảm thấy đủ năng lực", một cán bộ của Sở cho biết thêm. Cả hai đợt, học sinh đều được xét giải.
Không riêng TP HCM, nhiều địa phương cũng tổ chức hai đợt thi học sinh giỏi như Vĩnh Phúc, Quảng Nam. Thông thường, đợt 1 được gọi là kỳ thi học sinh giỏi THPT chuyên, thường tổ chức vào đầu năm học để kết hợp chọn đội tuyển quốc gia. Học sinh trường chuyên và các trường THPT khác đều được tham gia.
Còn đợt 2 là kỳ thi học sinh giỏi cấp tỉnh dành cho học sinh theo chương trình đại trà. Ở Vĩnh Phúc, học sinh chuyên không được tham dự đợt này. Còn ở Quảng Nam, chỉ học sinh chuyên ở lớp 10, 11 được tham gia.
Lý giải, ông Nguyễn Hoàng Nam, Phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam, cho rằng kỳ thi đầu tiên để chọn đội tuyển thi quốc gia, đòi hỏi thí sinh có kiến thức chuyên sâu, kỹ năng, bản lĩnh vượt trội, phù hợp với học sinh trường chuyên. Trong khi đó, kỳ thi thứ hai nhằm phát hiện, công nhận năng lực những em giỏi so với mặt bằng chung, cũng như khuyến khích phong trào bồi dưỡng học sinh giỏi trên toàn tỉnh. Ở cả hai kỳ thi, học sinh tham gia đều được xét giải cấp tỉnh, không ảnh hưởng về quyền lợi.
"Hai nhóm thí sinh được đào tạo theo hai định hướng khác nhau, chênh lệch về trình độ, nếu thi chung đề, chung cách đánh giá là không công bằng", ông Nam nói.
Ông Trịnh Văn Mừng, Trưởng phòng Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục, Sở Giáo dục và Đào tạo Vĩnh Phúc, có ý kiến tương tự.
"Tỷ lệ giải thưởng của mỗi kỳ thi là khoảng 60% số thí sinh tham gia. Nếu cùng thi một đợt, các giải cao đều "đổ" về trường chuyên thì các trường khác không mặn mà với công tác phát hiện, bồi dưỡng học sinh giỏi", ông Mừng nói thêm.
Ông Mừng đánh giá việc cho phép học sinh chuyên được thi 2 đợt, nhưng đợt 2 không được thi môn sở trường như TP HCM là cách làm mới, tạo điều kiện cho học sinh chuyên nhưng không ảnh hưởng đến quyền lợi thí sinh khác.
"Mỗi cách làm đều có ưu và nhược điểm riêng, dựa trên đặc điểm học sinh và mục đích tổ chức kỳ thi, mỗi địa phương sẽ có những cách làm khác nhau", ông Mừng nói.
Một chuyên gia bồi dưỡng học sinh giỏi ở TP HCM và các tỉnh phía Nam cho rằng quy định mới của TP HCM là hợp lý nếu mục đích tổ chức kỳ thi nhằm khuyến khích phong trào học sinh giỏi trên diện rộng. Học sinh trường chuyên sẽ có những sân chơi đặc thù, có tính cọ xát cao hơn như kỳ thi Olympic 30/4 hay chọn đội tuyển học sinh giỏi quốc gia.
Lệ Nguyễn