Một số trường học tại Hà Nội đang trưng cầu ý kiến phụ huynh về việc tiêm vaccine cho trẻ lứa tuổi dưới 12. Kết quả lấy ý kiến chưa được đơn vị nào công bố. Tuy nhiên, nhiều bố mẹ chia sẻ nỗi lo ngại và băn khoăn.
Chị Dung (Hà Đông, Hà Nội) có hai con, 5 tuổi và 8 tuổi, nói rằng chị lo về phản ứng phụ, khi từng xảy ra một số trường hợp phản ứng nặng sau tiêm ở lứa tuổi 12-17. Sau khi bàn với chồng, chị đã điền vào ô "Không đồng ý tiêm chủng" khi được nhà trường khảo sát ý kiến.
Cùng nỗi lo, chị Phương (43 tuổi, ngụ Khương Đình) phản hồi nhà trường "đang cân nhắc", do con trai 6 tuổi có bệnh nền, thể trạng yếu, lại dị ứng thực phẩm. Chị sợ bé sẽ gặp phản ứng phụ nghiêm trọng sau tiêm.
Một số phụ huynh khác khi được khảo sát, cho biết đọc được nhiều thông tin trên mạng xã hội nói rằng "vaccine mới được nghiên cứu thử nghiệm, có những thành phần ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản, nội tiết... của trẻ sau này" nên không đồng ý cho con tiêm.
Trong khi đó, chị Minh (45 tuổi), có hai con 6 tuổi và một tuổi đều đã mắc Covid-19 nhưng chỉ ho sốt nhẹ, tỏ ra khá tự tin khi từ chối tiêm cho con lớn. "Con của một số đồng nghiệp, bạn bè tôi cũng đã nhiễm, đều như bệnh cúm thường, có bé không biểu hiện. Thực tế cũng cho thấy trẻ 5-11 tuổi hầu như không tử vong vì Covid-19 nên không cần tiêm vaccine", chị nói.
Những người mẹ trên đều đề nghị Bộ Y tế thông tin rõ ràng, cụ thể các bằng chứng khoa học về loại vaccine sẽ tiêm cho con mình, liều lượng, và việc này đã diễn ra ở các nước như thế nào... để phụ huynh tham khảo, từ đó sẽ quyết định có hay không tiêm cho trẻ.
Khảo sát ý kiến độc giả về việc tiêm vaccine cho nhóm trẻ này, từ ngày 6/1 đến nay, VnExpress ghi nhận 67% không đồng ý tiêm (trong tổng số hơn 184.000 người tham gia). Số người đồng tình chiếm 30%, 3% có ý kiến khác. Trong khi đó, Bộ Y tế hôm qua công bố hơn 415.000 phụ huynh có con dưới 12 tuổi tham gia cuộc khảo sát thì có 60,6% đồng ý tiêm, 1,9% không đồng ý, 29,1% cân nhắc, 7,6% đồng ý nếu bắt buộc.
Bác sĩ Nguyễn Đình Tỉnh (giảng viên bộ môn Nhi, Đại học Y tế Công cộng) cho biết anh hiểu tâm trạng lo lắng của phụ huynh, bởi cũng có con 5-11 tuổi. Quá trình tư vấn điều trị cho F0 ở độ tuổi này, bác sĩ nhận định hầu hết bệnh nhân ở mức độ nhẹ, tự khỏi; một số trường hợp sốt kéo dài hơn nhưng sau đó đều ổn định, hiếm có ca nào trở nặng, phải thở máy hay diễn biến khó lường như ở người lớn.
Thực tế tại Việt Nam, Bộ Y tế ghi nhận 0,3% trẻ có phản ứng nhẹ sau tiêm; số ít trẻ dưới 18 tuổi sau tiêm vaccine bị phản vệ độ 4 - cơ thể phản ứng quá mức với vaccine, dẫn đến tử vong. Các ca này đã gây tâm lý hoang mang, lo lắng cho nhiều phụ huynh và cả con trẻ. Bên cạnh đó, khá nhiều cha mẹ băn khoăn về chuyện vaccine mới đưa vào sử dụng "liệu có ảnh hưởng gì đến con cái mình sau này hay không".
Tuy nhiên, dưới góc độ chuyên gia, anh Tỉnh cho rằng "người dân không nên hoang mang" bởi các nghiên cứu của thế giới cho thấy tỷ lệ phản ứng phụ do vaccine ở lứa tuổi 5-11 là rất thấp, về cơ bản an toàn. "Y tế Việt Nam còn yếu và thiếu rất nhiều, chưa thể so sánh với các nước phát triển, nên vaccine là biện pháp tốt để phòng ngừa nhiễm, lây lan Covid. Nó rất có lợi cho những trẻ nguy cơ cao như béo phì hoặc có bệnh nền, hạn chế nguy cơ biến chứng, chuyển nặng", bác sĩ nói.
Cùng quan điểm, tiến sĩ Phạm Quang Thái (Trưởng văn phòng Tiêm chủng mở rộng miền Bắc, Viện vệ sinh Dịch tễ Trung ương), khuyên cha mẹ nên tin tưởng vào thông tin khoa học. Các cuộc thử nghiệm cho thấy vaccine an toàn với trẻ em do sử dụng liều lượng thấp, chỉ bằng 1/3 so với nhóm 12 tuổi trở lên. Tỷ lệ phản ứng thông thường như sốt, đau tại vùng tiêm, mỏi người... thấp hơn so với nhóm trẻ lớn tuổi hơn và ở người trưởng thành. Hiện, 42 quốc gia và vùng lãnh thổ triển khai tiêm cho trẻ 5-11 tuổi, hầu như không ghi nhận phản ứng phụ nặng hoặc bất thường như viêm cơ tim trên nhóm trẻ này.
Theo tiến sĩ Thái, ích lợi của tiêm chủng lớn hơn nhiều so với rủi ro mà vaccine đem lại. Tiêm chủng cho trẻ 5-11 tuổi cũng giảm nguy cơ lây nhiễm cộng đồng, từ đó hạn chế sử dụng các biện pháp chống dịch như đóng cửa trường học. Tuy nhiên, ông cũng khuyến cáo nhóm trẻ này cần được gia đình chăm sóc, theo dõi chặt sau tiêm vì khả năng tự nhận biết, thông báo triệu chứng kém hơn. "Dù tỷ lệ phản ứng nặng sau tiêm vaccine ở trẻ thấp hơn rất nhiều so với ở trẻ lớn và người trưởng thành, phụ huynh vẫn cần đặc biệt lưu tâm, đề phòng các phản ứng bất lợi", tiến sĩ Thái nói.
Ở một luồng ý kiến khác, bác sĩ, thầy thuốc nhân dân Trần Sĩ Tuấn cho rằng Bộ Y tế cần thực hiện và công bố nghiên cứu khoa học rõ ràng để người dân hiểu lợi ích và ảnh hưởng của vaccine lên nhóm trẻ 5-11 tuổi, trước khi quyết định tiêm chủng. Nghiên cứu cần nêu về tỷ lệ nhiễm, chuyển nặng, tử vong của trẻ ở biến chủng Delta, so với tỷ lệ sốc phản vệ gây tử vong sau khi tiêm vaccine, thay cho bảng thăm dò xã hội. "Cần nghiên cứu và nên thận trọng, nếu chưa có nghiên cứu hoặc tỷ lệ phản vệ gây tử vong cao hơn do mắc Covid-19 thì chưa nên tiêm", ông Tuấn nói.
Lý do cần thận trọng, theo bác sĩ Tuấn, là vaccine Covid-19 hiện được sản xuất và dùng trong trường hợp khẩn cấp nên chưa thể biết hết những tác động lâu dài tới sức khỏe, trong khi đó trẻ 5-11 tuổi có tuyến nội tiết và các tuyến cơ thể chưa phát triển hoàn chỉnh. Thực tế tỷ lệ chuyển nặng và tử vong của trẻ dưới 11 tuổi nếu mắc biến chủng Delta là rất hiếm. Tỷ lệ này ở trẻ nhiễm biến thể Omicron lại càng ít. Trong khi đó, hiện trên 75% dân số Việt Nam đã tiêm vaccine, riêng TP HCM hơn 95% người từ 12 tuổi trở lên đã tiêm, nguy cơ lây nhiễm ở trẻ nhỏ thấp. Do đó, ông Tuấn cho rằng cần ưu tiên tiêm cho những trẻ nhỏ có bệnh nền, nguy cơ cao, không nên tiêm đại trà. "Nên khuyến khích tiêm cho lứa tuổi dưới 12 chứ không bắt buộc, cũng không nên cô lập hay hạn chế các em nếu chưa tiêm vaccine", ông nói.
Hôm 3/2, Chính phủ yêu cầu Bộ Y tế khẩn trương mua, tiêm vaccine Covid-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi (theo đề xuất của Bộ Y tế là 21,9 triệu liều vaccine Pfizer). Hiện chưa rõ thời gian, kế hoạch và số lượng trẻ 5-11 tuổi cần tiêm vaccine.
Tính đến 17h30 ngày 8/2, Việt Nam đã tiêm hơn 183 triệu liều vaccine Covid-19, trong đó tiêm mũi một hơn 79 triệu liều, tiêm mũi hai hơn 74 triệu liều, tiêm mũi ba (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi ba liều cơ bản) là gần 30 triệu liều. Tỷ lệ tiêm mũi hai cho người từ 12 tuổi trở lên đạt 95,5%, 25% người từ 18 tuổi đã tiêm mũi ba, tính đến hết ngày 6/2.
Chi Lê - Thúy Quỳnh