Ông Đặng Thành Tâm đã bán thành công 22 triệu cổ phiếu Công ty khoáng sản Sài Gòn-Quy Nhơn (SQC), tương đương 20% cổ phần, chỉ trong vòng một tuần (ngày 1-8/8). Mục đích Đằng sau động thái này là gì?
Các chuyên gia tài chính đã đặt nghi vấn ở 2 điểm: đánh động sự chú ý của thị trường đến cổ phiếu SQC và giải quyết khó khăn tài chính.
"Trong bối cảnh các nguồn huy động vốn trong nước đang tắc, việc ông Tâm rút tiền mặt về để điều chuyển đến các dự án đang cần vốn của SGI là một lý giải có cơ sở".
Điểm nghi vấn thứ nhất không hẳn là không có cơ sở. Bởi lẽ, ông Tâm đã chuyển nhượng một lượng cổ phiếu lớn và hoàn tất giao dịch rất nhanh chóng. Sau khi chuyển nhượng thành công 20% cổ phần, ông Tâm vẫn còn nắm đến 40% cổ phần tại SQC.
Cũng cần nói thêm, SQC là công ty thành viên của Tập đoàn đầu tư Sài Gòn (SGI) với 53 công ty thành viên, nơi ông làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Còn người nắm vai trò Chủ tịch Hội đồng quản trị SQC lại là bà Đặng Thị Hoàng Phượng, em gái ông Tâm.
Việc nắm phần lớn cổ phần công ty và các cổ đông lớn là người nhà đã khiến cho thanh khoản của cổ phiếu này rất thấp. Hơn nửa năm nay, giá cổ phiếu SQC gần như cố định ở một mức 84.000 đồng/cổ phiếu. Lượng cổ phiếu giao dịch thường rất thấp, chỉ 100 cổ phiếu/phiên, với mục đích giữ giá. Giá khớp lệnh hôm trước giảm bao nhiêu thì hôm sau sẽ tăng đúng bấy nhiêu để về mức giá cũ. Với lượng giao dịch ít như vậy, không có gì khó hiểu khi động thái bán ra 22 triệu cổ phiếu SQC đã được thị trường chú ý.
Tuy nhiên, việc đánh bóng này lại nhắm đến một mục tiêu khác quan trọng hơn. “Tạo nên một bức tranh đẹp cho kế hoạch kêu gọi đối tác chiến lược, ít nhất là về giá cổ phiếu, cũng được xem là một lý do hợp lý”, Giám đốc đầu tư của một công ty chứng khoán lớn tại TP HCM (không muốn nêu tên), nhận xét về động thái của ông Tâm.
Trong bối cảnh các nguồn huy động vốn trong nước đang tắc, việc ông Tâm rút tiền mặt về để điều chuyển đến các dự án đang cần vốn của SGI là một lý giải có cơ sở. |
Giao dịch lần này có nhiều điểm phù hợp với lý giải trên. Trước tiên, dù số lượng cổ phiếu chuyển nhượng lớn nhưng lại được thực hiện rất nhanh, chỉ trong tuần đầu tháng 8. Đại diện của công ty cũng xác nhận đây là giao dịch nội bộ. Bên cạnh đó, mặc dù giá cổ phiếu SQC có giảm khi ông Tâm công bố thông tin bán cổ phiếu nhưng sau khi giao dịch hoàn tất, SQC đã tăng giá trở lại, hiện xoay quanh mức 80.000 đồng/cổ phiếu (ngày 16/8), không xa mức giá cũ là bao.
Vốn chủ sở hữu của SQC cuối quý I là hơn 1.200 tỷ đồng, tổng tài sản hơn 1.500 tỷ đồng. Trong khi đó, giá trị vốn hóa thị trường đạt 8.800 tỷ đồng (tính theo mức giá 80.000 đồng/cổ phiếu). Rõ ràng, thị trường chứng khoán đã mang lại lợi ích lớn cho ông Tâm khi giá trị vốn hóa gấp vốn chủ sở hữu hơn 7 lần.
Vì vậy, nghĩ về việc kêu gọi cổ đông chiến lược để thoái bớt vốn và hiện thực hóa lợi nhuận khoản đầu tư vào SQC lúc này là hoàn toàn hợp lý. Nhất là khi ông Tâm cũng cần tiền mặt để trang trải các khoản đầu tư khác trong bối cảnh khó khăn chung về mặt tài chính của các doanh nghiệp Việt Nam.
Trong năm qua, đã có hàng loạt doanh nghiệp phải phá sản. Các lĩnh vực đầu tư hấp dẫn một thời đã không còn được chú ý. Lĩnh vực bất động sản và công nghệ viễn thông mà ông Tâm đang theo đuổi cũng không phải là ngoại lệ. Hai công ty thành viên của SGI là SaigonTel (SGT) và Saigon Postel (SPT) đã có một năm kinh doanh không khả quan (năm rồi, SGI chính thức nắm giữ 41% cổ phần SPT).
Theo báo cáo tài chính của SGT, công ty này đã lỗ hơn 113 tỷ đồng năm 2011 và lỗ tiếp 57 tỷ đồng sau nửa năm 2012. SPT cũng không khá hơn. Năm 2011, Công ty có lãi hơn 13 tỷ đồng chủ yếu từ lợi nhuận tài chính, sau nhiều năm lỗ liên tiếp. Sau thất bại ở mạng viễn thông S-Fone với Công ty viễn thông SK Telecom của Hàn Quốc, SPT đang tính đường chuyển đổi từ mạng 2G sang 3G. Chi phí cho việc này ước tính cả tỉ USD.
Do đó, việc tìm nguồn vốn tiếp tục đầu tư để vực dậy 2 công ty này như ông Tâm đã cam kết tại đại hội cổ đông của SGT đang rất cần thiết.
Không chỉ SPT và SGT, một công ty thành viên khác của SGI là Công ty phát triển đô thị Kinh Bắc (KBC), chuyên về xây dựng và kinh doanh các khu công nghiệp, cũng đang gặp khó khăn. Lợi nhuận ròng năm 2011 của KBC chỉ còn 35,7 tỷ đồng, giảm hơn 28 lần so với năm 2010. Quý II , công ty đã lỗ hoạt động kinh doanh hơn 123 tỷ đồng.
“Xét trong bối cảnh các nguồn huy động vốn trong nước đang tắc, động thái rút tiền mặt về để điều chuyển đến các dự án đang cần vốn của SGI là một lý giải có cơ sở”, vị Giám đốc đầu tư giấu tên nói trên nhận xét.
(Nhịp cầu đầu tư)