Các nhà tâm lý học hiện đại đang áp dụng một phương pháp điều trị "lạ" dành cho những người mắc chứng sợ hãi hoặc ám ảnh. Họ sử dụng thực tế ảo để giúp mọi người chống lại sự lo lắng của họ. Ví dụ, nếu một người sợ đám đông, sẽ bị đặt trong một tình huống ảo bị bao quanh bởi mọi người và buộc phải đối mặt, vượt qua nỗi sợ hãi của mình.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý cũng khẳng định, trong một số trường hợp sự sợ hãi có tác dụng tốt.
Giúp giảm cân
Việc trải qua cảm giác sợ hãi sẽ đốt cháy nhiều calo hơn so với khi bạn không sợ bất cứ điều gì. Khi nhịp tim đập tăng nhanh, cơ thể chúng ta như có một dòng adrenaline chạy qua. Quá trình trao đổi chất của chúng ta lúc này được tăng tốc, khiến đường và chất béo bị đốt cháy.
Trong một nghiên cứu, các nhà khoa học tại Đại học Westminster, London phát hiện ra rằng khi mọi người xem phim kinh dị, chẳng hạn như The Shining hoặc The Exorcist, họ đã đốt cháy tới 113 calo - bằng với lượng cơ thể đốt cháy trong nửa giờ đi bộ.
Giúp tăng cường hệ miễn dịch
Trong một số nghiên cứu do Đại học Coventry, Anh thực hiện, những người tham gia được yêu cầu xem một bộ phim kinh dị. Sau đó, các nhà nghiên cứu lấy mẫu máu của những người này. Kết quả cho thấy cảm giác sợ hãi đã khiến các tế bào bạch cầu của họ kích hoạt. Đây là loại tế bào giúp bạn chống lại bệnh tật và sửa chữa cơ thể.
Mang thêm sức mạnh và động lực
Không chỉ chất adrenaline được tiết ra khi bạn cảm thấy sợ hãi, các chất hóa học như serotonin cũng được tiết ra. Chất này giúp não của bạn hoạt động hiệu quả hơn, vì vậy nỗi sợ hãi thực sự là năng lượng.
Ví dụ, nếu bạn là một người hay chạy bộ và chạy theo một lộ trình mỗi ngày, bạn sẽ nhanh chóng quen với nó. Tuy nhiên, nếu bạn thử một địa điểm mới, bạn sẽ cảm thấy hơi lo lắng, sợ hãi và thực sự cần tập trung. Não của bạn vì thế sẽ bắt đầu hoạt động tối đa. Bộ não của chúng ta khao khát những thử thách mới.
Đưa mọi người gần nhau hơn
Khi bạn cảm thấy sợ hãi, oxytocin sẽ được giải phóng. Đây là một loại hormone giúp bạn xây dựng mối quan hệ với những người xung quanh. Mỗi người chúng ta đều có bản năng sinh tồn, nó thúc đẩy chúng ta kết đôi với những con người khác để vượt qua nguy hiểm. Một ví dụ hoàn hảo cho điều này là khi mọi người cùng tụ tập lại với nhau trên ghế, khi xem một bộ phim kinh dị.
Mang lại sự tập trung
Nghĩ về tương lai hoặc điều gì đó mà bản thân không nắm bắt được có thể khiến bạn sợ hãi. Khi bạn lo lắng, ngoài adrenaline, một hormone khác là norepinephrine cũng được tiết ra, giúp bạn tập trung thay vì hoảng sợ. Hormone này cho phép bạn suy nghĩ rõ ràng hơn. Đó là lý do tại sao norepinephrine được sử dụng trong nhiều loại thuốc chống trầm cảm.
Giúp con người tìm cách tự vệ nhanh hơn
Khi băng qua một con đường tăm tối vào ban đêm, hoặc nghe thấy tiếng bước chân ở phía sau, chúng ta thường sẽ không dành nhiều thời gian để suy nghĩ xem nên làm gì. Theo bản năng, chúng ta bắt đầu đi nhanh hơn và cố gắng đến chỗ an toàn càng sớm càng tốt. Nỗi sợ hãi buộc bộ não phải phản ứng ngay lập tức và tìm ra giải pháp thay vì dành thời gian đi vào phân tích chi tiết một tình huống.
Tạo ra thay đổi tích cực
Giả sử khi bạn đến gặp bác sĩ và được họ nhận xét về kết quả phân tích máu rằng bạn có lượng đường cao, nguy cơ mắc bệnh tiểu đường cao, bạn bắt đầu cảm thấy sợ hãi . Đó là bởi vì bạn nhận thức được những nguy cơ mà bệnh tiểu đường có thể gây ra. Vì vậy, bạn sẽ bắt đầu tuân theo chỉ định của bác sĩ bằng cách tiêu thụ ít đường hơn, ăn kiêng nghiêm túc hơn... để đưa bản thân ra khỏi vùng nguy hiểm. Nếu bạn không thực sự sợ hãi thì sao bạn có thể nhanh chóng thay đổi như vậy?
Thúc đẩy sự chăm chỉ
Có một trạng thái tâm lý được gọi là hội chứng Cronos - trong đó một người sợ rằng họ sẽ bị thay thế bởi một người khác. Điều này có thể xảy ra trong bất kỳ lĩnh vực nào của cuộc sống, bao gồm công việc, các mối quan hệ, hay trong gia đình.
Tuy nhiên, các nhà tâm lý học khẳng định rằng với liều lượng vừa phải, nỗi sợ hãi này có thể có ích cho bạn trong cuộc sống, bởi bạn ý thức hơn về việc phải bảo vệ vị trí của mình. Nếu không có nỗi sợ hãi như vậy, nhiều người trong chúng ta sẽ dễ dàng sa sút trong cuộc sống riêng tư lẫn công việc. Khi chắc chắn sẽ không có ai thay thế được mình, chúng ta trở nên buông thả với những thứ mình có và bắt đầu lười biếng.
Thùy Linh (Theo Brightside)