Kênh A41 thuộc phường 4 (quận Tân Bình, TP HCM) sáng 16/9 đầy xà bần, rác sinh hoạt và cả tấm nệm, thùng mút… vương vãi nhiều chỗ, nhất là ở cửa các cống.
Dài 2 km, kênh xuất phát từ đoạn cống hộp gần 400 m trong sân bay trước khi thoát ra con kênh hở bên ngoài gần góc đường Phan Thúc Duyệt. Dòng nước từ đây chảy ngoằn ngoèo trong khu dân cư về hướng đường Cộng Hòa trước khi chảy qua cống ngầm ra kênh Nhiêu Lộc. Có nhiệm vụ tiêu thoát 50% nước ở sân bay Tân Sơn Nhất ra ngoài, song A41 đang bị nhà dân lấn chiếm, nhiều đoạn thu hẹp chỉ còn 0,8 m.
"Trước kia kênh rất rộng, hai bên bờ thông thoáng nhưng sau đó nhiều hộ xả rác, xây dựng tùm lum khiến lòng kênh bị bồi đắp, tắc nghẽn tiêu thoát nước trong khu vực", ông Tam (70 tuổi) - sống cách kênh A41 chừng 200 m, cho biết.
Tân Sơn Nhất còn 2 hệ thống thoát nước khác là kênh Hy Vọng (giúp thoát nước khu vực hành chính, khu sân golf hướng đường Phạm Văn Bạch ra kênh Tham Lương); còn lại là mương Nhật Bản (từ sân bay đến đường Nguyễn Kiệm) đảm trách việc thoát nước khu vực nhà ga quốc tế và khu vực sửa chữa máy bay.
Theo một lãnh đạo Tân Sơn Nhất, tình trạng ngập nghiêm trọng đang xảy ra trong sân bay mỗi khi có mưa lớn như hiện nay nguyên nhân chính là do kênh A41 không đảm bảo được việc thoát nước. Dòng chảy bên ngoài nhỏ, bị rác làm tắc nghẽn khiến nước ùn ứ không thoát ra kịp. Toàn bộ khu vực bãi đỗ máy bay (gần đường Phan Thúc Duyệt), nhà ga hàng hóa, kho hàng phụ thuộc vào kênh A41. Nếu không kịp thoát nước, khu vực này sẽ tái diễn ngập như những trận mưa trước. Phía sân bay đã kiến nghị UBND TP HCM cùng quận Tân Bình có biện pháp nạo vét, cải tạo kênh này.
Nói về tình trạng Tân Sơn Nhất ngập nặng mỗi khi mưa lớn, ông Nguyễn Ngọc Thiệp - Phó tổng thư ký Hội nước và môi trường TP HCM - loại trừ lý do triều cường bởi sân bay cao hơn mực nước biển 7-10 m. Không chỉ ra kênh A41 là "thủ phạm" duy nhất, song ông khẳng định nguyên nhân sân bay ngập là do hệ thống thoát nước bên trong và ngoài có vấn đề.
"Mưa với cường độ lớn xuất hiện ngày càng nhiều nhưng hệ thống tiếp nhận, tiêu thoát nước xung quanh sân bay bị bồi lắng phần đáy. Thực vật và rác nổi phần mặt, thậm chí một số đoạn bị lấn chiếm kiểu 'thắt cổ chai' nên dòng chảy tắc nghẽn, giảm năng lực thoát nước", ông Thiệp phân tích.
Trước đây, quanh Tân Sơn Nhất là vùng đất nông nghiệp, thấp hơn trong sân bay nên khả năng tiêu thoát nước tốt. "Do đô thị hóa, người dân nâng cao nền, bêtông hóa bề mặt, nước mưa tập trung về kênh mương rất nhanh nên áp lực tiêu thoát rất lớn. Nước không thể thoát kịp cho khu bên ngoài thì sân bay ngập là điều tất yếu", ông Thiệp đánh giá.
Đồng quan điểm, GS TSKH Lê Huy Bá cho rằng, vùng sân bay là đất phù sa cổ, nền cao, có độ dốc nên ngày xưa không có chuyện ngập trước. Đến trước năm 1975, Tân Sơn Nhất có diện tích gấp 4-5 lần hiện nay, nước mưa dễ dàng tiêu thoát trên diện rộng và không gây ngập.
"Tuyến đường xung quanh được nâng lên nhưng hệ thống thoát nước của các đường này không kết nối với sân bay, khiến nhiều lối tiêu thoát nước của Tân Sơn Nhất bị chặn phá, gây tình trạng ngập bên trong", ông Bá nhận định.
Ngoài ra, GS Bá còn đưa ra giả thuyết Tân Sơn Nhất ngập do diện tích teo lại, cùng với việc sân golf đang ảnh hưởng đến diện tích thoát nước của sân bay. Trong đó, hàng loạt công trình phục vụ cho sân golf như nhà hàng, khách sạn và hệ thống thoát nước chỉ phục vụ cho việc tiêu thoát nước khu sân golf.
"Diện tích đất tự nhiên tiêu thoát nước mưa của sân bay một lần nữa lại bị thu hẹp. Hơn thế, hệ thống thoát nước của sân bay cũ bị lấn chiếm và bồi lắp đã khiến nhiều khu vực bên trong ngập nặng", ông Bá nói.
Thời gian gần đây, nhiều trận mưa lớn đã nhấn chìm bãi đỗ máy bay của Tân Sơn Nhất đến 30 cm, hàng loạt chuyến bay buộc hạ cánh nơi khác, nghiêm trọng nhất có thể phải đóng cửa sân bay nếu nước tràn vào làm nổ biến thế trong trạm điện.
Về giải pháp tiêu thoát nước cho Tân Sơn Nhất, TP HCM đã có nhiều phương án. Trong đó có việc chi 360 tỷ đồng cải tạo kênh A41 nhưng dự kiến đến năm 2019 mới hoàn thành do vướng giải phóng mặt bằng. Người dân tại khu vực này cho biết sẽ sẵn sàng di dời nếu nhận được mức bồi thường hợp lý. Kênh Hy Vọng cũng sẽ được cải tạo trong giai đoạn 2017-2019.
Riêng mương Nhật Bản (đoạn từ tường rào sân bay Tân Sơn Nhất đến đường Nguyễn Kiệm) được Trung tâm chống ngập cải tạo, dự kiến đến tháng 9 sẽ hoàn thành.
Duy Trần - Ngọc Hậu