Diễn viên hài kiêm diễn viên người Mỹ Robin Williams chia sẻ: "Tôi từng nghĩ điều tồi tệ nhất trong cuộc sống là chết trong cô độc. Nhưng không phải vậy. Điều tồi tệ nhất là cái chết đến khi bạn có người ở bên, nhưng cạnh người đó, bạn vẫn cảm thấy cô đơn".
Tại sao nhiều người cô đơn ngay bên cạnh bạn đời của mình? Nhà trị liệu tâm lý, tiến sĩ Aman Bhonsle (Mumbai, Ấn Độ) chia sẻ những lý do có thể khiến những người đã kết hôn nhưng vẫn tìm kiếm ai đó để tâm sự.
Sự vội vàng trong quan hệ
Khi sự phấn khích của một mối tình nồng cháy và giai đoạn trăng mật đầy màu hồng kết thúc, bạn có thể nhận ra mình và đối tác không có nhiều điểm chung. Bạn cũng có thể nhận ra mình không có khả năng xoay xở với cuộc sống thường ngày hoặc vượt qua những giai đoạn khó khăn.
Tiến sĩ Bhonsle giải thích, hôn nhân thường được tiếp cận với tư duy tổ chức một sự kiện cưới hỏi hoành tráng. Nhiều người không nhận ra họ phải dành 40-50 năm tiếp theo bên nhau và họ có thể không được trang bị kiến thức cho việc đó. Khi vợ chồng không thể trung thực và giao tiếp, họ sẽ tìm kiếm những mối quan hệ bên ngoài.
Áp lực công việc
Maria, một bà mẹ 38 tuổi của hai đứa con, Mỹ, nói muốn tìm một người để tâm sự mặc dù đã kết hôn. Cô cảm thấy chồng gắn bó với công việc đến mức quên gia đình. "Anh ấy gần như sống tại văn phòng. Ngay cả khi ở nhà, anh ấy vẫn vùi đầu vào phòng làm việc, nghiền ngẫm các tập hồ sơ. Tôi không nhớ lần cuối cùng chúng tôi có một cuộc trò chuyện thực sự hay gần gũi với nhau là khi nào. Tôi rất chán nản và cô đơn trong cuộc hôn nhân của mình", cô nói.
Ảnh hưởng từ áp lực công việc và gia đình, văn hóa hối hả và sự đam mê các mục tiêu sống khiến nhiều người đã kết hôn vẫn muốn tìm kiếm một ai đó để kết nối.
Sự xa cách của vợ chồng
Tiến sĩ Bhonsle nói, khi bạn trải qua những thăng trầm của cuộc sống, tính cách của bạn sẽ thay đổi. Một người vô tư và tràn đầy tinh thần lạc quan cũng có thể trở nên thận trọng, thu mình hơn sau những khó khăn, hoặc một người vô thần có thể trở nên vô cùng sùng đạo sau khi trải qua một trải nghiệm đe dọa tính mạng.
Trong khi đó, đối tác của họ lại trong một hành trình phát triển riêng. Khi quỹ đạo phát triển không trùng khớp, các cặp vợ chồng sẽ xa nhau. Vì thế, nếu bạn đã kết hôn nhưng lại tìm kiếm ai đó để trò chuyện, có thể là do bạn đã xa rời nửa kia hoặc gặp khó khăn trong việc kết nối với họ.
Những kỳ vọng không thực tế
Cảm giác cô đơn trong hôn nhân đôi khi có thể không liên quan gì đến người bạn đời mà có thể là kết quả của gánh nặng kỳ vọng không thực tế bạn đặt lên mối quan hệ. Ví dụ, nếu bạn không có mối quan hệ bền chặt với bạn bè, cha mẹ hoặc anh chị em, bạn có thể mong đợi chồng hoặc vợ mình sẽ hoàn thành tất cả những vai trò này. Khi kỳ vọng không được đáp ứng, bạn quyết định tìm một ai đó có thể đáp ứng vai trò bạn mong đợi.
Ngoài ra, một lý do khác khiến bạn có những kỳ vọng không thực tế là bạn so sánh mối quan hệ của mình với một mối quan hệ lý tưởng nào đó bạn thấy trên phim ảnh, mạng xã hội.
Không mất nhiều thời gian để chuyển từ việc so sánh sang tự hỏi làm thế nào để tìm được ai đó để nói chuyện. Một khi những suy nghĩ này bắt đầu chiếm giữ tâm trí, bạn bắt đầu cảm thấy xa cách hơn với bạn đời. Như vậy, sự cô đơn trong hôn nhân trở thành một vòng luẩn quẩn tự nuôi dưỡng chính nó.
Phải làm gì nếu đã kết hôn nhưng luôn thấy cô đơn?
Cảm thấy cô đơn trong hôn nhân có thể là một trải nghiệm không dễ chịu, khi người mà bạn cho là có thể chia sẻ mọi niềm vui, nỗi buồn, hy vọng, ước mơ và nỗi sợ hãi với mình bỗng trở thành một người xa lạ, khiến bạn muốn tìm ai đó để giãi bày.
Tuy nhiên, trước khi đi theo con đường đó, nên dừng lại và tự hỏi bản thân, bạn đã làm mọi thứ trong khả năng của mình để hồi sinh và cải thiện mối quan hệ với bạn đời chưa? Nên xem xét tác động của việc tìm kiếm một ai đó đến tổ ấm, thận trọng trước nguy cơ ngoại tình.
Cần nói chuyện với bạn đời, tìm kiếm sự giúp đỡ từ người thân trong gia đình trước khi có lựa chọn phù hợp.
Thùy Linh (Theo Bonobology)