"Các con tôi không yên tâm để mẹ chữa bệnh ở Cần Thơ, mặc dù lên Sài Gòn tốn kém đủ thứ", người phụ nữ 62 tuổi nói. Chồng bà đi cùng vợ, phụ xách hai ba lô đựng quần áo cùng hồ sơ giấy tờ, lo các thủ tục khám bệnh. Ông bà bắt chuyến xe khởi hành từ Cần Thơ lúc 0h ngày 10/6, đến bến xe miền Tây tại TP HCM khoảng 3h lại tiếp tục đón xe buýt vào Bệnh viện Ung bướu ở TP Thủ Đức để kịp xếp hàng, bốc số chờ khám.
Lần này bà Thanh tái phát ung thư và tiếp tục đến Bệnh viện Ung bướu TP HCM chữa nên có kinh nghiệm. Hai năm trước bà được phát hiện bệnh, đã phẫu thuật và hóa trị hơn 10 toa thuốc. Những đợt xét nghiệm, chụp chiếu nhiều, không khám xong trong ngày, bà phải thuê nhà trọ cạnh bệnh viện ngủ lại với giá 100.000 đồng mỗi đêm. Say xe, mệt mỏi vì di chuyển xa, chờ đợi nhiều, bà cho biết "tốn thời gian, tiền bạc nhưng yên tâm, đến tận đây rồi dù kết quả thế nào cũng đỡ lo lắng, hối tiếc".
Bệnh viện Ung bướu TP HCM là cơ sở tuyến cuối khám chữa bệnh về ung thư tại TP HCM cũng như khu vực phía Nam. Bệnh viện tiếp nhận khoảng 4.700-4.800 lượt bệnh nhân mỗi ngày, tăng khoảng 8-10% so với vài năm trước.
TS.BS Diệp Bảo Tuấn, Phó giám đốc phụ trách điều hành bệnh viện, cho biết hiện 84% bệnh nhân tại đây là người từ các tỉnh đến, tỷ lệ này vài năm trước là 75%. Trong khi đó số bệnh nhân cư ngụ tại TP HCM đến khám không biến động nhiều, khoảng 700-750 người một ngày. Như vậy, số bệnh nhân tăng nhiều là từ các tỉnh đến điều trị, như bà Thanh ở trên. Còn bệnh nhân tại TP HCM hiện có nhiều lựa chọn nơi điều trị do mạng lưới y tế thành phố khá phát triển và nhiều bệnh viện có chuyên khoa ung thư.
Trước đây bệnh viện ung bướu ở cơ sở cũ (cơ sở 1 tại quận Bình Thạnh) vốn đã rất đông bệnh nhân. Từ khi bệnh viện xây cơ sở 2 khang trang, hiện đại ở TP Thủ Đức - vận hành chính thức sau dịch Covid - bệnh nhân nhiều hơn. Nhiều người được bác sĩ hẹn điều trị tại cơ sở 1 cũng mong muốn được sang cơ sở 2 dù phải di chuyển xa hơn rất nhiều.
"Hầu hết bệnh nhân ở tỉnh đến viện vì tin tưởng chất lượng điều trị của đội ngũ y bác sĩ tuyến cuối", bác sĩ Tuấn lý giải. Như chị Minh, 42 tuổi, ở Gia Lai, bị ung thư vú nhưng không muốn điều trị ở bệnh viện gần nhà. Hơn 3 năm qua, chị là khách quen trên những chuyến xe đường dài giữa Gia Lai và TP HCM để định kỳ đến bệnh viện Ung bướu.
"Tôi đến đây vì tin vào bác sĩ tuyến cuối", chị nói, thêm rằng 3 tháng một lần chị đến viện tái khám, sau khi hoàn thành phác đồ điều trị gồm phẫu thuật, hóa trị, xạ trị. Hôm 10/6, để có mặt bệnh viện lúc 4h30, chị phải khởi hành từ Gia Lai vào 18h30 hôm trước. Lần này tái khám, chị trải qua tất cả khâu xét nghiệm, chụp chiếu chẩn đoán để bác sĩ đánh giá lại tình trạng sức khỏe. Vừa di chuyển giữa các phòng khám, chị vừa kéo theo chiếc va li màu nâu để "nếu lỡ phải nhập viện thì đã sẵn hành lý".
Còn anh Minh ở An Giang thì "cam chịu" chữa ở Ung bướu TP HCM do bệnh quá khả năng điều trị tại bệnh viện địa phương. "Tôi được bệnh viện ở An Giang chuyển lên Sài Gòn, xa xôi vất vả quá nhưng bệnh thì phải đành chịu", anh chia sẻ. An Giang cách TP HCM hơn 230 km, đi ôtô mất gần 5 giờ chưa kể thời gian di chuyển đến bệnh viện.
Tuy nhiên, các bác sĩ cho rằng bệnh nhân các tỉnh dồn lên tuyến cuối như vậy ngày càng gây quá tải bệnh viện, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng của nhân viên y tế. Người bệnh phải chờ đợi lâu, phải tốn nhiều công sức và tiền bạc, di chuyển xa xôi vất vả. Chưa kể, do quá tải, bệnh nhân phải chờ xếp lịch mổ có khi vài tuần, chờ xạ trị quá lâu có thể khiến bệnh ung thư diễn tiến nặng.
Trước tình trạng số bệnh nhân tăng, gần đây bệnh viện Ung bướu triển khai nhiều giải pháp để giảm thời gian chờ đợi, như tiếp nhận người bệnh từ 5h, tăng số ca xạ trị bắt đầu từ sáng sớm và kết thúc khoảng 22h mỗi ngày. Các bác sĩ xếp lịch mổ cho bệnh nhân cả ngoài giờ hành chính và ngày thứ bảy.
Mới đây, Bệnh viện Ung bướu TP HCM ký kết thỏa thuận hợp tác chuyên môn với Bệnh viện Đa khoa tỉnh Kon Tum và Bệnh viện Đa khoa tỉnh Gia Lai, chuyển giao một số kỹ thuật điều trị ung thư về tỉnh. Trước đó, Ung bướu TP HCM cũng hỗ trợ Bệnh viện Bà Rịa tương tự. Hợp tác và chuyển giao kỹ thuật này giúp nâng cao năng lực của cơ sở khám chữa bệnh tuyến dưới, góp phần giảm tải viện tuyến trên.
9 năm trước, Bệnh viện Ung bướu TP HCM được UBND thành phố cho phép liên kết chuyên môn với Bệnh viện Hồng Đức trong tổ chức phẫu thuật cho bệnh nhân có nhu cầu. Mối liên kết này nằm trong chủ trương hợp tác công - tư trong lĩnh vực y tế của Chính phủ, Bộ Y tế, mục tiêu giảm tải bệnh viện công. Với liên kết này, bệnh nhân tại Ung bướu nếu có yêu cầu điều trị tại Hồng Đức, bác sĩ sẽ tư vấn các quyền lợi, mức chi phí dự kiến, từ đó bệnh nhân ký xác nhận tự nguyện lựa chọn nơi điều trị. Bệnh nhân có bảo hiểm y tế vẫn được hưởng quyền lợi của bảo hiểm.
Giám đốc Sở Y tế TP HCM Tăng Chí Thượng cho biết thành phố đang tăng cường phối hợp các tỉnh thành trong vùng để khám sàng lọc, nâng cao chất lượng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý ung thư tại địa phương. Các nơi sẽ cùng hình thành Mạng lưới phòng chống ung thư vùng, chăm sóc bệnh nhân từ lúc tầm soát, phát hiện ung thư cho đến giai đoạn cuối, điều trị giảm nhẹ ở tuyến cuối và cộng đồng. Mô hình này không chỉ tại TP HCM mà còn cả vùng đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Tây Nguyên, Nam Trung Bộ.
Việt Nam ghi nhận khoảng 182.000 ca mắc mới ung thư, 122.000 người chết vì bệnh này, mỗi năm. Tỷ suất mắc mới của Việt Nam xếp 91, song tỷ suất tử vong lại xếp 50 trên tổng cộng 185 nước. Những ung thư phổ biến nhất ở người Việt lại là loại có tiên lượng xấu như ung thư gan, phổi. Phần lớn người bệnh ung thư phát hiện ở giai đoạn muộn, dẫn đến tỷ lệ tử vong cao.
Lê Phương