Những ngày qua, nhiều phụ huynh chật vật đòi lại số tiền đã cho trường quốc tế Mỹ Việt Nam (AISVN) vay nhưng bất thành. Năm 2018, AISVN triển khai hợp đồng vay vốn cho phụ huynh với số tiền 2-5 tỷ đồng. Đây là các khoản vay không lãi suất, bù lại con họ được học miễn phí đến hết lớp 12 hoặc chuyển trường. Hợp đồng quy định khi học sinh tốt nghiệp lớp 12 hoặc làm xong thủ tục chuyển trường, AISVN sẽ trả lại số tiền đã vay sau 90 ngày.
Nếu chậm trả, AISVN sẽ phải trả thêm khoản lãi theo lãi suất huy động của Hội sở Vietcombank. Thời gian chậm trả tối đa 90 ngày.
Giao dịch trên là hình thức giúp nhiều trường tư thục huy động vốn. Thay vì tiếp cận nguồn tiền từ các nhà băng, hội đồng quản trị chọn vay từ phụ huynh học sinh. Họ không trả lãi suất tiền mặt mà bằng học phí ở chính ngôi trường đang điều hành.
Theo thông tin công bố trên trang chủ AISVN, học phí 12 năm khoảng 6,95 tỷ đồng. Đây được xem là khoản lãi khi phụ huynh cho vay. Giả sử một phụ huynh cho vay tối đa 5 tỷ, hiệu suất của khoản đầu tư trên là 139% cho 12 năm, trung bình 11,58% mỗi năm.
Như vậy, thương vụ này có tính hiệu quả cao hơn cả đầu tư USD, vàng, bất động sản và trái phiếu trong giai đoạn 2011-2021, dựa trên số liệu thống kê của Dragon Capital. Mức lãi 11,58% khi cho AISVN vay vốn chỉ xếp sau đầu tư cổ phiếu (15,8%). Chưa kể, nếu hội đồng quản trị sử dụng hiệu quả nguồn vốn vào việc xây dựng, nâng cấp và phát triển trường học, phụ huynh cũng hưởng lợi khi con họ được tiếp cận môi trường giáo dục ngày càng chất lượng.
Thực tế, pháp luật hiện hành không cấm hay hạn chế trường học vay tiền phụ huynh. Đây được xem là giao dịch dân sự có quan hệ tín dụng.
Do không có tài sản thế chấp, đây là khoản vay theo hình thức tín chấp, tức dựa trên uy tín của người đi vay. Các ngân hàng thường xác minh thu nhập và lịch sử tín dụng trước khi cho vay tín chấp nhưng với phụ huynh, họ không làm được như vậy. Theo một số phụ huynh, họ thường dựa vào việc nhìn thấy cơ sở vật chất khang trang hơn các trường thông thường, đội ngũ giáo viên và quản lý có nhiều người nước ngoài hay tin vào chữ tín ở môi trường giáo dục.
Không chỉ AISVN, nhiều trường tư thục cũng triển khai hoạt động này với tên gọi "gói đầu tư giáo dục" như hệ thống trường Dewey, trường quốc tế Nam Mỹ (UTS), hệ thống trường ICS, trường quốc tế Bắc Mỹ (SNA)... Theo ThS Bùi Khánh Nguyên - chuyên gia giáo dục độc lập chuyên nghiên cứu về các trường quốc tế, hình thức vay vốn phụ huynh để thành lập và phát triển trường đã có từ gần 15 năm trước và trong vài năm gần đây trở nên phổ biến. Theo thống kê của ông, hiện có khoảng gần 20 trường quốc tế và song ngữ ở TP HCM và Hà Nội có gói "đầu tư giáo dục" thông qua hình thức trả học phí trước nhiều năm.
Dù có những trường do các tập đoàn lớn đầu tư như Nord Anglia, Cognita, Inspired Education..., ông Nguyên cho rằng hầu hết trường quốc tế hiện do các công ty vừa và nhỏ trong nước thành lập. Để xây dựng một trường quốc tế hoặc song ngữ tư thục nói chung, cần có từ 500 tỷ đến vài nghìn tỷ đồng cho xây dựng cơ sở vật chất, thuê đất, chi phí vận hành, chủ yếu trả lương cho đội ngũ điều hành và giáo viên nước ngoài. Do vậy, rất nhiều dự án xây dựng trường có nhu cầu vay vốn.
"Rất hiếm trường tư thục phi lợi nhuận, hoạt động vì mục tiêu phụng sự giáo dục và xã hội, đa số hoạt động vì lợi nhuận với mục tiêu cao nhất là kiếm tiền từ giáo dục", chuyên gia nói.
Các gói "đầu tư giáo dục" bùng nổ trong giai đoạn lãi suất thấp, tiền rẻ. Từ đầu năm 2018, lãi suất cho vay với các doanh nghiệp thông thường tại các ngân hàng thương mại Nhà nước cho trung và dài hạn là 9,3-10,3% một năm và 10-11% một năm ở các ngân hàng thương mại cổ phần.
Một doanh nghiệp khi cần vốn thường tìm đến ngân hàng. Nhưng theo ông Nguyên, vay vốn từ ngân hàng thường đòi hỏi thế chấp tài sản, điều mà nhiều dự án trường không có vì nhiều trường xuất phát điểm "tay không bắt giặc". Vay tiền ngân hàng cũng có rủi ro về lãi suất biến động, khó lường trước. Việc ngân hàng tăng lãi suất đến trên 10% một năm thường xuyên xảy ra và đây cũng là động lực khiến các dự án trường muốn vay vốn trực tiếp từ phụ huynh.
Giả sử một trường tư thục cần vay ngân hàng 500 tỷ đồng đầu năm 2018, họ có thể chịu lãi suất bình quân 10,5% một năm trong 10 năm. Trong năm đầu tiên, nhà trường phải trả nợ gốc và lãi hơn hơn 8 tỷ đồng mỗi tháng, giảm dần theo thời gian. Dù tuyển sinh tốt hay không, có chịu ảnh hưởng bởi các biến động vĩ mô như dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế hay không, họ vẫn phải tốn chi phí tài chính hàng tỷ đồng mỗi tháng. Tổng số lãi phải trả sau 10 năm sẽ gần 265 tỷ đồng.
Bên cạnh đó, các doanh nghiệp giáo dục tư nhân thường đi theo lộ trình, 5 năm đầu tiên là giai đoạn dồn toàn lực để mở rộng - giai đoạn "khát vốn" nhất. Theo nguồn tin của VnExpress tại một tập đoàn giáo dục lớn phía Nam, hút được vốn từ phụ huynh ngay từ đầu sẽ mang lại tiềm lực tài chính lớn cho các trường, hơn hẳn thu học phí theo từng kỳ. Thông thường sau khoảng 10 năm, các trường sẽ bước vào giai đoạn sinh lời nên họ tự tin dễ trả lại vốn cho phụ huynh.
Nhân sự tại một đơn vị kinh doanh giáo dục tại phía Nam cho biết, các doanh nghiệp khi triển khai mô hình này thực tế đã nghiên cứu và phân tích rất kỹ cái nhìn sâu sắc (insight) của phụ huynh trước khi triển khai. Một trường tư trực thuộc tập đoàn này cũng từng triển khai gói "đầu tư giáo dục" tương tự vì cho rằng đa số phụ huynh đều là người có thu nhập cao, dân kinh doanh. Họ xem việc học của con cũng là một khoản đầu tư. Tuy không thu lãi trực tiếp, việc cho nhà trường vay giúp họ có "lời" ở việc đảm bảo con được học tập tại trường quốc tế liên tục.
"Là dân kinh doanh, họ rất hiểu về rủi ro", người này khẳng định. Lời cam kết cho con được học liên tục 12 năm ở trường quốc tế giúp họ an tâm. Nếu có những biến cố trong tương lai như khủng hoảng kinh tế, doanh nghiệp phá sản hay lạm phát học phí, việc học của con vẫn không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, khi chấp nhận hình thức này, phụ huynh sẽ đối mặt một số rủi ro. Trước hết, do hợp đồng không quy định rõ mục đích sử dụng vốn, hội đồng quản trị nhà trường có thể sử dụng vốn vào các hoạt động phi giáo dục, không tập trung đầu tư chất lượng giảng dạy. Bên cạnh đó, không phải gia đình nào cũng gắn bó với một ngôi trường suốt 12 năm học. Khi chuyển trường, hội đồng quản trị có thể chậm trả, đưa phụ huynh vào thế bị động nếu không chuẩn bị trước tài chính để gửi con nhập học ở ngôi trường khác với chi phí lớn không kém. Quan trọng hơn, do không có tài sản thế chấp, khả năng đòi nợ khi nhà trường cạn tiền sẽ rất khó. Trong trường hợp AISVN, hội đồng quản trị đã quá thời hạn chậm trả nhưng phụ huynh vẫn chưa lấy lại được vốn.
ThS Bùi Khánh Nguyên nêu quan điểm rằng hình thức đầu tư giáo dục thông qua học phí về bản chất ẩn chứa mối quan hệ tín dụng, trong đó nhà trường "cắt cầu" ngân hàng bằng cách làm việc với phụ huynh. Do lịch sử trường tư của Việt Nam còn non trẻ, nhất là trường quốc tế, các trường quốc tế do công ty trong nước điều hành vẫn còn rất nghiệp dư. Nếu hội đồng quản trị mang tiền đi đầu tư phi giáo dục với hy vọng nhanh chóng kiếm lời, rủi ro mất tiền và phá sản là rất cao khi trường học không phải quỹ đầu tư chuyên nghiệp. Theo quan sát của ông, top 3 trường quốc tế tốt nhất tại TP HCM không có hình thức huy động vốn này.
"Vì cho vay vốn tín chấp, không có thế chấp nên phụ huynh nắm phần rủi ro cao", chuyên gia này nói.
Tất Đạt