Có nhiều nguyên nhân giải thích vì sao người từ độ tuổi trung niên có triệu chứng hay bị đau nhức xương khớp. Tuy nhiên, theo Ths. Bs Lê Thị Hải - Nguyên giám đốc trung tâm tư vấn dinh dưỡng Viện dinh dưỡng Quốc gia, nguyên nhân chủ yếu gây nên các cơn đau này chính là sự thoái hóa của hệ cơ xương khớp.
Ths. Bs Lê Thị Hải cho biết, một số nghiên cứu cho thấy, ngay từ tuổi 30, hệ cơ xương khớp của con người bắt đầu thoái hóa, lớp sụn và xương dưới sụn khớp bị bào mòn, hư hại theo thời gian và tuổi tác, do các sai lầm khi vận động, các tư thế sử dụng khớp sai, các va chạm chấn thương khác... Đồng thời, chất lượng dịch khớp suy giảm sẽ không cung cấp đủ dinh dưỡng cần thiết cho sụn và xương dưới sụn làm cho quá trình thoái hóa, hư hại càng diễn ra nhanh hơn.
Hậu quả là khi khớp cử động, hai đầu xương sẽ va vào nhau mà không được đệm đỡ bởi dịch khớp và lớp sụn êm ái lập tức gây ra các cơn đau nhức, có thể kèm các tiếng kêu cọt kẹt hay lạo xạo, lắc rắc..
Trường hợp nặng có thể dẫn đến gai đôi đốt sống, thoát vị đĩa đệm... gây ra các cơn đau nghiêm trọng hơn cho người bệnh. Tình trạng đau đớn này xảy ra hoặc tăng nặng thêm khi thời tiết thay đổi thất thường. Độ ẩm, áp suất trong không khí thay đổi cũng khiến độ nhớt của máu thay đổi, lực tác động lên khớp di chuyển tăng lên... khiến cho xương khớp càng đau nhức hơn.
Lý do đau nhức khớp vào mùa lạnh là do không khí lạnh thâm nhập vào cơ thể qua đường da bởi các lỗ chân lông, làm cho mạch máu tại các vùng da đó co lại, máu đến các khớp xương bị hạn chế nên thiếu máu nuôi dưỡng khớp, các màng hoạt dịch và sụn khớp bị kích thích, gây nên đau nhức.
Trong khi đó, ở người trung niên và cao tuổi, các mạch máu dễ bị lão hóa không co bóp chuyển động nhịp nhàng như lúc còn trẻ làm cho lượng máu đến khớp có thể bị ít đi. Vì vậy, vào mùa lạnh hay rét, nếu người cao tuổi mặc không đủ ấm, chứng đau nhức khớp xương càng dễ xảy ra.
Sự thoái hóa cũng làm giảm sức dẻo dai của cơ, vì vậy khi người lớn tuổi vận động quá sức sẽ dẫn đến tình trạng nhức mỏi nhanh hơn những người trẻ tuổi. Những cơn đau nhức tăng lên khi khớp cử động và khi nghỉ ngơi sẽ giảm.
Đau nhức xương khớp cũng có thể là biểu hiện của viêm khớp dạng thấp, do hệ thần kinh, do mạch máu (như khi bị giãn tĩnh mạch khiến hai chân mệt mỏi) hoặc do bệnh Gút - rối loạn chuyển hóa purin trong cơ thể khi thừa chất đạm. Tuy nhiên, nguyên nhân phổ biến phải kể đến là tình trạng loãng xương xảy ra ở người trung niên trở đi.
Ths. Bs Lê Thị Hải cho biết, loãng xương cũng là tình trạng phổ biến gây đau nhức xương khớp. Đây là biểu hiện thường dễ bị bỏ quả nên ngày càng nặng và xương yếu dần, dễ gãy. Các cơn đau nhức toàn thân như bị châm chích và tăng dần về đêm.
Để xác định rõ nguyên nhân, người bệnh cần đi khám, từ đó có phương pháp điều trị phù hợp. Chẳng hạn như, nếu tình trạng đau nhức xương khớp xuất phát từ những bệnh lý mãn tính như thoái hóa, thoát vị đĩa đệm, viêm khớp dạng thấp... thì rất khó điều trị. Nhưng nếu nguyên nhân do loãng xương thì việc thực hiện chế độ sinh hoạt lành mạnh, ăn uống khoa học, hợp lý và bổ sung những thực phẩm hỗ trợ bảo vệ xương khớp an toàn đóng vai trò rất quan trọng việc kiểm soát bệnh và cải thiện đáng kể chất lượng sống.