Theo thống kê của tổ chức các nhà sản xuất ôtô thế giới (OICA), trong năm 2015, Việt Nam xuất xưởng 50.000 ôtô các loại, một con số cực kỳ nhỏ nếu đem so sánh với các “đại gia” trong ngành chế tạo ôtô như Mỹ, Nhật Bản, Đức, Hàn Quốc... Thậm chí không cần phải so sánh xa xôi, ngay các nước láng giềng Đông Nam Á, sản lượng xe của chúng ta cũng còn kém quá xa. Dẫn đầu khu vực vẫn là Thái Lan với 1,91 triệu xe, Indonesia 1,1 triệu xe, Malaysia 615.000 xe. Như vậy, sản lượng của Việt Nam chỉ xấp xỉ 1/40 so với Thái Lan, chưa bằng 1/20 với Indonesia và 1/10 so với Malaysia.
Nguyên nhân của sự tụt hậu nằm ở đâu?
Thứ nhất, thời điểm chúng ta khởi đầu cho ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô khá chậm, mới được trên 20 năm, khi mà ở thời điểm đó, các nước trong khu vực đã có bước phát triển tương đối vững chắc. Thái Lan khi đó từng bước trở thành công xưởng sản xuất ôtô của thế giới. Một nước khác trong khu vực là Malaysia thì phát triển tới mức có thương hiệu ôtô của riêng mình là Proton.
Một nguyên nhân quan trọng khiến ngành sản xuất, lắp ráp ôtô ở nước ta chậm phát triển là do thị trường xe hơi quá nhỏ. Quy mô sản xuất không đủ sức hấp dẫn đối với ngành sản xuất công nghiệp phụ trợ. Các nhà sản xuất linh kiện, phụ kiện vừa thiếu, vừa yếu dẫn đến tỷ lệ nội địa hóa mãi vẫn chỉ đạt từ 10 – 30 % (trong khi Thái Lan đạt mức 70 – 80%).
Những lý do trên cùng với mức áp các loại thuế, phí nhằm bảo hộ sản xuất trong nước dẫn đến giá bán các loại ôtô ở Việt Nam thuộc vào hàng cao nhất, nhì thế giới, gấp từ 2 – 3 lần so với giá trung bình của các nước khác.
Đặc biệt, sự không nhất quán về chính sách cũng luôn làm khó cho các nhà đầu tư nước ngoài. Đã hơn 20 năm phát triển ngành công nghiệp sản xuất và lắp ráp ôtô, một quãng thời gian không phải là dài nhưng cũng không thể nói là quá ngắn. Điều đáng nói là chúng ta vẫn chưa thể hiện được quan điểm, chính sách rõ ràng:
Chúng ta đang ưu tiên hay hạn chế phát triển ôtô?
Nếu ưu tiên, mong muốn nó phát triển thì phải có chính sách hỗ trợ để ngành này tăng quy mô, sản lượng và mở rộng thị trường. Mặt khác, muốn dân mua nhiều xe thì phải có chính sách khuyến khích, làm sao để sản phẩm có giá bán phù hợp với thu nhập thấp của người Việt Nam. Việc tăng giá xe với lý do sợ tắc đường liệu có phù hợp? Việc tắc đường, kẹt xe cũng chỉ diễn ra ở hai thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM, 62/64 tỉnh thành còn lại đường vẫn thông thoáng, đâu có kẹt xe. Vậy, buộc người dân cả nước phải chịu mức thuế cao vì lý do trên liệu có hợp lý?
Sau hơn 20 năm phát triển ngành công nghiệp ôtô, cái mà chúng ta thấy rõ nhất là người dân đang phải sử dụng sản phẩm với chất lượng thấp và giá thành cao so với các nước khác.
Một câu hỏi nữa đặt ra là liệu chúng ta có nhất thiết phải phát triển bằng được ngành công nghiệp sản xuất ôtô không? Nếu như đó không phải là thế mạnh của Việt Nam? Nếu vẫn quyết tâm phát triển thì phải có cái đích cụ thể đến khi nào chúng ta mới thực sự có ngành công nghiệp ôtô phát triển như các nước trong khu vực? Đến bao giờ người dân của chúng ta được hưởng “quả ngọt” từ nền công nghiệp sản xuất ôtô bằng những sản phẩm chất lượng cao với giá cả phù hợp?
Độc giả Duy Tuấn
Lương Dũng biên tập
Liên hệ: luongdung@vnexpress.net