Juventus chiêu mộ Ronaldo hè 2018, sau khi đoạt bảy scudetto liên tiếp. Đương nhiên, họ không đưa anh về để làm giàu thêm thành tích quốc nội. Tham vọng của Juventus, và cả Ronaldo, là đỉnh cao tại Champions League. Nhưng sau ba năm chung bước, đôi bên chẳng thể tiến gần đến trận chung kết.
Theo báo Tây Ban Nha Marca, thật khó để quy trách nhiệm cho một mình Ronaldo khi Juventus lâm cảnh "phú quý giật lùi" trong những mùa giải gần đây. Nhưng sự thất vọng là rất rõ ràng khi xét tới vị thế của đội bóng trong ba năm có Ronaldo với trước khi họ tậu ngôi sao Bồ Đào Nha.
Ronaldo không gặp khó khăn trong việc tìm mành lưới đối phương cùng Juventus. Anh ghi 101 bàn và kiến tạo 22 bàn qua 134 trận trên mọi đấu trường trong ba năm thi đấu tại Italy, và thành tích mùa sau luôn tốt hơn mùa trước. Tiền đạo 36 tuổi cũng là người lập công nhiều lần nhất cho Juventus trong các trận knock-out Champions League trong ba mùa đó, gồm cú hat-trick vào lưới Atletico tại vòng 1/8 mùa 2018-2019, một bàn hạ Ajax, một bàn nữa vào lưới Lyon.
Tuy nhiên, Juventus lại sa sút dần đều ở mặt trận châu lục. Trước khi có CR7, họ có hai lần vào chung kết, toàn thua, 1-3 trước Barca năm 2015 và 1-4 dưới tay Real năm 2017. Còn ở ba mùa giải có Ronaldo, thành tích tốt nhất của Juventus chỉ là vào tứ kết mùa 2018-2019 khi thua Ajax 2-3. Hai năm gần nhất, họ lần lượt bị Lyon rồi Porto loại ở vòng 1/8, đều theo luật bàn trên sân khách. Chưa hết, họ còn bị Inter chấm dứt chín năm thống trị tại Serie A mùa vừa qua.
Ronaldo bị coi là "tội đồ" khiến Juventus thua Porto mùa 2020-2021. Tiền đạo sinh năm 1985 quay lưng và giơ chân, dẫn đến pha đá phạt thành bàn của Sergio Oliveira ở cuối hiệp phụ thứ hai. Bàn thua này khiến Juventus phải ghi thêm hai bàn nếu muốn đi tiếp. Trong năm phút ít ỏi còn lại, CLB Italy chỉ ghi thêm một bàn sau pha đánh đầu của Adrien Rabiot, và bị loại sớm khỏi Champions League.
Đây có thể coi là giọt nước tràn ly khiến mối lương duyên giữa Ronaldo với Juventus đi đến hồi cáo chung. Sau khi Juventus bị loại, một loạt tên tuổi lớn của bóng đá Italy như cựu HLV Fabio Capello, Alessandro Costacurta, Alessandro Del Piero đều quy trách nhiệm cho Ronaldo. Cựu chủ tịch Juventus, Giovanni Cobolli Gigli thì liên tục khuyên CLB cũ nên bán tiền đạo này càng sớm càng tốt.
Canh bạc Ronaldo được thực hiện năm 2018 khiến Juventus tốn gần 120 triệu USD phí chuyển nhượng, gần 37 triệu USD tiền lương mỗi năm, chưa kể tiền thưởng gấp nhiều lần con số này và các loại thuế phí. Tổng cộng, thương vụ Ronaldo tiêu tốn của Juventus ngót nghét 397 triệu USD trong bốn năm hợp đồng. Trước khi Covid-19 bùng phát, đó vẫn là một phép tính khả thi, khi Juventus thu về hợp đồng bảy năm với nhà tài trợ áo đấu Adidas, trị giá 424 triệu USD, gấp đôi thỏa thuận trước đó.
Đội bóng thành Turin nhận thêm ngót nghét 30 triệu USD nữa từ nhãn xe hơi JEEP mỗi năm, với hợp đồng tài trợ trên áo, cao hơn gần 11 triệu so với trước khi có Ronaldo. Số người theo dõi Juventus qua các mạng xã hội tăng từ 49 triệu lên 102,9 triệu nhờ Ronaldo, giúp CLB lan tỏa thương hiệu tốt hơn, kiếm tiền nhiều hơn nhờ có sức hút hơn trong mắt các đối tác.
Nhưng khi dịch bệnh bùng phát, các tính toán đổ bể. Khoản lương kếch xù trả cho Ronaldo khiến Juventus không thể đãi ngộ tốt hơn cho các trụ cột khác. Riêng lương Ronaldo nhiều hơn bốn cầu thủ xếp ngay sau cộng lại. Juventus vẫn còn khoản nợ 485 triệu USD và vừa báo lỗ tiếp 95 triệu nữa vào năm ngoái. Bối cảnh đó cộng thêm hàng loạt nguồn thu khác giảm sút vì Covid-19 khiến khoản biệt đãi Ronaldo thành gánh nặng ngàn cân.
Juventus, vì thế, không thể mạnh tay mua như tân HLV Max Allegri yêu cầu. Hè này, họ chỉ ký mới hợp đồng hai năm với trung vệ Giorgio Chiellini, chi 1,8 triệu USD mua cầu thủ 19 tuổi Kaio Jorge và mượn tiền vệ Manuel Locatelli kèm điều khoản bắt buộc mua đứt trị giá 41 triệu USD, chưa kể phụ phí. Điều khoản này sẽ tự động được kích hoạt ngay khi Juventus có điểm đầu tiên tại Serie A mùa 2022-2023.
Ronaldo còn kìm hãm sự phát triển của Paulo Dybala. Tiền đạo Argentina lập tức cho thấy dấu hiệu khởi sắc khi lập công trong trận mở màn mùa giải gặp Udinese, trận đấu Ronaldo chỉ ngồi dự bị. Ngay cả sự nghiệp của Gonzalo Higuain cũng đã đi chệch hướng, và anh đã dạt sang MLS "dưỡng già" sau khi thi đấu cho Milan và Chelsea theo dạng cho mượn. Higuain từng được đánh giá là tiền đạo xuất sắc nhất Serie A, cho đến khi bị Juventus đẩy đi để "dọn đường" cho Ronaldo.
Những phút cuối trong màu áo Juventus ở trận gặp Udinese hôm 22/8 là đã gói gọn ba năm của Ronaldo tại Turin. Anh ngồi dự bị, vào sân với sự kỳ vọng lớn, thể hiện sự chuyên nghiệp, ghi bàn quyết định, nhưng rồi tất cả kết thúc trong nỗi thất vọng.
Ronaldo tưởng như đã trở thành người hùng với pha đánh đầu tung lưới Udinese ở phút bù giờ thứ tư, khi tỷ số đang là 2-2. Chủ nhân của năm Quả Bóng Vàng chạy đến cột cờ phạt góc, cởi áo chia vui với đồng đội. Tất cả đều phấn khích và nghĩ về chiến thắng 3-2 cho Juventus. Nhưng sau khi nhận tư vấn từ VAR, trọng tài Ivano Pezzuto hủy bàn thắng vì Ronaldo đã việt vị. Phần cánh tay của siêu sao Bồ Đào Nha đã chớm xuống sâu hơn chút xíu so với cầu thủ cuối cùng của Udinese.
"Hãy nhớ rằng, kết thúc có hậu chỉ tồn tại trong truyện cổ tích. Và câu chuyện giữa Ronaldo và Juventus không phải là câu chuyện mà các bậc phụ huynh đọc cho con trước khi đi ngủ, mà chỉ là cuộc hôn nhân giữa hai cá thể", báo Italy Corriere della Sera bình luận.
Cuối cùng, Juventus và Ronaldo đã chọn giải pháp giải thoát cho nhau. Juventus thu về 18 triệu USD, kèm 10 triệu USD phụ phí, còn Ronaldo trở lại mái nhà xưa Man Utd, với khởi đầu mới bằng trận đấu với Newcastle hôm nay.
Hồng Duy tổng hợp