Hiện nhiều mặt hàng tiêu dùng được chị Vân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) mua online, nên động lực đến các khu thương mại là tìm chỗ chơi cho con. Nhưng sau gần một năm không ghé trung tâm thương mại Discovery Complex, chị Vân bất ngờ khi thấy gian hàng tại đây còn mở cửa "đếm trên đầu ngón tay". Chị cho biết trước đây, vợ chồng chị thường dẫn hai con nhỏ lên tầng 4 khu trung tâm thương mại này để vui chơi, mua sắm.
2-3 năm trở lại đây, tình trạng khách thuê trả mặt bằng diễn ra phổ biến tại nhiều trung tâm thương mại ở Hà Nội. Không ít dự án từng là tâm điểm vui chơi, mua sắm tại Thủ đô một thời, nay rơi vào cảnh trống mặt bằng kéo dài, khách mua èo uột.
Theo ghi nhận của VnExpress, trung tâm thương mại Discovery Complex (quận Cầu Giấy) có đến 80% diện tích mặt bằng bán lẻ bị bỏ trống. Chỉ có tầng trệt và hai tầng trên cùng lác đác khách thuê. Còn lại các tầng đều tắt đèn, dừng phục vụ thang máy, thang cuốn.
Tương tự, một số dự án khác như Artemis (quận Thanh Xuân), Mipec Tower (quận Đống Đa) cũng trong cảnh vắng khách thuê dù nằm ở vị trí đắc địa tại khu đông dân cư.
Tuy nhiên, nhiều trung tâm thương mại vẫn đắt khách thuê, chủ yếu từ chủ đầu tư ngoại như Lotte, Aeon hay Central Retail. Hãng dịch vụ bất động sản Avison Young cho biết nhiều dự án có tỷ lệ lấp đầy khách thuê trên 95% như Lotte Mall West Lake, Aeon Mall Hà Đông, Aeon Mall Long Biên...
Bà Nguyễn Hoài An, Giám đốc cấp cao CBRE Hà Nội, cho biết phần lớn những khu bán lẻ vắng khách thuê có quy hoạch, thiết kế gian hàng lạc hậu dù nằm ở "đất vàng".
Bà nói, nhiều dự án đã hoạt động 7-10 năm, chủ yếu nằm ở khối đế của khu đô thị hoặc dự án chung cư, ít cải tạo và đổi mới trong trải nghiệm khách hàng. Ngoài gian hàng bán lẻ, việc thiếu hụt các hoạt động giải trí, sự kiện và trải nghiệm độc đáo khiến không gian mua sắm trở nên "nhàm chán". Các khu này cũng thiếu những ngành hàng chủ chốt để giữ chân khách mua.

Gian hàng đã đóng cửa nhiều tháng ở tầng hầm trung tâm thương mại Discovery Complex, tháng 3/2025. Ảnh: Tùng Đinh
Cùng quan điểm, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc bộ phận Cho thuê thương mại, Savills Hà Nội, cho rằng hiện nay khách thuê không chỉ dừng lại ở việc bán hàng tại cửa hàng vật lý mà còn mở rộng thêm quy mô hoạt động kết hợp các chiến dịch truyền thông hấp dẫn, cửa hàng pop-up, triển lãm... Nhiều thương hiệu nổi tiếng cũng tăng cường yếu tố đời sống vào trải nghiệm mua sắm dẫn đến sự gia tăng của mô hình "concept store" - mô hình bán lẻ có tính mở và thiên về phong cách sống.
Trong khi đó, phí mặt bằng cao tạo thách thức cho không ít khách thuê. CBRE cho biết trong năm 2024, giá thuê trung bình mặt bằng bán lẻ ở trung tâm đã leo thang 16%, tăng nhanh hơn khu vực ngoài trung tâm. Chưa kể một số dự án trong quá trình nâng cấp, sửa chữa, tái định vị còn có biến động về giá thuê. Điều này khiến cho nhiều khách thuê rút khỏi những gian hàng hoạt động kém hiệu quả, chuyển sang dự án có giá hợp lý hoặc dễ tiếp cận khách hàng hơn.
"Những bất lợi trên khiến cho nhiều khu bán lẻ cũ không đủ sức cạnh tranh với những trung tâm thương mại riêng biệt, mới ra mắt với đa dạng loại hình mua sắm, giải trí và dịch vụ thu hút khách thuê", bà Nguyễn Hoài An cho hay.
Bà Nguyễn Tú Anh, Giám đốc kinh doanh một chuỗi thời trang cao cấp có 10 chi nhánh tại Hà Nội, cho biết năm ngoái hãng đã rút khỏi hai mặt bằng tại trung tâm thương mại lớn ở quận Thanh Xuân. Lý do là khách hàng mục tiêu giảm mạnh khiến doanh thu hai cửa hàng lao dốc. Dù phải trả phí thuê mặt bằng khoảng 50 USD mỗi m2 một tháng, cao hàng đầu khu vực, hiệu quả nhận diện thương hiệu và thu hút khách hàng ngày càng thấp.
Cùng chi phí này, bà Tú Anh cho hay hãng có thể thuê mặt bằng tại các trung tâm thương mại riêng biệt, vị trí xa hơn nhưng có nhiều hoạt động để hút khách mua, giúp hãng tăng độ nhận diện hơn.
Lý giải tình trạng khách thuê rời mặt bằng, đại diện Kinh Đô TCI Group, chủ đầu tư trung tâm thương mại Discovery Complex Cầu Giấy, cho hay xu hướng mua hàng online bùng nổ khiến khách hàng ít đến trung tâm thương mại hơn. Thói quen tiêu dùng của họ cũng ngày càng kỹ tính và thắt chặt hầu bao trong bối cảnh kinh tế chưa hết khó khăn. Điều này khiến nhiều nhãn hàng phải điều chỉnh chiến lược, thu hẹp quy mô cửa hàng truyền thống hoặc thay đổi mô hình kinh doanh.
Vị này thừa nhận nhiều trung tâm thương mại hoạt động từ lâu đang phải cạnh tranh rất lớn với các dự án mới, quy mô lớn vừa ra mắt. Kinh Đô TCI Group cũng đang nghiên cứu phương án tái cơ cấu trung tâm thương mại Discovery Complex theo xu hướng tiêu dùng mới, tập trung vào mô hình vui chơi giải trí và ẩm thực hiện đại để tăng khả năng cạnh tranh.
Ở góc độ người tiêu dùng, theo chị Vân những khu trung tâm thương mại mới như Aeon Mall hay Lotte Mall được ưa chuộng hơn vì có nhiều hoạt động cho gia đình trẻ như thủy cung, tổ hợp vận động cùng các gian hàng ẩm thực đa dạng.

Hàng dài người đứng xếp hàng tại một cửa hàng đồ uống tại trung tâm thương mại quận Long Biên. Ảnh: Tùng Đinh
Giám đốc một doanh nghiệp chuyên môi giới mặt bằng thương mại ở trung tâm Hà Nội cho biết nhiều nơi quy hoạch gian hàng thiếu khoa học, không gắn kết được các nhãn hàng hoặc chỉ tập trung vào một nhóm phân khúc tầm trung - cao cấp. Điều này khiến nhiều dự án thu hẹp khả năng tiếp cận với đông đảo khách hàng trẻ, bình dân.
Vị này cho hay, các nhà bán lẻ cũng có mối quan hệ tương hỗ "buôn có bạn, bán có phường". Một nhãn hàng lớn hiện diện tại khu vực này kéo theo đối thủ cạnh tranh hoặc nhãn hàng cùng lĩnh vực xuất hiện theo, tạo nên trải nghiệm mua sắm phong phú cho khách hàng. Thiếu sự gắn kết, tương trợ, không ít nhãn hàng phải chọn rút khỏi mặt bằng để sang "phường" khác.
Nhìn từ bài học thành công của nhiều "ông lớn" bán lẻ quốc tế, các chuyên gia cho rằng ưu điểm của họ là đầu tư kỹ từ khâu nghiên cứu thị trường, thiết kế mặt bằng, tránh bị lạc hậu sau vài năm hoạt động. Họ có chiến lược bố trí mặt bằng khách thuê hợp lý, giúp tối ưu lưu lượng khách hàng và trải nghiệm mua sắm với dịch vụ chăm sóc tinh tế, thống nhất. Đây là lợi thế "lấy lòng" người tiêu dùng trẻ, vốn là lực lượng chủ yếu tiếp cận các trung tâm thương mại hiện đại.
"Cùng với việc đầu tư mạnh cho các hoạt động quảng bá, những trung tâm thương mại mới dần trở thành tâm điểm vui chơi, giải trí, mua sắm của người dân Thủ đô", bà Hoàng Nguyệt Minh cho hay.
Nhu cầu thay đổi từ cả thương hiệu bán lẻ và người tiêu dùng đặt ra yêu cầu phải nâng cấp và tái cơ cấu với các trung tâm mua sắm cũ. Thời gian qua, một số dự án đã nâng cấp chất lượng mặt bằng bán lẻ cho thấy kết quả tích cực.
Ví dụ, giữa năm 2023, Indochina Plaza Hanoi (quận Cầu Giấy) đã hoàn thành cải tạo và đổi tên thành The Loop Shopping Center do Takashimaya quản lý. Trong hai năm, trung tâm này đã thiết kế lại cảnh quan, bố trí nhiều không gian xanh, cải tạo nội, ngoại thất. Định vị thương hiệu cũng thay đổi, nhắm đến giới trẻ thay vì giới hạn cho cư dân như trước, giúp tỷ lệ lấp đầy hiện đạt 100%.
Mô hình chia sẻ doanh thu trong trung tâm thương mại cũng là một giải pháp để tăng khả năng thu hút khách thuê. Bà Hoàng Nguyệt Minh cho biết ưu điểm của mô hình là giá thuê linh hoạt, giúp giảm rủi ro tài chính cho các thương hiệu nhỏ hoặc mới gia nhập thị trường. Cả chủ trung tâm thương mại và khách thuê cùng chia sẻ khi doanh thu không đạt kỳ vọng, giúp nhãn hàng gắn bó với mặt bằng hơn.
Trong tương lai, thị trường bán lẻ vẫn có nhiều triển vọng phát triển. Theo Tập đoàn nghiên cứu thị trường Euromonitor International, doanh thu bán lẻ hàng hóa tại Việt Nam dự kiến tăng trưởng 12,6% mỗi năm trong ba năm tới. Chỉ số tiêu dùng mỗi hộ gia đình cũng dự báo tăng 38% trong giai đoạn 2024-2028, mở rộng cơ hội cho mặt bằng bán lẻ.
Avison Young dự báo nguồn cung bán lẻ Hà Nội có thể bổ sung gần 29.500 m2 diện tích cho thuê mới trong hai năm tới. Điều này sẽ làm tăng áp lực cạnh tranh cho các trung tâm thương mại đã hoạt động nhiều năm.
"Đây là thời điểm các chủ đầu tư cần xây dựng chiến lược định vị phù hợp, cải tạo không gian mua sắm để nâng tỷ lệ lấp đầy, tránh lãng phí ưu thế 'đất vàng' vốn có", bà Nguyễn Hoài An cho hay.
Ngọc Diễm