Nhà chung cư bao gồm phần sở hữu riêng và phần sở hữu chung, sử dụng chung.
Phần sở hữu riêng trong nhà chung cư là phần diện tích bên trong căn hộ hoặc bên trong phần diện tích khác trong nhà chung cư được công nhận là sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và các thiết bị sử dụng riêng trong căn hộ hoặc trong phần diện tích khác của chủ sở hữu nhà chung cư. Phần sở hữu chung của nhà chung cư là phần diện tích còn lại của nhà chung cư ngoài phần diện tích thuộc sở hữu riêng của chủ sở hữu nhà chung cư và các thiết bị sử dụng chung cho nhà chung cư đó.
Theo khoản 1 Điều 11 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD, hoạt động sửa chữa nhỏ, sửa chữa định kỳ và sửa chữa lớn phần xây dựng nhà chung cư là các hoạt động bảo trì nhà chung cư.
Theo khoản 1 Điều 107 Luật Nhà ở 2014, bảo trì nhà chung cư bao gồm bảo trì phần sở hữu riêng và bảo trì phần sở hữu chung; chủ sở hữu nhà chung cư có trách nhiệm bảo trì phần sở hữu riêng và đóng góp kinh phí để thực hiện bảo trì phần sở hữu chung của nhà chung cư.
Điểm e 1 Điều 10 Luật Nhà ở 2014 cũng quy định chủ sở hữu nhà ở có quyền bảo trì, cải tạo, phá dỡ, xây dựng lại nhà ở theo quy định của Luật Nhà ở và pháp luật về xây dựng.
Với các quy định trên, chủ sở hữu căn hộ chung cư có quyền sửa chữa, bảo trì phần sở hữu riêng trong chung cư, kể cả việc lắp thêm cửa và ngăn thêm phòng.
Tuy vậy, theo điểm d khoản 2 Điều 9 Quy chế quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD, việc sửa chữa các hư hỏng, thay đổi thiết bị trong phần sở hữu riêng và việc xử lý khi có sự cố nhà chung cư còn được quy định tại Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư do chủ đầu tư (trường hợp chưa tổ chức Hội nghị nhà chung cư), Hội nghị nhà chung cư ban hành.
Theo Mẫu tham khảo Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư ban hành kèm theo Thông tư số 02/2016/TT-BXD, trường hợp căn hộ hoặc phần diện tích khác thuộc sở hữu riêng có hư hỏng thì chủ sở hữu hoặc người sử dụng được quyền sửa chữa, thay thế nhưng không được làm hư hỏng phần sở hữu chung và ảnh hưởng đến các chủ sở hữu khác; trường hợp thay thế, sửa chữa hoặc lắp đặt thiết bị thêm thì phải bảo đảm không làm thay đổi, biến dạng hoặc làm hư hỏng kết cấu của nhà chung cư.
Như vậy, mặc dù chủ sở hữu căn hộ có quyền sở hữu riêng tại chung cư và có quyền sửa chữa, bảo trì phần sở hữu riêng nhưng vì chung cư còn có phần sở hữu chung và còn có sự hiện diện của các chủ sở hữu khác nên việc bảo trì, sửa chữa không được làm ảnh hưởng đến phần sở hữu chung và các chủ sở hữu khác nên nếu sửa chữa, bảo trì thì chủ sở hữu nên thông báo với chủ đầu tư hoặc ban quản trị nhà chung cư và chủ sở hữu liền kề.
Trường hợp Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư có quy định bắt buộc phải xin phép hoặc có quy định khác phù hợp với quy định của pháp luật thì thực hiện theo quy định tại Bản nội quy quản lý, sử dụng nhà chung cư.
Luật sư Kiều Anh Vũ