"Khi New York bị phong tỏa, tôi ở nhà cả ngày, ăn vô tội vạ và nằm ườn trên ghế sofa xem Netflix", Jocelyn nói. Giống như phần lớn mọi người, Jocelyn trải qua gần ba tháng với cuộc sống quanh mấy bức tường. Cô nhận ra mình không chỉ tăng cân chóng mặt mà cũng có một khoản tiền dư dả do vài tháng giảm thiểu chi tiêu. Vì thế, cô quyết định đi phẫu thuật thẩm mỹ bằng phương pháp AirSculpt, một công nghệ hút mỡ tạo đường nét cho cơ thể.
"Tôi đã hoàn thành việc đó vào thứ 4, đi quay một quảng cáo vào thứ 6 rồi đi hẹn hò bởi vì trông tôi thật đẹp, ai cũng có thể thấy điều đó", nữ diễn viên nói.
Khi lệnh cách ly xã hội được ban hành hồi giữa tháng 3, phần lớn các dịch vụ không thiết yếu đều phải đóng cửa, trong đó có cả phẫu thuật thẩm mỹ, da liễu. Tuy nhiên, ba tháng sau, chúng dần được mở cửa lại. Lập tức, số lượng bệnh nhân muốn "đụng dao kéo" để làm đẹp tăng cao.
Bác sĩ Aaron Rollins, người điều hành một mạng lưới các thẩm mỹ viện, cho biết, địa điểm đầu tiên trong hệ thống của ông mở cửa trở lại là ở Atlanta và Texas, sau đó là New York (đầu tháng 6).
Rollins cho biết nhu cầu tại các cơ sở của anh cao hơn 20%, so với tháng 7 năm ngoái. Ông đã phải thuê thêm nhân viên để xử lý khối lượng yêu cầu tư vấn làm đẹp. "Khách hàng đặt lịch ở chỗ chúng tôi trước nhiều tháng và hiện tại số khách vẫn tăng không ngừng".
Vị bác sĩ ngạc nhiên vì tháng 7 vừa rồi chính là tháng bận rộn nhất trong lịch sử 9 năm hoạt động của công ty.
Tracy Pfeifer, một bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ cho biết, cô đã phải chia đôi thời gian của mình giữa Manhattan và Long Island, New York để phục vụ cho công cuộc làm đẹp của chị em phụ nữ sau khi đại dịch lắng xuống. Cô ước tính lượng khách đặt dịch vụ ở cơ sở mình làm việc tăng 25% so với thời điểm cách đây một năm.
Sự gia tăng nhu cầu thẩm mỹ tại Mỹ là một điều đáng kinh ngạc trong bối cảnh tình hình kinh tế chung và khi đại dịch vẫn đang tiếp diễn, dẫn đến tỷ lệ thất nghiệp lên đến trên 10%. Tuy nhiên, đối với nhiều bác sĩ phẫu thuật thẩm mỹ tay nghề cao, khoảng thời gian còn lại của năm 2020 vẫn hứa hẹn sự bùng nổ.
Các bác sĩ phẫu thuật nhận định, một số yếu tố đã kết hợp với nhau để thúc đẩy sự gia tăng nhu cầu làm đẹp. Jocelyn không phải trường hợp hiếm hoi bởi trong thời gian cách ly xã hội, các phòng tập gym đóng cửa, đa phần người Mỹ ở nhà và ăn uống không điều độ. "Mọi người đều mập ra và đương nhiên chẳng ai muốn vậy", Rollins nhận định, "và đây là thời điểm để giải quyết điều đó".
Vị bác sĩ cũng kể câu chuyện về một cặp vợ chồng mới cưới, vợ ở Anh, chồng ở Mỹ, do ảnh hưởng bởi lệnh phong tỏa. Hai người phải gọi video cho nhau mỗi đêm. "Người chồng than thở với tôi về việc anh ấy có nọng cằm và phải tìm đến với tôi", Rollins nói và cho biết thêm, các yêu cầu xử lý nọng cằm tăng vọt, bởi "nó khiến bạn xấu hơn đến 10 lần trên iPhone".
Lara Devgan, một bác sĩ phẫu thuật tái tạo và thẩm mỹ ở "khu nhà giàu" Upper East Side, New York cũng chứng kiến lượng khách hàng tăng vọt, phần lớn liên quan đến nỗi thất vọng về ngoại hình sau khi nhìn thấy hình ảnh của mình trên ứng dụng Zoom. Cô cho biết: "Tôi có một bệnh nhân, trước đây cô ấy chỉ thường tiêm botox, filler. Nhưng gần đây cô ấy nâng cơ mặt, cổ, sau khi tham gia vô số các cuộc chat Zoom. Có lẽ cô ấy nhìn thấy các ngấn cổ, nếp nhăn mà bản thân chưa để ý tới, trước thời gian cách ly".
Hiện Devgan đã phải tăng số ngày làm việc lên gấp ba. Cô cho biết, bệnh nhân của mình chủ yếu tập trung vào chất lượng hơn là giá cả, đồng thời muốn tránh các biến chứng phẫu thuật hay nguy cơ mắc Covid-19 nếu đến các bệnh viện.
Không chỉ diễn viên, người nổi tiếng mới quyết định chọn phẫu thuật thẩm mỹ để làm đẹp trong giai đoạn này. Kelly, một lễ tân 42 tuổi ở Rockland County, New York, đã tiến hành nhiều thủ thuật làm đẹp, ngay khi các phòng khám vừa mở cửa. Cô căng da bụng, cắt bỏ da thừa, hút mỡ và nâng ngực.
"Tôi đã tiết kiệm một khoản trong thời kỳ đại dịch để có tiền phẫu thuật thẩm mỹ. Giờ đây, tôi giảm được khoảng 150 pound (68 kg). Chẳng có bài tập nào có thể làm mất đi phần da thừa của tôi và phẫu thuật là cần thiết".
Thùy Linh (Theo Bloomberg/SCMP)