Tới thập niên 1990, con số giảm xuống gần 670; năm 2000-2009 còn dưới 400 và tới cuối năm 2016 chỉ còn hơn 100 tên. Nói cách khác, năm 1987 ở Mỹ có 189 người chết dưới tay những kẻ sát nhân hàng loạt thì tới năm 2015 còn 30, theo số liệu được Aamodt, cựu giáo sư tâm lý thuộc Đại học Radford, tổng hợp.
Kẻ sát nhân hàng loạt được cho là ngày càng khó gây án ở Mỹ. Nguyên nhân đầu tiên là sự phát triển khoa học pháp y, đặc biệt là công nghệ ADN phả hệ. Ví dụ, bằng công nghệ này, cảnh sát có thể phân tích ADN của những người họ hàng xa để tìm ra Joseph DeAngelo, kẻ giết hại 13 phụ nữ trong năm 1976-1986.
Rủi ro bị bắt lớn hơn có thể đã ngăn cản những kẻ muốn gây án.
Sự nghiêm khắc của tòa án cũng được cho là có tác dụng răn đe. Theo nhiều nhà nghiên cứu, hiện giờ hình phạt nặng hơn, phạm nhân cũng ít được tha tù trước thời hạn hơn. Nếu phải ngồi tù lâu, kẻ từng giết người sẽ ít có khả năng tiếp tục gây án.
Ngoài ra, thời cơ gây án cũng khó hơn. Theo James Alan Fox, giáo sư tội phạm học, số người có nguy cơ thành nạn nhân ngày càng ít vì họ "không còn đi nhờ xe như trước". "Mọi người có thể dùng điện thoại để báo tin trong tình huống khẩn cấp. Camera ở khắp mọi nơi", Fox nói.
Tương tự, trẻ em được bố mẹ bao bọc hơn so với quá khứ. Từ trải nghiệm bản thân, cựu giáo sư Aamodt cho rằng hồi nhỏ được một mình đi bộ hoặc đạp xe khắp thị trấn. "Bố mẹ ngày nay sẽ không để con mình làm như vậy", Aamodt nói.
Một giả thuyết khác cho rằng sát nhân hàng loạt không biến mất mà chỉ chuyển hóa thành những kẻ xả súng, hiện tượng đã tăng đột biến cả về số vụ và độ tàn bạo trong 30 năm qua. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia thống nhất rằng hai hiện tượng này không đủ trùng khớp. "Động cơ của kẻ giết người hàng loạt thường khác với kẻ giết người tập thể", theo Aamodt.
Theo FBI, sát nhân hàng loạt được định nghĩa là kẻ giết hai nạn nhân trở lên, mỗi lần gây án tách biệt với nhau.
Quốc Đạt (Theo Discover Magazine)