Những thành phố lớn tại Nhật Bản được đặt trong tình trạng khẩn cấp khi số ca nhiễm và tử vong do nCoV gia tăng. Hàn Quốc vẫn duy trì lệnh cấm tụ tập từ 5 người trở lên để kiểm soát sự lây lan của virus. Hong Kong áp đặt biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt đối với một số khu dân cư để kiểm soát dịch bệnh. Tuy nhiên, khác với những nước phương Tây, chưa nơi nào thực hiện tiêm vaccine, vốn được coi là ánh sáng hy vọng giúp nhân loại thoát khỏi đại dịch.
Khi Mỹ, hầu hết châu Âu và các nơi đông dân châu Á như Trung Quốc, Ấn Độ đã bắt đầu chủng ngừa cho người dân thì Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong đang tiến những bước chậm hơn nhiều. Nhật Bản không có ý định tiêm phòng cho nhân viên y tế tuyến đầu cho đến cuối tháng 2. Hàn Quốc tương tự. Phải đến tháng 5, nước này mới bắt đầu triển khai vaccine cho người trên 65 tuổi. Hong Kong sẽ tiêm chủng cho nhóm nguy cơ cao mắc Covid-19 vào giữa tháng 2.
Ở một mức độ nào đó, ba nền kinh tế lớn nhất Đông Á có nhiều thời gian hơn. Dù số ca nhiễm tăng nhanh, họ chưa trải qua đợt bùng phát mạnh với độ tàn phá cao như Mỹ hay Anh. Lãnh đạo ba khu vực cho biết sẽ phê duyệt vaccine sau khi xem xét tiêu chuẩn và chuẩn bị đủ cơ sở, hậu cần.
Tiến sĩ Krishna Udayakumar, Giám đốc Trung tâm Đổi mới Y tế Toàn cầu Duke, cho biết: "Nhật Bản, Hàn Quốc và Hong Kong đang ở vị trí đáng ghen tị. Việc áp dụng biện pháp kiểm soát và phòng ngừa mạnh mẽ đã cho phép họ giảm thiểu gánh nặng dịch bệnh. Họ không đối mặt với tình cảnh ‘tiêm chủng hay là chết'. Các quốc gia phải tăng tốc vaccine chính là những nơi hứng chịu hậu quả nặng nhất của dịch".
Một số chính quyền tỏ ra chậm trễ khi các biến thể nCoV xuất hiện trên toàn cầu, lây lan nhanh và có thể nguy hiểm hơn. Điều này phần nào cản trở nỗ lực bảo vệ và khôi phục cuộc sống bình thường cho một cộng đồng đã dần mệt mỏi. Song sự trì hoãn đó cũng đem lại cơ hội. "Những kẻ đi sau" có thể dành thời gian học hỏi từ vấn đề mà Mỹ và châu Âu gặp phải, như trở ngại về nguồn cung, thách thức bảo quản lạnh và tranh chấp ai tiêm trước.
Bằng các bước đi thận trọng hơn, các chính phủ Đông Á cũng xoa dịu lo ngại của công chúng về tốc độ phát triển vaccine quá nhanh. Các cuộc thăm dò tại Nhật Bản và Hàn Quốc cho thấy nhiều người chưa muốn tiêm phòng ngay lập tức.
Tiến sĩ Udayakumar cho biết: "Nút thắt nằm ở phía cầu cứ không phải cung. Liệu chúng ta có thể thuyết phục mọi người chấp nhận vaccine, liệu chúng ta có triển khai tiêm phòng đủ nhanh để đạt được mức độ miễn dịch cộng đồng?".
Vấn đề nguồn cung cũng có thể hạn chế tốc độ chủng ngừa. Khi Hong Kong đã phê duyệt các liều tiêm của Pfizer hồi tháng 1, cả Nhật Bản và Hàn Quốc chưa chấp thuận bất cứ sản phẩm nào. Hai nước đều có hợp đồng với nhiều nhà sản xuất để giữ trước vaccine cho toàn bộ người dân. Phía hãng dược cũng cố gắng có được càng nhiều đơn đặt hàng càng tốt.
Kim Woo-joo, chuyên gia bệnh truyền nhiễm tại Đại học Hàn Quốc, cho biết: "Nếu có vaccine, Hàn Quốc sẽ tiến hành tiêm chủng nhanh hơn bất cứ nước nào khác, vì đây là thế mạnh của Hàn Quốc. Vấn đề là chưa chắc chắn các lô hàng sẽ đến đúng thời điểm".
Về lý thuyết, vaccine tại Nhật Bản là vấn đề cấp bách hơn. Chính phủ cam đoan sẽ tổ chức Thế vận hội Olympic, dù ngày càng nhiều người đặt câu hỏi về tính khả thi của sự kiện này. Thế vận hội ban đầu được lên kế hoạch năm 2020 ở Tokyo, song bị hoãn lại đến mùa hè năm nay, dự kiến khai mạc ngày 23/7.
Tháng 1, Thomas Bach, chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế, đã khuyến khích các vận động viên, ban tổ chức và người có ý định tham dự sự kiện "nên tiêm phòng trước ở quê nhà, theo hướng dẫn tiêm chủng quốc gia trước khi đến Nhật Bản". Song giới chức Nhật cho biết điều này là không cần thiết. Thủ tướng Yoshihide Suga nói: "Bằng cách thực hiện các biện pháp thích hợp để chống dịch, chúng tôi đang chuẩn bị một giải đấu hoàn hảo mà không cần đến vaccine".
Khi áp lực gia tăng, chính phủ bắt đầu hạ thấp kỳ vọng vào việc phân phối vaccine nhanh chóng. Tuần trước, Taro Kono, Bộ trưởng Cải cách Hành chính, cho biết Nhật Bản chưa thể tiêm phòng cho người trên 65 tuổi trước tháng 4. Khả năng nước này sẽ không có miễn dịch cộng đồng cho đến vài tháng sau Thế vận hội.
Người dân Nhật Bản cũng có độ hoài nghi cao nhất thế giới đối với vaccine. Thông tin sai lệch tràn lan cản trở những chiến dịch chủng ngừa trước đó. Sau khi vaccine ung thư cổ tử cung ra mắt năm 2010, giới truyền thông đồng loạt đưa tin một người gặp phản ứng phụ nghiêm trọng. Các chuyên gia sau đó cho biết triệu chứng không liên quan đến liều tiêm. Tuy nhiên, ký ức mơ hồ đó vẫn ám ảnh cộng đồng đến ngày nay.
Kazuo Inoue, 68 tuổi, sinh sống tại Tokyo, chia sẻ: "Nói chung, bất kỳ loại vaccine hay thuốc mới nào đều có tác dụng phụ. Chúng tôi đã chứng kiến vài vụ việc trước đây. Tôi quên mất tên vaccine rồi, nhưng nó dành cho phụ nữ, ngừa HPV. Đó là vaccine mới và có rất nhiều tác dụng phụ với người dùng".
Erika Yamao, 33 tuổi, nhà tạo mẫu tóc, một bà mẹ ba con ở Tokyo, cho biết cô tin vào những chương trình truyền hình buổi trưa, nơi MC nổi tiếng cảnh báo về tác dụng phụ của vaccine. Yamao nói cô không muốn tiêm phòng kể cả khi vaccine được chấp thuận.
"Chẳng biết nó sẽ bảo vệ tôi được đến đâu, nhưng rõ ràng là có nhiều rủi ro đi kèm", cô chia sẻ.
Vì lẽ đó, các cố vấn chính phủ tỏ ra thận trọng trong chiến dịch y tế cộng đồng quảng bá vaccine. Takashi Nakano, giáo sư Trường Y Kawasaki, chuyên viên Bộ Y tế, nhận định: "Theo tôi, việc yêu cầu người dân tiêm chủng sẽ tạo phản ứng trái chiều. Mọi người có thể nghĩ ‘Sao họ đề nghị chúng ta sử dụng loại vaccine không an toàn chỉ vì chính phủ thúc ép?’".
Đối với một số người, quyết định tiêm vaccine phụ thuộc vào việc liệu nó có cho phép họ làm điều mình muốn hay không. Erika Yamao cho biết sẽ chủng ngừa nếu nó giúp cô về thăm bố mẹ ở Osaka.
"Trong trường hợp tôi không thể đi tàu cao tốc khi chưa tiêm phòng, tôi sẽ cân nhắc. Đó là phương sách cuối cùng", cô nói.
Thục Linh (Theo NY Times)