Mới đây nhất, hồi giữa tháng 5, lực lượng biên phòng thu giữ 40 bát đĩa cổ niên đại 600 năm trước, do ngư dân tìm thấy dưới độ sâu 60 m tại vùng biển Bình Sơn. Chính quyền tỉnh đang lên phương án tìm kiếm và trục vớt tàu đắm.
Trả lời VnExpress, TS Đoàn Ngọc Khôi, Phó giám đốc bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, cho biết việc trục vớt và tìm hiểu tàu bị đắm với các cổ vật để làm sáng tỏ lịch sử hàng hải quốc tế cùng "con đường tơ lụa trên biển" đi qua địa phương. Ông Khôi có hơn 20 năm nghiên cứu tàu cổ đắm.
- Việc phát hiện và trục vớt tàu cổ đắm ở biển Quảng Ngãi thời gian qua diễn ra như thế nào?
- Năm 1990, từ thông tin của người dân chúng tôi khảo sát phía bắc đảo Lý Sơn, phát hiện tàu cổ chìm ở đây. Trên tàu đó, người dân đã mang hai con nghê đá và một số đá ballast là vật nặng để dằn giữ cho tàu, thuyền thăng bằng khi không chở hàng. Tại vùng biển này, chúng tôi tìm thấy xen lẫn trong cát, san hô là bãi gốm sứ vỡ, đồng tiền niên đại khoảng cuối thời Minh.
Sau đó 9 năm, một tàu cổ dài 19 m được tìm thấy ở độ sâu hơn 6 m tại biển Châu Tân, thôn Châu Me, xã Bình Châu, huyện Bình Sơn. Tàu chở hàng hóa gốm sứ, đồ đồng, đồ đá, bột quế đựng trong các hộp chì. Di vật tàu cổ đắm thu được có 475 hiện vật, trong đó nhiều đồng tiền, đồ đồng, gốm sứ, một số bị cháy đen. Niên đại tàu cổ được xác định dựa vào hai đồng tiền Vạn Lịch thông bảo có từ khoảng năm 1573-1620.
Năm 2012, ngư dân thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu, phát hiện gốm sứ trong tàu cổ đắm. Dấu tích khai quật sau đó cho thấy tàu bị cháy trước khi chìm, bên trong có tiền thời Nguyên, có đồng tiền muộn nhất ở niên đại 1264-1295. Gốm sứ trên tàu thuộc đồ men ngọc celadon của lò Long Tuyền thế kỷ 13 và đồ gốm men nâu của các lò Phúc Kiến.
Cũng tại thôn Châu Thuận Biển, một tàu cổ đắm mới được phát hiện năm 2014, nhưng chưa được khai quật. Các hiện vật bị vỡ gồm các tô, bát, đĩa có niên đại đầu thế kỷ 17.
Năm 2017, ở thôn Tuyết Diêm, xã Bình Thuận, huyện Bình Sơn, tàu cổ đắm được phát hiện trong cảng Hào Hưng (Khu kinh tế Dung Quất), niên đại tàu thế kỷ 17, thuộc thời Minh.
Gần đây nhất hôm 17/5, Biên phòng tỉnh phát hiện ngư dân khai thác 40 đĩa, tô từ tàu cổ đắm ở thôn Phước Thiện, xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Các đồ gốm sứ này được sản xuất từ các lò ở Chương Châu, Đức Hóa, Cảnh Đức Trấn có niên đại khoảng thế kỷ 16-17 thời Minh.
Ngoài ra, còn nhiều tàu cổ đắm khác mà ngư dân khai thác âm thầm trước đây khi chưa có sự giám sát, quản lý của nhà nước. Qua các số liệu công bố, khu vực biển Quảng Ngãi có nhiều xác tàu cổ đắm được phát hiện nhiều nhất cả nước.
- Vì sao nhiều tàu cổ lại chìm ở Quảng Ngãi và tập trung nhiều tại vùng biển Bình Châu?
- Trước đây vùng biển dọc dải đất hình chữ S từng nằm trên tuyến giao thương hàng hải quốc tế mà nổi tiếng nhất là "con đường tơ lụa trên biển". Riêng Quảng Ngãi chiều dài 130 km bờ biển nhưng có bốn cửa biển. Các cửa này là điểm cập bến của tàu buôn từ Nam Trung Hoa đi xuống Biển Đông, lúc này là biển Giao Chỉ, Champa, để trao đổi hàng hóa, lấy nước ngọt, lương thực rồi tiếp tục đi về phía nam.
Vùng biển thuộc xã Bình Châu, huyện Bình Sơn, tập trung nhiều cổ đắm nhất do nơi này từng là thương cảng nhộn nhịp, đồng thời là vũng neo trú của tàu thuyền. Điều này được thể hiện trong Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn ghi chép vùng Sa Kỳ (Bình Châu) có mức đóng thuế rất lớn, có thời điểm cao hơn Hội An (Quảng Nam) và Thị Nại (Bình Định). Sách Đồng Khánh địa dư chí cũng đề cập đến vùng Tàu Úc (Vũng Tàu) thuộc xã Bình Châu.
Theo nghiên cứu của tôi, quá trình hình thành thương cảng này do các tàu buôn nhỏ thường đi gần bờ không thể vượt qua mũi Ba Làng An (mũi đất nhô ra biển, cực đông tỉnh Quảng Ngãi) và các cụm đá ngầm, đá nổi ở khu vực. Do đó ở phía bắc của mũi Ba Làng An, người Chăm đã mở một tuyến đường thủy nội địa dựa trên dòng sông cổ đã có trước đó từ thời cư dân văn hóa Sa Huỳnh.
Tuyến đường thủy nói trên từ cửa biển Bàn Thủ của vùng Bình Châu đi vào Trảng Quỳnh vốn là hồ nước rất lớn, rồi nối sông Châu Me nhập vào cửa Sa Kỳ. Từ đây các thương thuyền lấy nước ngọt tiếp tục đi vào phía nam hoặc giao thương, trao đổi hàng hóa ở các điểm Bình Châu, Sa Kỳ, Châu Sa, Cửa Đại. Người Chăm đã lập nên lũy kiểm soát và tạo nguồn thu quan trọng trên tuyến đường thủy nội địa này.
Mùa gió lớn, các thuyền buôn chịu các luồng không khí đối lập từ biển thổi vào và trong bờ thổi ra dễ bị chìm. Một số thuyền bị hoả hoạn do chứa nhiều vật liệu dễ cháy đặc biệt là vải lụa.
- Con đường tơ lụa trên biển (Maritime Silk Road) được nhắc đến nhiều trong các nghiên cứu về tàu cổ của Việt Nam. Ông nói rõ hơn về sự hình thành và phát triển của tuyến hàng hải này như thế nào?
- Con đường tơ lụa trên biển song hành với con đường tơ lụa trên đất liền, đã kết nối giao thương các khu vực Đông Nam Á, Trung Quốc, tiểu lục địa Ấn Độ, bán đảo Ả Rập, Somalia, Ai Cập và châu Âu. Các tuyến đường biển này hình thành từ thế kỷ thứ 2 trước Công nguyên và phát triển mạnh nhất ở thế kỷ 14, 15 sau Công nguyên. Con đường tơ lụa trên biển chủ yếu được thành lập và vận hành bởi các thủy thủ người Nam Đảo, thương nhân Tamil ở Ấn Độ và Đông Nam Á , các thương nhân Ba Tư và Ả Rập.
Việt Nam tham gia tích cực vào con đường tơ lụa này không chỉ với các thương cảng cho tàu thuyền neo đậu, buôn bán mà còn là sản xuất hàng hóa, nhất là đồ gốm. Tiêu biểu là gốm Chu Đậu thế kỷ 15, nguồn gốc ở tỉnh Hải Dương, được tìm thấy trong tàu cổ đắm Cù Lao Chàm. Đặc biệt trên tàu cổ đắm Châu Tân năm 1999 đã tìm thấy nhiều hộp chì trong đó đựng bột quế của vùng Trà Bồng (Quảng Ngãi), Trà My (Quảng Nam) xuất qua Cửa Đại của Hội An, cửa Sa Cần Quảng Ngãi giao thương với tuyến hàng hải quốc tế.
- Việc trục vớt tàu đắm và cổ vật ở tỉnh thời gian qua ra sao?
- Trước đây cổ vật do người dân khai thác tự phát. Sau đó Bảo tàng tỉnh Quảng Ngãi, Bảo tàng lịch sử quốc gia phối hợp cơ quan chức năng tổ chức khai quật. Từ năm 2012 khi phát hiện tàu cổ đắm Bình Châu, việc khai quật có sự tham gia của tư nhân, họ bỏ kinh phí, công nghệ khai thác và chia phần cổ vật, số còn lại giữ cho nhà nước. Tuy nhiên từ trước đến nay giới khảo cổ chỉ khai thác hiện vật trong tàu chứ chưa trục vớt xác tàu.
- Làm thế nào phát huy hiệu quả và tránh thất thoát những cổ vật trục vớt được?
- Những năm qua nhiều người trục vớt cổ vật bán, thu lợi cá nhân. Việc này trái với quy định vì theo luật phải giao nộp cho cơ quan nhà nước.
Để quản lý việc thăm dò, trục vớt và xử lý tài sản chìm đắm đạt hiệu quả, Chính phủ đã ban hành Nghị định 29 quy định mức chi mức chi thưởng cho tổ chức cá nhân phát hiện và giao nộp cổ vật. Việc này nhằm khuyến khích ngư dân trình báo các phát hiện tàu cổ đắm cho cơ quan quản lý.
Ngoài ra, Nghị định 86 cũng đã nêu rõ chính sách của nhà nước về xây dựng và phát triển ngành khảo cổ học dưới nước ở Việt Nam; xây dựng bảo tàng giới thiệu di sản văn hóa dưới nước.
Tàu cổ đắm ở Quảng Ngãi và các vùng biển khác của Việt Nam chứng tỏ lịch sử giao thương thịnh vượng. Tôi cho rằng nhà nước có thể lập bảo tàng tàu cổ đắm gồm cổ vật, hàng hóa trên tàu và xác các con tàu cổ đắm ở vùng biển Quảng Ngãi như Bình Châu, Bình Hải, Bình Thuận...
Chúng ta có thể tổ chức tham quan trực tiếp hoặc trực tuyến, từ đó đưa các bài học về địa lý, lịch sử liên quan các con tàu đắm. Chính quyền có thể tổ chức tour lặn biển tại vị trí các tàu cổ đắm gần bờ như Bình Châu nhằm phát huy du lịch.
Phạm Linh